Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 19:11
Thứ tư, 24/05/2023 12:05
TMO - Tỉnh Yên Bái xác định phát triển cây dược liệu là nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển rừng, gia tăng giá trị từ rừng, tăng thu nhập cho người dân sống từ rừng.
Là địa phương có nguồn cây thuốc tự nhiên phong phú và đa dạng về chủng loại, đất đai và khí hậu phù hợp với nhiều loài cây trồng, cây dược liệu là nhóm có nhiều lợi thế đặc biệt để phát triển trên địa bàn tỉnh.Đất đai và khí hậu của Yên Bái rất phù hợp với nhiều loài cây dược liệu, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng trên 630 loài cây thuốc chữa bệnh được phân thành 11 nhóm thuốc; trong đó có một số loại cây dược liệu quý có giá trị cao, như hoàng liên chân gà, tam thất vũ diệp, tiết trúc sâm, ba kích, đẳng sâm, giảo cổ lam, nấm tỏa dương, thổ phục linh, trà hoa vàng, khôi tía, sơn tra, thảo quả, quế…
Hiện các địa phương ở Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân chuyển từ những cây trồng năng suất thấp sang trồng cây dược liệu. Điều này vừa góp phần xóa đói giảm nghèo, vừa bảo tồn nguồn dược quý ở địa phương, mở ra cơ hội cho các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp thu mua, chế biến sâu và tạo chuỗi liên kết trong chế biến dược liệu.
Để phát triển cây dược liệu trở thành hàng hóa có khối lượng lớn, giá trị cao, thời gian qua, tỉnh đã ban hành một số chủ trương, chính sách như: Đề án phát triển cây sơn tra tại hai huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2016 - 2020; Đề án phát triển quế tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020; ưu tiên phát triển 14 chủng loại cây dược liệu quý hiếm, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng vùng núi cao; phát triển cây dược liệu gắn liền với phát triển và bảo vệ rừng để nâng cao thu nhập cho người dân...
Quế là một trong những cây dược liệu chiếm diện tích trồng lớn trên địa bàn tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, trong những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã xây dựng thành công nhiều khu vực trồng dược liệu tập trung liên kết giữa nông dân và các doanh nghiệp chế biến dược phẩm, ứng dụng các công nghệ mới trong sản xuất giống, chăm sóc, thu hái và bảo quản theo tiêu chuẩn GACP - WHO. Điển hình như cà gai leo tại huyện Văn Yên và huyện Yên Bình; đương quy, hoài sơn, sâm bố chính tại huyện Văn Chấn; thảo quả, sơn tra tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải...
Tỉnh Yên Bái đã phát triển được một số vùng cây dược liệu lớn như quế trên 70.000 ha, sơn tra trên 8.000 ha, thảo quả 1.300 ha, ngoài ra toàn tỉnh Yên Bái có trên 3.400 ha cây dược liệu cho sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 7.600 tấn sản phẩm. Trong số đó, sa nhân, sả, gừng, nghệ, lá khôi tía là các sản phẩm dược liệu có tiềm năng trở thành hàng hóa với quy mô lớn.
Tại một số địa phương, việc trồng cây dược liệu như trà hoa vàng và cây khôi nhung đang phát huy hiệu quả kinh tế. Theo đó, nếu chăm sóc tốt, cây khôi nhung 1 năm đã cho thu hoạch, còn trà hoa vàng sau 3 năm trồng sẽ bắt đầu cho hoa. Trung bình mỗi vụ, 1 gốc trà cho khoảng 1 kg hoa, nụ tươi và cây càng lâu năm thì hoa càng nhiều. Với 2 ha trồng trà hoa vàng và khôi nhung, mỗi năm các hộ sản xuất thu 10 kg hoa trà khô và cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng; lá trà thu được từ 50 - 100 triệu đồng; cây khôi nhung cho thu trên 150 triệu đồng/ha. Theo tính toán của các hộ tham gia trồng trà hoa vàng và khôi nhung, lợi ích thu được cao gấp 5 lần so với chỉ trồng một loại cây gỗ lớn. Cùng đó, việc phát triển sinh kế từ cây trà hoa vàng và cây khôi nhung đã góp phần tạo sự đa dạng sinh học, tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thực tế phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh cho thấy, mặc dù địa phương này đã có nhiều cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh nhưng hiện địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, cây dược liệu yêu cầu về vốn đầu tư ban đầu, đặc biệt là nguồn giống tương đối cao so với nhiều cây trồng khác. Trong khi đó đa số người dân có điều kiện kinh tế còn nhiều hạn chế nên chưa đáp ứng được yêu cầu cho việc mở rộng và phát triển sản xuất.
Hệ thống cơ sở nhân ươm sản xuất giống, cơ sở thu gom, sơ chế sản phẩm còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất với quy mô lớn, tập trung. Đồng thời, khi sản xuất dược liệu hàng hóa với quy mô lớn cần thiết phải áp dụng các quy trình kỹ thuật về trồng trọt và thu hái sản phẩm, có như vậy chất lượng và hiệu quả của cây dược liệu mới tăng lên.
Cây khôi nhung được trồng tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Ảnh: TT.
Kế hoạch phát triển cây dược liệu tỉnh Yên Bái đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 nhấn mạnh đến mục tiêu, từ nay đến năm 2025 trên cơ sở kết quả triển khai thực hiện việc phát triển cây dược liệu đến năm 2020, tiếp tục mở rộng diện tích và chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế trên địa bàn tỉnh Yên Bái lên 29 chủng loại chính gồm: Ba kích, Đinh lăng, Địa liền, Giảo cổ lam, Ích mẫu, Kim tiền thảo, Quế, Sả, Sa nhân tím, Ý dĩ, Bạch chỉ, Bạch truật, Địa hoàng, Hoài sơn (củ mài), Bình vôi, Hà thủ ô đỏ, Atiso, Cà gai leo, Sơn tra, Thảo quả, Nhân trần, Lá Khôi, Đảng sâm, Sâm cau, Sâm Ngọc Linh, Cây dây gắm, Bách bộ, Đương quy, Gấc.
Do đó, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đẩy mạnh đầu tư thâm canh tăng năng suất đối với những loài cây dược liệu giá trị kinh tế cao để nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đối với diện tích đã có.
Xây dựng cơ chế, chính sách lồng ghép nguồn vốn đầu tư của nhà nước, doanh nghiệp, hợp chế biến dược liệu an toàn, đảm bảo theo đúng quy trình kỹ thuật và các tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới. Xây dựng các vùng sản xuất cây dược liệu tập trung đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP - WHO); xây dựng các mô hình ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất;tăng cường khuyến nông, hướng dẫn người sản xuất thực hiện đúng quy trình kỹ thuật về canh tác, thu hái, bảo quản để duy trì và nâng cao sản xuất, chất lượng sản phẩm...
Tăng cường tiêu thụ sản phẩm qua các kênh: các công ty kinh doanh dược liệu; các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; công ty thương mại, hội đông y... với việc hợp đồng, bao tiêu sản phẩm đây được coi là hình thức đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho vùng phát triển tập trung. Đồng thời xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các loại cây dược liệu, các sản phẩm chế biến từ nguồn dược liệu được nuôi trồng, sản xuất chế biến từ nguồn các loại cây dược liệu của tỉnh để góp phần quảng bá và nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Thùy Dung
Bình luận