Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ tư, 05/10/2022 11:10
TMO - Với nhiều lợi thế từ cảnh quan, khí hậu, văn hóa, ẩm thực..., Cao Bằng hội tụ đầy đủ tiềm năng để trở thành điểm đến hút khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo động lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX khẳng định, phát triển du lịch - dịch vụ bền vững, từng bước đưa du lịch - dịch vụ Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng tỉnh Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc là một trong ba nội dung đột phá về phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Cao Bằng sở hữu nhiều lợi thế trong thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững. Theo đó, toàn tỉnh hiện có hơn 200 di tích, trong đó 96 di tích được xếp hạng (3 di tích quốc gia đặc biệt, 25 di tích quốc gia, 68 di tích cấp tỉnh), 2 bảo vật quốc gia, 4 di sản phi vật thể quốc gia.
Địa phương này có trên 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Với 8 dân tộc anh em (Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô lô, Kinh, Hoa) đã tạo nên nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc .Các giá trị văn hóa, văn học - nghệ thuật, dân ca, dân nhạc, dân vũ, dân gian truyền thống được nghiên cứu sưu tầm khôi phục và phát huy giá trị, như: Hát then, hát sli, hát lượn; các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Pháo hoa, Lễ hội Nàng Hai, lễ hội Lồng tồng, hội Thanh Minh; Lễ cấp sắc, phong tục của một số dân tộc thiểu số: Dao, Sán Chỉ, Lô Lô...
Cao Bằng sở hữu lợi thế lớn về điều kiện tự nhiên, văn hóa trong thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững
Những điều kiện trên đã tạo động lực để Cao Bằng để phát triển đa dạng các loại hình du lịch, như: Du lịch lịch sử cách mạng, văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, biên giới và đặc biệt du lịch cộng đồng, giúp du khách khám phá giá trị bản sắc văn hóa nguyên sơ của các dân tộc, mở ra nhiều cơ hội và triển vọng mới cho phát triển du lịch bền vững của địa phương.
Thời gian qua, địa phương này tập trung khai thác hiệu quả lợi thế phát triển du lịch tại Công viên địa chất non nước Cao Bằng. Các nhà khoa học đã phát hiện, đánh giá và đề xuất xếp hạng trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo, với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi phong phú, đa dạng, như các tháp đá nón, thung lũng, hang động, hệ thống sông hồ, hang ngầm. Trong khu vực của Công viên địa chất có chứa nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như thác Bản Giốc, quần thể hồ Thang Hen, khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Đén.
Trên địa bàn tỉnh du lịch cộng đồng đã bắt đầu được hình thành và phát triển tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo ra các cơ hội việc làm cho người dân địa phương, tăng nguồn thu và thúc đẩy sự phát triển của địa phương.
Một số điểm du lịch cộng đồng đã và đang được đưa vào vận hành khai thác hiệu quả, thu hút được nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, như: Làng đá Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh); xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (huyện Bảo Lạc); xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (huyện Nguyên Bình); Bản Giuồng, xã Tiên Thành (huyện Quảng Hòa); làng rèn xóm Pác Rằng, làng nghề làm hương xóm Phja Thắp xã Phúc Sen (huyện Quảng Hòa).
Ngoài ra, một số địa phương bắt đầu quan tâm đến quy hoạch, đầu tư phát triển một số xóm, làng, bản có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, như: Làng nghề làm giấy bản xóm Dìa Trên, xã Phúc Sen (huyện Quảng Hòa); xóm Giốc Rùng, xã Phong Nặm (huyện Trùng Khánh); xóm Pác Khoang, xã Đức Xuân (huyện Thạch An); Bãi Tình, xã Thanh Long, Nặm Ngùa và Lũng Tó, xã Ngọc Động (huyện Hà Quảng).
Nhằm đẩy mạnh các hoạt động du lịch cộng đồng, HĐND tỉnh Cao Bằng ban hành quy định về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, trong đó tập trung các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển du lịch, như: Hỗ trợ xây dựng hệ thống biển, bảng thuyết minh, chỉ dẫn; bảo tồn bản sắc văn hóa, cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng; đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát triển nguồn nhân lực du lịch cộng đồng và hỗ trợ công tác xúc tiến quảng bá du lịch...
Cao Bằng triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030” trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Cao Bằng vừa ban hành Kế hoạch số 1216/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030” trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu Đề án nhằm giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc thiểu số; nâng cao nhận thức, lòng tự hào, ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân.
Tổ chức xây dựng, khai thác tốt các loại hình du lịch, phù hợp với đặc điểm văn hóa cộng đồng, mở rộng ngành kinh tế phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị, đưa dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội tại địa phương.
Báo cáo của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng cho thấy, 9 tháng của năm 2022, toàn tỉnh đón tiếp 753.499 lượt khách, tăng 111%. Tổng doanh thu du lịch đạt 377,4 tỷ đồng, tăng 687,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 8.418 lượt, tăng 537,7% so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa đạt 745.081 lượt, tăng 109,4% so với cùng kỳ năm trước. Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh đón tiếp 1.137 đoàn khách với trên 137.316 lượt khách.
Ngành Du lịch tỉnh Cao Bằng đã phối hợp tổ chức khai mạc chương trình du lịch về nguồn; hoàn thành nhiệm vụ tái thẩm định danh hiệu Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; tham dự Hội nghị Quốc tế lần thứ 7 mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại tỉnh Thái Lan; bảo vệ thành công hồ sơ vận động tranh cử đăng cai tổ chức Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2024 tại tỉnh Cao Bằng…
Bên cạnh đó ngành Du lịch tỉnh triển khai hiệu quả Kế hoạch thực thi Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch Thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), hướng tới xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành Khu du lịch trọng điểm, kiểu mẫu về du lịch qua biên giới, du lịch xanh, du lịch thông minh, là hình mẫu trong quan hệ hợp tác với nước bạn Trung Quốc.
Thác Bản Giốc trở thành điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch tại tỉnh Cao Bằng. Ảnh: BCT
Những tháng cuối năm, tỉnh Cao Bằng tập trung triển khai hiệu quả Dự án số 6 về xây dựng điểm đến tiêu biểu bản Tục Ngã, xã Đức Xuân (huyện Thạch An); thẩm định và cấp phép một số dịch vụ du lịch mạo hiểm; phối hợp với đơn vị xây dựng Đề án số hóa dữ liệu du lịch, hệ thống thực tế ảo, thuyết minh ảo, du lịch trải nghiệm 3D trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025... Phấn đấu đến hết năm 2022 đạt mục tiêu đón tiếp 1 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 400 tỷ đồng.
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, tỉnh Cao Bằng sẽ tích hợp các hoạt động du lịch vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm cơ sở phát triển du lịch bền vững, hiệu quả và ổn định; phát huy Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ, khuyến khích phát triển loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh…
Địa phương này sẽ tập trung phát triển du lịch theo mô hình công viên địa chất. Đây là mô hình đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa các yếu tố về lịch sử, cảnh quan, văn hóa bản địa. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng các tuyến tham quan mới của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng là tuyến tham quan từ thành phố Cao Bằng đến huyện Thạch An, các điểm đến thuộc thị trấn Phục Hòa (huyện Quảng Hòa); tuyến tham quan kết nối Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng với Công viên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang).
Minh Phương
Bình luận