Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Chủ nhật, 12/11/2023 07:11
TMO - Hệ sinh thái rừng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống con người, trong đó du lịch sinh thái từ rừng đang được nhiều địa phương đẩy mạnh khai thác, qua đó đem đến trải nghiệm, tình yêu thiên nhiên cho du khách vừa mang đến nguồn tài chính bền vững cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước có khoảng 25 triệu người dân sống phụ thuộc vào rừng; trong đó có 1,15 triệu hộ gia đình và cộng đồng quản lý 4,1 triệu ha, 136 công ty lâm nghiệp quản lý 1,7 triệu ha, 383 ban quản lý rừng đặc dụng quản lý 5,2 triệu ha, 24,284 người thuộc lực lượng bảo vệ rừng và 6.234 doanh nghiệp chế biến với hơn 500 nghìn lao động…
Theo Cục Lâm nghiệp, nguồn thu của bốn loại dịch vụ trong các hệ sinh thái rừng gồm: Dịch vụ cung cấp gỗ và lâm sản ngoài gỗ, dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ hấp thụ và lưu trữ carbon, dịch vụ du lịch sinh thái, hằng năm đã mang lại giá trị khoảng 40.000 tỷ đồng. Trong đó, thu được từ dịch vụ du lịch rừng đạt khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong đó, du lịch cộng đồng dựa vào rừng đang phát triển khá mạnh mẽ kể từ năm 2016 trở lại đây. Nhằm phát huy những giá trị hệ sinh thái rừng, nhiều địa phương trên cả nước đã đẩy mạnh khai thác, phát triển du lịch sinh thái tại các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên.
Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng nằm trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang được đánh giá là một trong những nơi bảo tồn đa dạng sinh học thuộc dạng độc đáo nhất cả nước hiện nay, đồng thời cũng là "lá phổi xanh" của đồng bằng sông Cửu Long. Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Lung Ngọc Hoàng có diện tích khoảng 2.800 ha, là nơi bảo tồn hơn 330 loài thực vật và 206 loài động vật, trong đó có một số động vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới.
Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng đang được đẩy mạnh khai thác giá trị hệ sinh thái rừng trong phát triển du lịch.
Năm 2021, UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt phương án sử dụng đất của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, sau khi bàn giao diện tích 38,5 ha cho địa phương quản lý, diện tích còn lại Khu đang quản lý là 2.762 ha (gồm 3 phân khu: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 1.001 ha; phân khu phục hồi sinh thái 929 ha; phân khu dịch vụ hành chính 832 ha). Đây là khu đất ngập nước tiêu biểu của vùng Tây Sông Hậu, là nơi bảo tồn sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu, độc đáo, sự đa dạng sinh học, nơi cư trú của các loài sinh vật bản địa, các loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm. Trong đó, có các loài chim quý hiếm là bạc má, cà cuốc, cò ốc, giang sen, cò lạo xám... và các loài thú như: dơi chó, rái móng, chồn mực, cáo mèo… cùng các loài quý hiếm khác như: càng đước, cua đinh, rùa vàng, ếch giun…
Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng có ba khu vực sinh thái rõ rệt: Khu Bảo vệ nghiêm ngặt là vùng lõi của Lung Ngọc Hoàng, cảnh quan còn hoang sơ, giàu đa dạng sinh học, nơi bảo tồn nguồn gien (gène) thực vật, động vật hoang dã đặc hữu theo diễn thế tự nhiên, hạn chế tối đa sự tác động của con người; với Lung Ba Đìa, Lung Sen, địa điểm sinh sống, làm tổ của các loài chim hoang dã, động vật rừng, thủy sinh, thủy sản bản địa.
Khu Phục hồi sinh thái, dành cho việc thực nghiệm, phục hồi hệ sinh thái đầm lầy với các loài cây Gáo, Trâm, Còng, Ô môi, Đủng đỉnh… đã sưu tập được nhiều cây dược liệu quý, hiếm (thuốc Nam); đặc biệt, còn tồn tại 0,4 ha rừng Tràm 40 năm tuổi với cảnh quan thiên nhiên độc đáo, ghi nhận dấu vết hoạt động của nhiều cá thể Trăn, Nưa quý hiếm và không gian thú vị với hàng trăm Tổ ong mật đóng kèo rải rác trong rừng Tràm.
