Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 10:01
Thứ ba, 27/09/2022 07:09
TMO - Nhằm khắc phục những khó khăn trong công tác tổng hợp, thống kê các dữ liệu liên quan đến quản lý rừng, đồng thời hướng đến quản lý rừng bền vững cho giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh Bình Phước chỉ đạo sở, ngành chức năng phối hợp phát triển phần mềm lập phương án quản lý rừng bền vững.
Theo công bố hiện trạng rừng, tính đến hết năm 2021 diện tích đất có rừng là tại Bình Phước là 156.662,59 ha. Trong đó, rừng tự nhiên 55.846,50 ha, rừng trồng đã thành rừng 100.816,09 ha. Tỷ lệ che phủ rừng trên toàn tỉnh là 22,79%. Trong năm 2021, thực hiện giao khoán bảo vệ rừng 32.737,58 ha (không bao gồm diện tích rừng tự quản lý bảo vệ), trong đó: rừng đặc dụng 19.575,16 ha; rừng phòng hộ 11.569,31 ha; rừng sản xuất (rừng tự nhiên) 1.593,11 ha.
Bên cạnh đó, đã trồng rừng được 200 ha, gồm: Trồng rừng thay thế trên đất rừng phòng hộ, đất bán ngập và trồng rừng sản xuất. Chăm sóc rừng trồng 512,11 ha. Ngoài ra đã thực hiện tuyên truyền bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng được 82 đợt; phát ranh phòng chống cháy rừng với tổng 146,6 ha.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, nhiệm vụ trên vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì chưa có cơ sở dữ liệu và cũng chưa có phần mềm chuyên dụng. Do vậy, việc nghiên cứu triển khai phần mêm lập phương án quản lý rừng bền vững được đánh giá là giải pháp quan trọng tháo gỡ vướng mắc trên.
Phần mềm hỗ trợ lực lượng kiểm lâm, các chủ rừng xây dựng, hoàn thiện phương án quản lý rừng bền vững
Phần mềm lập phương án quản lý rừng bền vững với những mục tiêu cụ thể: Cập nhật bản đồ quản lý bảo vệ rừng cho một đơn vị chủ rừng. Thống kê được hiện trạng sử dụng đất lâm nghiệp. Xây dựng được hệ thống biểu số liệu theo yêu cầu của một phương án quản lý rừng bền vững. Xác định được các phương án quản lý, sử dụng rừng. Xuất kết quả đầu ra ở dạng Excel, Word.
Phương án quản lý rừng bền vững được tính toán đến mỗi lô rừng trong một khoảng chu kỳ 10 năm. Việc xây dựng phương án quản lý rừng bền vững cho một chủ rừng được xem xét tổng quát nhiều mặt ở thời điểm hiện tại cũng như tương lai. Những nội dung được xem xét đến là điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, chủ trương, chính sách bảo vệ rừng, phát triển rừng, khai thác lâm sản ngoài gỗ, khai thác lâm sản, quy hoạch 3 loại rừng, sinh thái cảnh quan, đầu tư, hiệu quả kinh tế…
Như vậy, mỗi lô rừng được gắn rất nhiều thông tin thuộc tính. Những thông tin đó phải được kết cấu theo quy chuẩn chung của ngành. Vì vậy, phải xây dựng bản đồ quản lý rừng bền vững phân lập đến mỗi lô rừng theo đúng quy chuẩn kỹ thuật hiện hành của ngành lâm nghiệp để làm cơ sở dữ liệu cho việc xây dựng phương án quản lý rừng bền vững.
Cơ sở dữ liệu của của phần mềm này gồm bản đồ quản lý rừng bền vững và các biểu thống kê cho thấy: Bản đồ được xây dựng trong môi trường Mapinfo, phân lập đến lô rừng, mỗi lô rừng được gắn các thông tin thuộc tính về quản lý rừng bền vững theo quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu của ngành lâm nghiệp. Bản đồ này là cơ sở dữ liệu chính để xây dựng phương án quản lý rừng bền vững cho mỗi đơn vị chủ rừng. Các biểu thống kê được xây dựng trong môi trường Access, chứa những thông tin để xây dựng phương án quản lý rừng bền vững.
Phần mềm quản lý rừng bền vững có 3 nhóm chức năng chính: Thống kê chuyên đề: Phần mềm sẽ truy vấn thông tin từ bản đồ quản lý rừng bền vững để phân tích, xử lý, tổng hợp và xuất kết quả đầu ra theo các chuyên đề về hiện trạng, quy hoạch, nguồn gốc, loại cây trồng, năm trồng, trữ lượng rừng, lâm sản ngoài gỗ ở dạng bảng Excel.
Thiết lập các biểu thống kê theo quy định tại Thông tư số 28 về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, hiện trạng rừng, kế hoạch sử dụng đất, trữ lượng lâm sản, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng... Và xây dựng các phương án quản lý rừng bền vững: Xây dựng các phương án về quy hoạch 3 loại rừng, quản lý rừng, phát triển rừng, đa dạng sinh học, lâm sản và lâm sản ngoài gỗ và kết nối với Google Earth.
Phần mềm đã được ứng dụng để xây dựng phương án quản lý rừng bền vững của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết và Ban Quản lý rừng phòng hộ Lộc Ninh, qua đó đã khẳng định được tính ổn định, chính xác. Thời gian tới, tỉnh Bình Phước tiếp tục chỉ đạo các cơ quan hoàn thiện phần mềm và triển khai ứng dụng hiệu quả tại các địa phương.
Lê Bình
Bình luận