Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 05:01
Thứ tư, 25/05/2022 21:05
TMO - Khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng trong phát triển kinh tế dưới tán rừng, thời gian qua tỉnh Sơn La đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân trồng cây dược liệu.
Sơn La có tài nguyên rừng phong phú với trên 540.000 ha đất có rừng. Đến cuối năm 2021, Sơn La có 14.388 ha cây dược liệu, sản lượng đạt 28.294 tấn. Toàn tỉnh hiện có 36 doanh nghiệp, hợp tác xã trồng dược liệu. Trong đó 8 hợp tác xã trồng sơn tra, các doanh nghiệp, hợp tác xã còn lại trồng nấm linh chi, sa nhân, bình vôi, sa chi, gừng...
Huyện Mường La đang đẩy mạnh phát triển cây dược liệu sa nhân dưới tán rừng
Với tổng diện tích 12.840 ha, sản lượng năm 2021 ước đạt 33.310 tấn quả tươi, Sơn La hiện là tỉnh có diện tích, sản lượng sơn tra lớn nhất cả nước. Các doanh nghiệp, hợp tác xã đã đầu tư 2 cơ sở chế biến quả sơn tra, 5 cơ sở chiết xuất tinh dầu sả và 3 cơ sở nấu cao thực vật tại huyện Mường La, Mộc Châu, Phù Yên, Quỳnh Nhai và Thành phố; trung bình mỗi cơ sở có công suất 0,5 tấn thành phẩm/50 tấn nguyên liệu/tháng/cơ sở.
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 16 sản phẩm dược liệu OCOP; trong đó có 6 sản phẩm OCOP 4 sao và 10 sản phẩm 3 sao; xây dựng 3 chuỗi cung ứng dược liệu an toàn tại hợp tác xã bản Nậm Búa, huyện Thuận Châu; hợp tác xã sơn tra Nậm Lộng, xã Hang Chú và hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ sơn tra Bắc Yên...
Các mô hình trồng dược liệu điển hình như: Trồng thảo quả dưới tán rừng tại huyện Sốp Cộp, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mường La, năng suất 3-5 tấn quả tươi/ha, thu nhập khoảng 60-100 triệu đồng/ha; mô hình trồng cây sạch tại huyện Mai Sơn, thu nhập 25-35 triệu/tấn hạt; mô hình trồng sả tại huyện Mường La, năng suất trung bình đạt 3,5 tấn/ha, doanh thu đạt 35 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng sâm Ngọc Linh tại huyện Mai Sơn...
Trồng cây dược liệu thảo quả dưới tán rừng đem lại nguồn kinh tế ổn định tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La. Ảnh: Ngọc Vân
Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng trong phát triển cây dược liệu, tỉnh Sơn La đã phê duyệt dự án quy hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, giai đoạn 2020-2030, địa phương này đặt mục tiêu khai thác 90.400 ha cây thuốc dưới tán rừng; bảo tồn 86.292 ha rừng đặc dụng có cây thuốc dưới tán rừng, định hướng đến năm 2030 đạt 50.000 ha. Để triển khai các mục tiêu trên, tỉnh Sơn La đã áp dụng các chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu của Chính phủ trong việc hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ trồng và bảo vệ 20.000 ha cây dược liệu áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế; hình thành phát triển trên 5.000 ha vùng nguyên liệu dược liệu phục vụ các cơ sở sơ chế, chế biến theo chuỗi giá trị và đạt 30.000 ha vào năm 2030; bảo tồn và phát triển 55 loại dược liệu quý.
Tỉnh Sơn La đang tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất giống, trồng, sơ chế, chế biến, bảo quản, chiết xuất dược liệu. Khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chọn tạo, nhập khẩu và nhân giống; huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển vùng nguyên liệu dược liệu; đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ sản phẩm dược liệu cho nông dân.
Thùy Trang
Bình luận