Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 12:01
Thứ sáu, 26/05/2023 07:05
TMO - Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (huyện Cần Giờ, TP.HCM) là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thuỷ sinh, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ. Với hệ sinh thái đặc trưng, tiêu biểu, khu vực này cần được bảo vệ và phát triển bền vững.
Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ có tổng diện tích hơn 75.000ha, trong đó vùng lõi rộng 4.721ha, vùng đệm 41.000ha và vùng chuyển tiếp 29 nghìn ha. Theo kết quả tổng hợp của Viện Sinh thái học miền nam, hệ thực vật rừng ngập mặn Cần Giờ ghi nhận 296 loài, nhóm thực vật ngập mặn. Rừng ngập mặn Cần Giờ còn là nơi sinh sống của nhiều loại động thực vật quý hiếm thuộc Danh mục Sách đỏ Việt Nam. Với hệ động thực vật đa dạng, độc đáo và phong phú, điển hình cho khu dự trữ rừng ngập mặn, đây là địa điểm lý tưởng để phục vụ nghiên cứu khoa học, đồng thời là khu du lịch trọng điểm của cả nước.
Năm 2000, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đã trở thành khu đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận. Nơi đây là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thuỷ sinh, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các sông Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây.
Phát triển bền vững giá trị đa dạng sinh học tại Khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ góp phần thực hiện đa giá trị trong phát triển kinh tế, phòng chống thiên tai.
Rừng ngập mặn Cần Giờ có điều kiện môi trường rất đặc biệt, là hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước mặn. Rừng Cần Giờ nhận một lượng lớn phù sa từ sông Đồng Nai, cùng với ảnh hưởng của biển kế cận và các đợt thủy triều mà hệ thực vật nơi đây rất phong phú với trên 150 loài thực vật, trở thành nguồn cung cấp thức ăn và nơi trú ngụ cho rất nhiều loài thủy sinh, cá và các động vật có xương sống khác. Rừng ngập mặn Cần Giờ còn có vai trò quan trọng hạn chế thiệt hại do bão lũ, giảm đến 50% năng lượng tác động từ sóng biển, ngăn ngừa nước biển dâng cũng như góp phần bảo vệ dân cư và hạ tầng ven biển.
Theo đánh giá của Bộ TN&MT các khu dự trữ sinh quyển thế giới của nước ta không chỉ là danh hiệu được UNESCO công nhận mà còn đang dần trở thành mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương. Tại nhiều Khu Dự trữ sinh quyển, Ban Quản lý đã có những sáng kiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Nhiều khu dự trữ sinh quyển đã thu hút đông đảo du khách tới tham quan, du lịch, gắn với tuyên truyền, nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.
Hướng tới việc bảo tồn và phát triển bền vững giá trị của nguồn tài nguyên thiên nhiên, hiện nay Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ được Thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch, phát triển thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn du khách với sự hoàn thiện về hệ thống cầu, đường bộ, kênh mương, lối đi trong rừng. Theo đó, Nghị quyết về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030, huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.
Để đạt mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ quan trọng được xác định là: quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ - Khu dự trữ sinh quyển thế giới để địa phương trở thành một hình mẫu về sự hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên với nâng cao sinh kế và chất lượng sống cộng đồng dân cư, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững. Cùng với đó, thành phố có cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ các nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tham gia, đồng hành cùng chính quyền địa phương trong quản lý, bảo tồn, phục hồi, phát triển diện tích rừng ngập mặn nhằm phát huy tốt nhất vai trò, giá trị của khu dự trữ sinh quyển.
TP.HCM quy hoạch, phát triển Khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ thành khu du lịch sinh thái.
Việc tạo sinh kế cho người dân, giúp họ thoát nghèo và có thu nhập ổn định gắn với bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được huyện Cần Giờ chú trọng triển khai. Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ đã tiến hành giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình và đơn vị. Từ năm 1994 đến nay, Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ đã tiến hành giao khoán bảo vệ rừng cho 144 hộ gia đình tại địa phương và 12 cơ quan, đơn vị. Mô hình này đã phát huy hiệu quả tốt khi các hộ giữ rừng đã yên tâm gắn bó và tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng.
Các hộ nhận khoán được tổ chức thành những tổ tự quản, mỗi tổ có từ 5 đến 6 chốt, cùng tuần tra bảo vệ trên toàn bộ khu vực rừng của các thành viên. Vì vậy, nhiều năm nay không xảy ra các hành vi xâm phạm tài nguyên rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép… Đối với hộ dân nhận khoán giữ rừng, bên cạnh mức thu nhập từ tiền công nhận khoán bảo vệ rừng, Ban Quản lý cũng đã tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn sản xuất phụ dưới tán rừng như: nuôi cua, hào, sò huyết, cá…
Trước đó, tại Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030”. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030, TP.HCM sẽ trồng mới 280ha rừng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 200ha. Trong đó, sẽ xây dựng các mô hình sinh kế bền vững gắn với quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Đồng thời, xây dựng khu bảo tồn trong phạm vi vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ nhằm đáp ứng các tiêu chí bảo tồn của vùng lõi, phù hợp với chức năng bảo tồn của một Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Thu Trang
Bình luận