Hotline: 0941068156

Thứ tư, 16/04/2025 04:04

Tin nóng

P4G – Dịp để Việt Nam khẳng định cam kết chuyển đổi xanh, phát triển bền vững

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Những nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc

Trung ương thống nhất cả nước có 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập

Gần 150 cây cổ thụ đủ tiêu chuẩn công nhận Cây Di sản Việt Nam

Việt Nam – Tây Ban Nha: Hướng đến quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện

Quảng Nam: Găng néo gần 700 năm tuổi được công nhận Cây di sản Việt Nam

Công trình, nhà ở khu vực vùng núi cần tính toán tác động thiên tai

TP. HCM đón hơn 8 triệu lượt khách du lịch trong 3 tháng đầu năm 2025

Dự kiến trước tháng 6/2025 sẽ thí điểm triển khai sàn giao dịch carbon

Nhiều cổ thụ từ 250 - 800 năm tuổi ở Phú Quốc được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Nhiều dự án bất động sản ở Hà Nội trong diện kiểm toán

Động đất ở Myanmar: Ghi nhận hơn 1.000 người thiệt mạng, thế giới cam kết sát cánh

Việt Nam và Brazil hướng đến mục tiêu kim ngạch thương mại đạt 15 tỷ USD

Động đất 7,7 độ rung chuyển Myanmar, Hà Nội và TP. HCM bị rung lắc

Việt Nam – Brazil: Thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trong các lĩnh vực thế mạnh

Tổng thống Brazil thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam

Việt Nam và Singapore: Nhiều thuận lợi mở rộng hợp tác an ninh lương thực

Hà Nội triển khai quyết liệt các giải pháp chặn gia tăng ô nhiễm

Việt Nam – Singapore: Tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực then chốt

Thứ tư, 16/04/2025

Phát hiện 3 loài thực vật mới tại Vườn Quốc gia Núi Chúa

Thứ bảy, 22/03/2025 11:03

TMO - Sầm cuống dài, Diệp hạ châu Núi Chúa và Lòng mức Núi Chúa thuộc ba họ khác nhau đã được các nhà khoa học thuộc Viện Sinh học nhiệt đới phát hiện tại Vườn Quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận.

Trong thời gian thực hiện chương trình hợp tác giữa Viện Sinh học nhiệt đới - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Nhật Bản và Lào về tìm hiểu các loài thực vật tại Vườn Quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận) đã phát hiện nơi đây có 3 loài thực vật mới, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo tồn hệ sinh thái, nguồn gen thực vật quý hiếm và làm phong phú thêm cho kho tàng đa dạng sinh học của Việt Nam.

Ba loài thực vật mới, gồm: Sầm cuống dài (tên khoa học là Memecylon longipedunculatum Tagane, V.S.Dang & Nuraliev), Diệp hạ châu Núi Chúa (Nymphanthus adenophorus Tk.Yamam., Tagane & V.S.Dang) và Lòng mức Núi Chúa (Wrightia nuichuaensis Tagane & V.S.Dang).

Loài Sầm cuống dài. 

Theo Viện Sinh học nhiệt đới, loài Sầm cuống dài còn được tìm thấy ở đảo Hòn Tre (Khánh Hòa), nơi có hệ sinh thái ven biển đặc trưng, thường mọc ở độ cao dưới 200m, trong rừng thưa ven biển trên nền đất pha cát hoặc đá ong nghèo dinh dưỡng, chịu ảnh hưởng bởi điều kiện khô hạn và môi trường biển.

Loài này thuộc họ Mua là loài cây gỗ nhỏ, cao đến 5m. Lá mọc đối, phiến lá nhỏ, dày, hơi mọng, đỉnh tù hoặc đôi khi có khía lõm, gân giữa hơi nổi ở mặt dưới. Hoa nhỏ, màu tím xanh, mọc thành cụm chùm xim ở đầu cành hoặc nách lá; đài hình chuông, cánh hoa hình tam giác rộng, đầu nhọn. Quả mọng, hình cầu, khi chín có màu tím đen.

Loài Diệp hạ châu Núi Chúa. 

Loài Diệp hạ châu Núi Chúa mọc ở trảng cây bụi ven biển ở độ cao 25m, số lượng ước tính khoảng 50 cá thể. Loài này thuộc họ Diệp hạ châu là loài cây bụi thấp, mọc bò, đơn tính cùng gốc; cành có màu nâu đỏ. Lá mọc so le, phiến lá hình trứng ngược đến hình elip rộng, đôi khi gần tròn, có màu đỏ xám khi còn non, chuyển sang xanh khi trưởng thành. Hoa mọc ở nách lá, đơn tính; hoa đực mọc đơn lẻ hoặc theo bó, màu hồng đến đỏ tía; hoa cái mọc đơn lẻ, có màu đỏ tía. Quả nang, gần hình cầu, màu đỏ tía, nhẵn.

Loài Lòng mức Núi Chúa. 

Loài Lòng mức Núi Chúa mọc trong rừng lá rộng thường xanh trên nền đất granite, với số lượng cây trưởng thành ghi nhận chưa đến 20 cá thể. Loài này thuộc họ Trúc đào là cây bụi cao khoảng 3 m, thân nhẵn có nhựa mủ trắng; cành non nâu vàng đến nâu đỏ, bóng, cành già chuyển xám với đốm sần nhỏ. Lá mọc đối, hình elip thon dài hoặc elip ngược, mặt trên xanh vàng sẫm, mặt dưới nâu vàng xỉn, cả 2 mặt nhẵn bóng.

Cụm hoa mọc đầu cành, dạng xim, mang 3-13 hoa, cuống hoa rủ khi nở; đài màu xanh, 5 thùy thuôn nhọn, mép có lông tơ ngắn; tràng hoa cam-đỏ, thùy hình trứng rộng, mép hơi uốn cong và ngược khi nở hoàn toàn, mặt ngoài có lớp hạt nhỏ đặc trưng.

Thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục điều tra, thống kê và nghiên cứu phân loại các loài mới này để hiểu rõ hơn về hệ thực vật khô hạn của khu vực này; đồng thời, đề xuất đưa vào danh mục cần bảo tồn theo tiêu chí của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Đến nay, Vườn Quốc gia Núi Chúa đã ghi nhận 1.514 loài thuộc 596 chi của 147 họ thực vật có mạch. Trong đó, có nhiều loài mới đã được mô tả từ sau năm 2000 bởi các nhà thực vật học trong nước và quốc tế.

Để bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn theo hướng bền vững, Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa cho biết: Đơn vị đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp về bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái rừng, biển; các loài động vật, thực vật bản địa quý hiếm gắn với các chương trình phát triển du lịch sinh thái và tạo sinh kế bền vững cho người dân sống xung quanh vùng đệm.

Hàng năm, Vườn phối hợp với các tổ chức nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước triển khai các đề tài nghiên cứu, điều tra bổ sung danh lục các loài thực vật và động vật mới. Hiện nay, Vườn đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống vườn thực vật, vườn ươm, khu vực cứu hộ sinh vật biển để bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý hiếm, đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng, phát triển diện tích rừng trồng tự nhiên.../.

 

 

Đức An 

 

 

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline