Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 13:01
Thứ hai, 31/10/2022 22:10
TMO - Việc xây dựng thành công Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia Việt Nam giúp nhà nhập khẩu và người tiêu dùng định vị được sản phẩm mang tính đại diện cho Việt Nam.
Hình ảnh chim hạc với dòng chữ "VIET NAM GI" trên nền màu vàng, viền đỏ thẫm là Biểu trưng của chỉ dẫn địa lý quốc gia vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết, chỉ dẫn địa lý quốc gia giúp cho cộng đồng yên tâm về xuất xứ, chất lượng sản phẩm; các tổ chức quản lý kiểm soát được số lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường và các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ dễ dàng phát hiện được các hành vi xâm phạm đối với chỉ dẫn địa lý.
Đồng thời, Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia Việt Nam sẽ trở thành một dấu hiệu quan trọng để các cơ quan và tổ chức hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài, tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia được công bố ngày 28/10. Nguồn: Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam
Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, trong những năm qua các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đã chứng minh được vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn đa dạng sinh học, thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản. Kể từ khi Luật Sở hữu trí tuệ ra đời (năm 2005) đến nay, bằng hình thức đăng ký trực tiếp, Việt Nam đã bảo hộ được 120 chỉ dẫn địa lý, trong đó có 108 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, 12 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Trong đó trái cây chiếm 47%, cây công nghiệp và lâm nghiệp 24%, gạo 11%, còn lại là các lĩnh vực khác.
Một số chỉ dẫn địa lý được nhiều người biết đến như: sâm Ngọc Linh (Kon Tum và Quảng Nam), nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang), bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang). Đồng thời, Việt Nam đã và đang nỗ lực thúc đẩy việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài, đặc biệt là các thị trường nhập khẩu nông sản lớn và thị trường cạnh tranh với Việt Nam, thông qua các Hiệp định thương mại tự do hoặc hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ.
Chỉ dẫn địa lý góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm khi tiếp cận thị trường
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý đã tác động tới giá trị của sản phẩm. Giá bán của sản phẩm sau khi chỉ dẫn địa lý được bảo hộ có xu hướng tăng. Trong đó, cam Cao Phong giá bán tăng gần gấp đôi; mật ong bạc hà Mèo Vạc tăng 75-80%; nước mắm Phú Quốc tăng 30-50%; chuối ngự Đại Hoàng tăng 130-150%; bưởi Luận Văn (Thanh Hóa) giá tăng 3,5 lần...
Trước đó, Đề án "Thiết kế biểu tượng chỉ dẫn địa lý Quốc gia" do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt hồi tháng 5/2020 với sự tài trợ của Cơ quan Sở hữu Trí tuệ Hàn Quốc nhằm đáp ứng nhu cầu về dấu hiệu nhận biết chung cho các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam. Việc xây dựng Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia trở thành công cụ để quản lý và quảng bá chỉ dẫn địa lý hoàn toàn phù hợp với mục tiêu mà Việt Nam đã đề ra tại Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030.
Theo các chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc, để biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia có thể phát huy được hết vai trò như một công cụ để quản lý và kiểm soát, một công cụ để quảng bá… cần có các chính sách cụ thể quy định về việc sử dụng biểu trưng này.
Đặc biệt, phải xây dựng được quy chế quản lý sử dụng biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia; đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu chứng nhận đối với biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia tại Việt Nam; xác định được tổ chức đủ năng lực kiểm nghiệm và chứng nhận sản phẩm; cấp quyền sử dụng biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia cho một số chủ thể; đồng thời truyền thông tăng cường khả năng nhận biết biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia tại thị trường trong nước.
Hồng Thắm
Bình luận