Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 11:01
Thứ tư, 07/12/2022 13:12
TMO - Với những điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển các loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, thời gian qua UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khuyến khích các địa phương khai thác lợi thế trên trong phát triển cây dược liệu qua đó hướng đến mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm dược liệu khu vực Bắc Trung Bộ.
Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều loài cây thuốc, trong đó, có nhiều loài có giá trị y tế và kinh tế cao. Theo thống kê từ các công bố nghiên cứu khoa học về các loài thực vật có tác dụng làm thuốc, Thừa Thiên Huế có hơn 1.126 loài, chiếm hơn 30% tổng số loài cây thuốc của cả nước. Nhiều loài cây dược liệu quý được kể đến như tràm, hoắc hương, hương nhu trắng, hương nhu tía, vương tùng, lá khôi tía... Ngoài ra, còn nhiều loài động vật, khoáng chất, dược liệu rừng, biển, đầm phá trên địa bàn có thể sử dụng làm dược liệu. Ngoài ra, theo kết quả điều tra thành phần loài cây dược liệu tại một số vùng điển hình ở Vườn Quốc gia Bạch Mã, các nhà nghiên cứu đã thu mẫu và giám định được 112 loài thuộc 58 họ thực vật khác nhau, chưa kể khoảng hơn 10 loài người dân địa phương thường dùng để chữa bệnh theo kinh nghiệm cổ truyền.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trong những năm qua, việc phát huy tiềm năng bản địa các loài dược liệu trên địa bàn tuy đã được cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất và nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, nhiều loại dược liệu quý hiếm được khảo sát đánh giá và thử nghiệm được triển khai bằng các Chương trình, Dự án KH&CN, một số sản phẩm dược liệu đã phát huy hiệu quả tiêu biểu như Tràm gió, Thiên niên kiện, Ba kích, Sâm cau, Tinh bột nghệ.... Dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học, Sở xây dựng đề án phát triển vùng nguyên liệu dược liệu gắn với chương trình sản phẩm OCOP của tỉnh. Qua đó đã lựa chọn ra gần 20 loài dược liệu quý và trong đó có khoảng 12 loài dược liệu tiềm năng để phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh, như tinh dầu tràm, các loại tinh dầu, sâm cau, thiên niên kiện dưới tán rừng...
Cây dược liệu tràm gió được trồng phổ biến tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Tiến Dũng
Tuy nhiên, so với tiềm năng vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế, vùng nguyên liệu dược liệu còn ít, chưa có những mô hình quy mô lớn. Do đó, việc đầu tư, phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn dược liệu trong tự nhiên và bảo tồn tài nguyên dược liệu nhằm góp phần cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường và bảo vệ sức khỏe, văn hóa của cộng đồng, đặc biệt là phát triển kinh tế tư nhân thúc đẩy ngành hóa dược phát triển… đang đặt ra nhiều vấn đề cần bàn luận một cách sâu sắc.
Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện Dự án KH&CN cấp tỉnh “Xây dựng mô hình trồng và định hướng phát triển cây dược liệu lan Kim tuyến, Bình vôi dưới tán rừng, vùng đệm Vườn Quốc gia Bạch Mã gắn với thương mại hoá sản phẩm”. Theo đó, dự án dự kiến thực hiện trong 3 năm từ tháng 1/2023 đến tháng 12/2025 với mục tiêu nhằm xây dựng thành công mô hình trồng và định hướng phát triển 2 loài cây dược liệu lan Kim tuyến (Anoectochilus roxburghii(Wall.) Lindl) và Bình vôi (Stephanie japonica) dưới tán rừng, vùng đệm Vườn Quốc gia Bạch Mã gắn với thương mại hoá sản phẩm.
Theo Đề án “Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030”, giai đoạn 2020-2025: Tập trung đầu tư phát triển 200 ha đối với 12 loài dược liệu ưu tiên đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh, trong đó có 2-3 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Phát triển nguồn giống dược liệu đảm bảo tiêu chuẩn, nguồn gốc cung cấp đủ giống dược liệu cho nhu cầu trồng và phát triển dược liệu ở quy mô vừa và lớn; cung ứng được 100% nhu cầu giống thực hiện đề án, 80% nhu cầu giống trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2026-2030: Phát triển diện tích trồng 1.000 ha để phát triển vùng nguyên liệu, sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh đáp ứng được nhu cầu sử dụng dược liệu trong tỉnh, trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới. Phát triển vùng trồng cây dược liệu tại 6 tiểu vùng sinh thái gồm vùng núi, vùng gò đồi, vùng đồng bằng, đất phù sa ven sông, đô thị, vùng cát nội đồng, vùng đất ven biển và đất ngập nước nhằm khai thác bền vững và phát triển tiềm năng nguồn dược liệu.
Sâm Bố Chính-một trong những loài dược liệu quý đang được phát triển tại một số địa phương tại huyện A Lưới.
Trong kế hoạch thực hiện đề án năm 2022, Thừa Thiên Huế hỗ trợ 1 - 2 dự án đầu tư phát triển cây dược liệu, hỗ trợ 2 - 3 doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ và hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, phát triển chuỗi giá trị cho 2-3 sản phẩm dược liệu có tiềm năng thương mại hóa. Kế hoạch hướng tới việc triển khai một số nội dung như ăng cường công tác quản lý nhà nước, thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu trên địa bàn tỉnh. Xác định vùng dược liệu và lựa chọn loài dược liệu ưu tiên.
Xây dựng "Trục văn hóa - Thảo dược" phát triển các sản phẩm dược liệu gắn với Chương trình OCOP tại Thừa Thiên Huế. Ứng dụng KHCN trong phát triển vùng nguyên dược liệu và các sản phẩm dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với chương trình OCOP tỉnh Thừa Thiên Huế. Một số nhiệm vụ hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình OCOP trên địa bàn. Trong đó, đối với nhiệm vụ xác định vùng dược liệu và lựa chọn loài dược liệu ưu tiên, sẽ tập trung vào nội dung xác định phân vùng phát triển các loài dược liệu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và thực hiện các nhiệm vụ KHCN liên quan đến nghiên cứu cơ bản, xây dựng mô hình để phát triển các loài dược liệu thuộc 12 loài dược liệu đã được lựa chọn trong Đề án.
Hoài Thương
Bình luận