Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 01:01
Thứ ba, 20/06/2023 14:06
TMO - Việc triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tác động tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Qua đó, góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho cho người trồng, quản lý, bảo vệ rừng nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) có hiệu lực trên phạm vi cả nước từ ngày 1/1/2011 theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ đã khẳng định hướng đi đúng đắn, góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng và đồng bào các dân tộc thiểu số ở các vùng miền núi. Cùng với nguồn thu từ hai dịch vụ chủ yếu là thủy điện và nước sạch, thực hiện quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, hiện nay đã có thêm hai loại dịch vụ môi trường rừng mới là cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ nuôi trồng thủy sản đang được áp dụng triển khai rộng rãi trên toàn quốc.
Tại tỉnh Hà Giang, đa số đồng bào các dân tộc có nguồn thu nhập chính từ canh tác nông, lâm nghiệp, với hơn 80% người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, lâm nghiệp. Chi trả DVMTR được đánh giá là nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành lâm nghiệp, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời góp phần cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng, sống phụ thuộc vào rừng mà chủ yếu là đồng bào nghèo miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hơn nữa, chính sách còn đóng vai trò đáng kể trong thành tích chung của toàn ngành NN&PTNT.
Việc triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tác động tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Hà Giang (Ảnh minh họa).
Toàn tỉnh Hà Giang có hơn 400.000 ha rừng. Phần lớn diện tích rừng được giao cho các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp, cộng đồng dân cư, UBND các xã, thị trấn... quản lý, bảo vệ. Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Hà Giang, diện tích rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng tính đến cuối tháng 5/2023 là trên 451.000 ha, chiếm 97,3% diện tích rừng toàn tỉnh. Phần lớn diện tích rừng được giao cho các Ban Quản lý rừng, công ty lâm nghiệp, cộng đồng dân cư, UBND các xã, thị trấn... quản lý, bảo vệ.
Đến hết tháng 5/2023, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hà Giang đã thu phí dịch vụ môi trường rừng được hơn 173 tỷ đồng; tiền trồng rừng thay thế là trên 3,9 tỷ đồng. Từ nguồn dịch vụ môi trường rừng tiếp tục hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, làm giàu từ rừng cho cộng đồng dân cư và người dân sống gần rừng.
Trung bình mỗi hộ nhận được 560 nghìn đồng/năm, đặc biệt có hộ nhận 54,8 triệu đồng/năm, mỗi cộng đồng dân cư nhận trung bình 35,5 triệu đồng/năm, đặc biệt có cộng đồng dân cư nhận hơn 1,4 tỷ đồng/năm. Nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ người dân có rừng nâng cao đời sống, phát triển sinh kế, từ đó ý thức được tầm quan trọng trong việc bảo vệ và chăm sóc rừng của người dân được nâng lên, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm. Trong năm 2022, toàn tỉnh trồng được trên 609 ha rừng trồng thay thế. Nhiều cộng đồng dân cư sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng để đầu tư mua cây giống để trồng rừng, xây dựng cơ sở vật chất, đường giao thông, làm nhà văn hóa và các hoạt động chung của thôn, góp phần từng bước thực hiện thành công các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Chi trả DVMTR được đánh giá là nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành lâm nghiệp, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Năm 2023, kế hoạch thu tiền dịch vụ môi trường rừng là 147.537 triệu đồng; chi tiền dịch vụ môi trường rừng 147.537 triệu đồng, chi tiền trồng rừng thay thế 731,3 triệu đồng. Ngoài nhiệm vụ tham mưu cho Hội đồng quản lý Quỹ, Ban Kiểm soát Quỹ về công tác chỉ đạo, giải quyết các kiến nghị có liên quan đến thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đảm bảo nguồn thu đúng, thu đủ, chi đúng quy định.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hà Giang còn tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo đúng kế hoạch; rà soát lại diện tích rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng để bổ sung hoặc trừ bỏ những diện tích rừng không còn đủ điều kiện cung ứng dịch vụ môi trường rừng; phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những mô hình quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả; khuyến khích, hướng dẫn các chủ rừng, tổ chức, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng sử dụng công nghệ, máy móc hiện đại vào công tác quản lý, bảo vệ rừng; phối hợp nắm bắt thông tin, chỉ đạo kịp thời, ngăn chặn từ xa các ý đồ, hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp xã thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Theo đánh giá của ngành chức năng, nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng được hưởng hàng năm là nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần hỗ trợ các chủ rừng cung ứng DVMTR chủ động về nguồn tài chính để triển khai các hoạt động như: Chi cho công tác tuần tra bảo vệ rừng, chi đầu tư lâm sinh, xây dựng các công trình công cộng của thôn bản… góp phần ổn định diện tích rừng hiện có cả về số lượng, chất lượng. Từ đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị và trật tự xã hội được ổn định ở các địa bàn dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của địa phương. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cho biết, tính đến ngày 31/12/2022, tổng số thu tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cả nước đạt trên 3.700 tỷ đồng, vượt 23% so với kế hoạch và tăng 17% so với năm 2021.
B.L
Bình luận