Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 21:11
Thứ hai, 29/07/2024 14:07
TMO - Tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn biển ngày càng tinh vi và chưa được giải quyết triệt để; nguồn nhân lực và kinh phí đầu tư cho các khu bảo tồn biển còn hạn chế… là những bất cập được các chuyên gia chỉ ra trong công tác bảo tồn vùng biển miền Trung.
Theo các chuyên gia, vùng duyên hải miền Trung có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế biển của cả nước, bởi đây là khu vực có 14/28 tỉnh, thành phố giáp biển của cả nước, với bờ biển dài gần 2.000 km, chiếm hơn 55% bờ biển của cả nước. Biển khu vực miền Trung có vùng thềm lục địa, ngư trường đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản rộng lớn, với nhiều khu bảo tồn biển có giá trị với tổng diện tích vùng biển đã được bảo tồn chiếm khoảng 0,175% vùng biển tự nhiên Việt Nam.
Trong những năm qua, ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới. Năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản ước đạt khoảng 9,2 tỷ USD. Biển là chỗ dựa sinh kế quan trọng cho khoảng 20 triệu người dân. Tuy nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học biển Việt Nam nói chung và khu vực Duyên hải miền Trung nói riêng đang còn nhiều hạn chế: Tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn biển ngày càng tinh vi và chưa được giải quyết triệt để; nguồn nhân lực và kinh phí đầu tư cho các khu bảo tồn biển còn hạn chế. Hệ sinh thái biển đang đứng trước nhiều nguy cơ đe dọa và rủi ro ngày càng tăng từ các hoạt động phát triển của con người như: Khai thác quá mức, khai thác bằng các ngư cụ trái phép, rác thải nhựa, tác động do đô thị hóa nhanh…
Khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh tài nguyên biển. Ảnh minh họa.
Trong quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có mục tiêu thành lập và hoạt động hiệu quả 27 khu bảo tồn biển với tổng diện tích 463.587 ha, chiếm khoảng 0,463% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. Bên cạnh đó, có 149 khu vực ở vùng biển được khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Từ thực tế đó, cần có những giải pháp phù hợp cho công tác bảo tồn biển được đồng bộ và hiệu quả từ chính sách đến thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu của các bên liên quan.
Đối với Quy hoạch không gian biển, theo các chuyên gia, Quy hoạch không gian biển có chức năng giải quyết các xung đột giữa các ngành, các cấp, giữa những người sử dụng, khai thác tài nguyên ở khu vực biển. Trên cơ sở giải quyết các xung đột hiện tại kết hợp với dự báo nhu cầu sử dụng, khai thác khu vực biển trong 10 năm tới, quy hoạch không gian biển có chức năng thứ 2 là phân bổ lại các khoảng, đơn vị không gian cho phát triển và bảo tồn.
Trong không gian biển dành cho phát triển được phân bổ không gian phát triển 6 ngành kinh tế và khu vực dự phòng dành cho các hoạt động đặc biệt khác. Không gian biển dành cho bảo tồn cũng được phân bổ, phấn đấu đến năm 2045, có 6% diện tích vùng biển của quốc gia được bảo tồn. Trong quá trình thực hiện quy hoạch không gian biển, cần tôn trọng sự điều tiết của "thị trường" trong việc lựa chọn ngành hàng, sản phẩm hàng hóa tiêu biểu của từng ngành, lĩnh vực để khai thác, sử dụng các phân khu không gian biển được giao hoặc cấp phép.
Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam là một trong 168 bên tham gia Công ước đa dạng sinh học (CBD). Tại hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia CBD đã thông qua khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF), trong đó có mục tiêu 30x30 vào năm 2030. Cụ thể, 30% diện tích đất liền và biển được bảo tồn thông qua việc thành lập các khu bảo tồn và các biện pháp bảo tồn hiệu quả khác ngoài khu bảo tồn (OECM).
Nhằm góp phần đạt được mục tiêu 30x30, Việt Nam đang thúc đẩy triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học và các hoạt động thực hiện mục tiêu GBF liên quan đến OECM; thể chế hóa các tiêu chí, quy trình xác định và hướng dẫn xác lập, quản lý các khu vực bảo vệ hiệu quả khác ngoài khu bảo tồn; điều tra tổng thể, đánh giá và xác định các loại hình OECM và danh mục các OECM tiềm năng trên phạm vi cả nước… Việc thành lập các khu bảo tồn và các biện pháp bảo tồn hiệu quả không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng các cam kết bảo tồn với cộng đồng quốc tế mà còn cho phép bảo vệ thêm những sinh cảnh có tính đa dạng sinh học cao nhất nhưng đang bị đe dọa. Đây là cơ hội mới để bảo tồn thiên nhiên nói chung, bảo tồn biển nói riêng.
HẢI YẾN
Bình luận