Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 19:01
Thứ bảy, 25/02/2023 06:02
TMO - Tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp có trách nhiệm theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ cao và thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống giảm nhẹ thiên tai...
Địa phương này đặt mục tiêu các giải pháp khoa học, ứng dụng công nghệ đảm bảo tăng hiệu quả kinh tế tối thiểu 15%, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; ít nhất 70% mô hình được triển khai trong Chương trình được các địa phương tiếp tục triển khai, nhân rộng. Tối thiểu 80% mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn được triển khai trong Chương trình có sự liên kết đa ngành, theo chuỗi giá trị và hợp tác công tư...
Kế hoạch thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025 nhấn mạnh đến nhiệm vụ tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Trong đó, định hướng nghiên cứu hằng năm tập trung vào nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ hữu cơ trong sản xuất, chế biến, chọn tạo nhân giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; sản xuất giống mới có năng suất, chất lượng tốt, chống chịu tốt với sâu bệnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh. Triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Tăng cường hệ thống phòng trừ, kiểm soát dịch hại, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Xây dựng phương án tổng thể về phát triển hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, hệ thống định danh gắn với đối tượng quản lý; chuẩn hóa dữ liệu, cập nhật cơ sở dữ liệu nông nghiệp, nông thôn trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) đồng bộ, kết nối và liên thông hoàn thiện hệ thống hạ tầng cho sản xuất. Từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số sản xuất, kinh doanh nông nghiệp (quản lý đất đai, số hóa vùng trồng, cây trồng, vật nuôi, rừng, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thị trường...). Xây dựng hệ thống số hóa cơ sở dữ liệu về nông nghiệp và liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân sinh, kinh tế, hạ tầng sản xuất, công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn... làm cơ sở cho phân tích, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư cho chuyển đổi nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác.
Ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng thành công mô hình trồng thay thế các giống chè PH8, PH9 có chất lượng cao, năng suất trung bình đạt 15 đến 20 tấn/ha.
Rà soát, hướng dẫn, ban hành hướng dẫn sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương; Hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về quản lý chất lượng sản phẩm, vật tư nông nghiệp, quy trình kỹ thuật sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu theo đúng quy định của pháp luật. Trọng tâm là sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) và sử dụng sinh vật có ích trên cây trồng chủ lực, ….
Thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn bền vững trên cơ sở ứng dụng các giải pháp khoa học-công nghệ. Trong đó, đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp-nông thôn, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hỗ trợ quản trị nông thôn; xã hội hóa công nghệ thông tin trong quản lý cộng đồng, kết nối thôn, bản, hợp tác xã, đáp ứng tốt hơn dịch vụ công trong cộng đồng cư dân nông thôn. Phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải phù hợp với đặc thù của từng ngành, nghề và vùng, huyện, thành phố. Phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái thôn, bản thông minh với các dịch vụ nông thôn phù hợp hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bảo vệ, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước đảm bảo phục vụ cấp nước sạch nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Phát triển hạ tầng thương mại, công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistic phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, giải pháp tăng cường áp dụng các chứng nhận chất lượng trong sản xuất và thương mại nông sản, thủy sản.
Mô hình hợp tác, liên kết ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, nông nghiệp chính xác, vật liệu mới; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và hiện đại hóa công tác thủy lợi để phát triển sản xuất, sơ chế và chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng an toàn, hữu cơ, sinh thái. Mô hình khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; phát triển kinh tế rừng; trồng và bảo vệ rừng; phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Mô hình xã hội hóa, mô hình hợp tác công tư trong đầu tư, quản lý, khai thác công trình hạ tầng nông thôn và bảo vệ môi trường.
Lê Hân
Bình luận