Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 10:11
Thứ bảy, 29/01/2022 17:01
TMO - Chế biến là khâu quan trọng nhất nhằm tạo ra giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất thủy sản. Ở Việt Nam, những năm gần đây, công nghiệp chế biến thủy sản đã phát triển nhanh, góp phần vào sự tăng trưởng chung của toàn ngành thủy sản. Năm 2021, dù bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với 2020.
Khoảng hơn 10 năm qua, ở Việt Nam đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến thủy sản với công nghệ, thiết bị tương đối hiện đại, gắn kết với vùng nguyên liệu. Theo Tổng cục Thủy sản, hiện cả nước có 825 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu và 3.280 cơ sở chế biến quy mô nhỏ phục vụ chế biến tiêu thụ nội địa.
Tổng công suất chế biến xuất khẩu 4,5 triệu đến 5 triệu tấn nguyên liệu/năm, tương ứng với gần 2,1 triệu tấn sản phẩm/năm. Nhiều nhà máy và cơ sở chế biến thủy sản đã áp dụng công nghệ và dây chuyền chế biến hiện đại, đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, kể cả những thị trường khó tính như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia..
Ảnh minh họa
Công nghiệp chế biến thủy sản đang góp phần định hướng và thúc đẩy phát triển sản xuất thủy sản, tạo ra nguồn cung cấp nguyên liệu cho chế biến tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Đồng thời, làm thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn. Ngành chế biến thủy sản đã giải quyết việc làm trực tiếp cho hơn 435.000 lao động và hàng triệu lao động sản xuất nguyên liệu, dịch vụ cho ngành. Nhờ đó, chế biến thủy sản đã hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra vị thế vững chắc cho ngành thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, công nghiệp chế biến thủy sản vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế, thách thức. Điển hình là số lượng và chất lượng nguyên liệu đầu vào cho ngành chế biến chưa được bảo đảm, làm giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản hiện nay chủ yếu vẫn sản xuất theo đơn đặt hàng của nước ngoài với hơn 50% mặt hàng sơ chế đơn giản, bán thành phẩm với giá trị gia tăng thấp, giá bán thấp...
Tại Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 với 6 trọng tâm chính là phát triển khoa học công nghệ; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, phát triển chế biến thủy sản; nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản chế biến; phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần và công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành chế biến thủy sản; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nhằm đưa công nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam vào một giai đoạn mới, thay đổi lớn về tầm vóc, quy mô và chất lượng.
Nét nổi bật trong nhóm các giải pháp của Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 là vấn đề thu hút đầu tư hình thành các tập đoàn, công ty chế biến thủy sản lớn có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới cũng như hình thành, phát triển chuỗi giá trị.
Thời gian qua, rất nhiều chuỗi đã được hình thành từ vật tư đầu vào đến nhà máy chế biến và việc truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, thí dụ như chuỗi tôm ở ba tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Đối với ngành cá tra, đã tạo được nhiều chuỗi liên kết từ vùng sản xuất giống đến vùng nuôi và đến nhà máy chế biến. Tương tự đối với khai thác thủy sản, đã kết nối từ tàu khai thác đến tàu hậu cần dịch vụ và nhà máy chế biến, bảo đảm giảm được tổn thất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy hải sản, Chính phủ, bộ, ngành chức năng và các địa phương cần có chính sách thiết thực khuyến khích hợp tác sản xuất, phát triển liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, tránh tình trạng sản xuất manh mún nhằm bảo đảm nguồn cung cấp nguyên liệu cho chế biến.
Ngọc Linh
Bình luận