Trong chuyến khảo sát thực địa tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (tháng 7/2022), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là tài sản quý hiếm của tỉnh Hậu Giang nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung; không những có giá trị về mặt sinh thái, thiên nhiên mà còn gắn với lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng; là vùng căn cứ cách mạng của tỉnh. Do đó, cần giữ gìn, bảo vệ rừng nguyên sinh, môi trường rừng nghiêm ngặt, khoa học, hiệu quả.
Đề án du lịch sinh thái Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng đã được UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt tại Quyết định số 1015/QĐ-UBND ngày 7/6/2021, nhằm phát huy hết tiềm năng, giá trị của rừng đặc dụng nơi đây, góp phần phát triển du lịch của tỉnh. Đây là cơ sở để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê môi trường rừng của Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng lập dự án đầu tư du lịch sinh thái kết hợp bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đảm bảo phù hợp các quy định của pháp luật. Từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết lập các tuyến du lịch sinh thái, tạo dựng các điểm đến hấp dẫn làm cơ sở đưa Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là trung tâm du lịch lớn của tỉnh, là khu du lịch quốc gia giai đoạn đến năm 2030.
Đề án còn chú trọng giáo dục cho mọi người ý thức bảo vệ môi trường; thực hiện chính sách chia sẻ lợi ích đối với người dân địa phương, gắn với phát triển du lịch sinh thái, tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho người dân vùng đệm thông qua các dự án phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn. Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đề án nêu rõ các sản phẩm du lịch được định hướng phát triển rất cụ thể, bao gồm sản phẩm theo hướng truyền thống (Du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên gắn với hệ động thực vật; Du lịch vui chơi giải trí; Du lịch gắn với bản sắc địa phương; Ẩm thực, mua bán sản phẩm lưu niệm,…) và các sản phẩm theo hướng độc đáo (Du lịch “con đường Tràm”; Du lịch trải nghiệm, khám phá “thuần thiên nhiên”; Du lịch nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường; Du lịch trải nghiệm kết hợp dịch vụ sản xuất; Du lịch trải nghiệm, mạo hiểm...).
Theo đánh giá, việc đầu tư khai thác tiềm năng môi trường sinh thái tự nhiên của rừng đặc dụng một cách hợp lý để kinh doanh dịch vụ du lịch, sẽ phát huy hết tiềm năng giá trị về cảnh quan, môi trường sinh thái, tài nguyên đa dạng sinh học, vị trí địa lý của Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí, nghiên cứu, học tập và tham quan của người dân và du khách.
Nhiều địa phương trên cả nước triển khai các giải pháp nhằm nâng cao giá trị tài nguyên rừng.
Giá trị sinh thái của rừng Việt Nam đang cung cấp 31 triệu m3 gỗ nguyên liệu đáp ứng 75,6% nhu cầu sản xuất, phục vụ xuất khẩu bình quân hằng năm đạt 17 tỷ USD. Để phát huy giá trị đa dụng của rừng, hiện nay nhiều địa phương đã có những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu người dân, nâng cao đời sống cộng đồng, vừa góp phần bảo vệ, phát triển rừng hiệu quả.
Cùng với mô hình phát triển cây dược liệu, nhiều địa phương phát triển khá mạnh mô hình nông, lâm, ngư kết hợp, như: các mô hình nuôi ong dưới tán rừng ở khu vực rừng tràm U Minh Hạ (Cà Mau), thu hoạch 150 lít mật mỗi mùa, với thu nhập từ 10 đến 20 triệu đồng/người/mùa vụ Cùng với đó, mô hình nuôi trồng thủy sản tại các vùng rừng ngập mặn cũng đang phát triển hiệu quả. Tại Cà Mau, với phương thức chăn nuôi thủy sản không thuốc, không hóa chất, sử dụng nguồn nước tự nhiên đã được chứng nhận vùng nuôi tôm bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế.
Các mô hình du lịch cộng đồng tại các Vườn quốc gia đang ngày càng phát triển. Điển hình là tại các vườn quốc gia: Cúc Phương, Phong Nha-Kẻ Bàng, Cát Tiên, Pù Mát… Bên cạnh đó, các dịch vụ điều tiết nguồn nước, dịch vụ hấp thụ các-bon… cũng ngày càng có chỗ đứng ổn định tại các khu vực rừng phòng hộ, đặc dụng. Theo khảo sát, năm 2022, đã có 3,1 triệu lượt khách đến tham quan tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, mang lại 310 tỷ đồng.
Để giải quyết tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện xây dựng “Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2023 làm cơ sở triển khai thực hiện. Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trên cơ sở bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa truyền thống bản địa; nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững các dịch vụ, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc và người làm nghề rừng...
Đức Dũng
Bình luận