Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 19:11
Thứ năm, 04/08/2022 14:08
TMO - Với đường bờ biển trải dài hơn 3.260 km từ Bắc vào Nam, Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng trong phát triển các đô thị biển đảo là trụ cột và động lực để phát triển kinh tế biển.
Các chuyên gia nhận định, vùng ven biển là vùng có cơ hội phát triển kinh tế rất lớn do không gian biển rộng lớn và giàu tài nguyên. Nhiều ngành kinh tế biển như hàng hải, du lịch, giao thương quốc tế, ngư nghiệp, khai thác tài nguyên, sản xuất năng lượng tái tạo từ biển đã và đang mang lại nguồn thu cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Đảng xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 - 70% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần bình quân cả nước… Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước…
Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng trong phát triển các đô thị biển đảo
Tuy nhiên hiện nay, những đô thị biển tại Việt Nam vẫn chưa thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà biển cả mang lại. Thay vào đó, đô thị hướng biển tại nước ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức cản trở quá trình phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu Việt Nam của Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) đã dự báo, cuối thế kỷ 21, khoảng 300 đô thị vùng duyên hải sẽ chịu ảnh hưởng, trong đó, hơn 100 đô thị sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây xói lở, nhiễm mặn, ngập lụt ở các xã, phường ven biển. Trong số đó một số tỉnh, thành phố bị ngập nặng phải kể đến là thành phố Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, TP.HCM, Kiên Giang…
Thông tin tại hội thảo Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới diễn ra ngày 3/8 tại Quảng Nam cho biết, hiện nay có trên 50% dân số sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển và khoảng 50% các đô thị lớn của Việt Nam tập trung ở khu vực ven biển và trên đảo.
Các đô thị biển của Việt Nam chỉ mới phát triển tập trung ở dải ven biển như TP. Hạ Long, Hải Phòng, Sầm Sơn, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Nha Trang, .... Các đô thị biển này đang được nhìn nhận có hình thái như đô thị đồng bằng, chưa thể hiện rõ tư duy đô thị biển là hạt nhân trung tâm thúc đẩy các ngành kinh tế biển phát triển.
Theo Kiến trúc sư, Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, vùng ven biển là vùng có cơ hội phát triển kinh tế rất lớn do không gian biển rộng lớn và giàu tài nguyên. Nhiều ngành kinh tế biển như hàng hải, du lịch, giao thương quốc tế, ngư nghiệp, khai thác tài nguyên, sản xuất năng lượng tái tạo từ biển đã và đang mang lại nguồn thu cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các đô thị có biển, không gian dải ven biển luôn được ưu tiên quy hoạch cho mục đích phát triển các công trình dịch vụ du lịch. Dù mang lại hiệu quả kinh tế nhưng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển đô thị bền vững, bởi các công trình này đã chiếm gần như toàn bộ mặt tiền hướng ra biển, thiếu thân thiện với tự nhiên và môi trường.
Vấn đề quy hoạch các đô thị biển nhằm khai thác tiềm năng cần được triển khai một cách hiệu quả
Bên cạnh đó, việc quy hoạch trên đã khiến hệ thống cây xanh chống gió cát và bảo vệ đô thị trước gió bão bị đốn hạ, không gian nghề biển của cộng đồng bị thu hẹp, thậm chí mất đi ở hầu hết các đô thị du lịch biển. Do vậy, để thúc đẩy phát triển kinh tế biển và thực sự trở thành cường quốc biển, Việt Nam cần tập trung ưu tiên phát triển các cực kinh tế biển với hệ thống các chuỗi đô thị biển làm “pháo đài” tiền tiêu trong phòng thủ và là “bàn đạp” hạt nhân tiến ra biển, đặt trong tư duy chiến lược liên kết vùng.
Đồng thời, phải có sự điều chỉnh các văn bản pháp luật, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển của khu vực ven biển. Cần phân loại dự án ưu tiên đầu tư xây dựng và có giải pháp cụ thể đối với từng nhóm dự án nhằm đảm bảo việc đầu tư xây dựng có hiệu quả, tránh lãng phí đất đai, bảo vệ môi trường và ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho biết quá trình phát triển đô thị biển nhất thiết phải không tạo ra sự xung đột, tránh xung đột. Đô thị biển hiện đại của Việt Nam phải là đô thị mở, đô thị cảng biển, đô thị thông minh.
Để phát triển kinh tế đô thị biển và hạ tầng đô thị biển Việt Nam cần tích hợp chức năng của đô thị trên tinh thần hiện đại hóa: là đô thị cảng biển (hàng hóa hoặc du lịch); trung tâm công nghiệp thông minh; tổ hợp logictis kiểu mới. Đồng thời phải tạo tư duy, cơ chế trao quyền phải gắn với chức năng đặc thù cho các đô thị biển để tăng tính chủ động, sáng tạo. Cùng với đó động lực phát triển đô thị biển phải dựa vào các doanh nghiệp tư nhân.
Theo nhận định của Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam ông Phạm Nguyễn Toan: Vấn đề then chốt là xác lập tầm nhìn và quy hoạch, định vị không gian đô thị sông biển để phát triển tương xứng với tiềm lực tăng trưởng kinh tế và giá trị độc tôn của từng đô thị, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản – thiên nhiên và tăng tính kết nối giữa các địa phương, thu hút các nguồn lực của doanh nghiệp để kiến tạo nên những công trình đẳng cấp, giàu giá trị văn hóa, khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch và phát triển kinh tế xanh trong thời kỳ mới.
Nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển đô thị biển bền vững cần phải xác định được mô hình phát triển đô thị biển bền vững, vừa đảm bảo tốc độ phát triển kinh tế vừa bảo vệ được môi trường và an ninh quốc phòng. Cần xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn cho đô thị biển trong phân loại đô thị để tạo thuận lợi cho việc xác định vị trí, vai trò chức năng của đô thị biển, nhất là các đô thị biển được xác định trở thành đô thị động lực.
Hồng Thắm
Bình luận