Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ bảy, 11/12/2021 14:12
TMO - Không phủ nhận việc các làng nghề đã đóng góp nhiều trong phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, hiện nay các làng nghề phát triển đang theo hình thức tự phát và đây được coi là nguyên nhân chính khiến tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề đang ở mức báo động, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân.
Thông tin từ Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, có tới 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng, 27% làng nghề ô nhiễm vừa. Trong đó, hàm lượng các chất ô nhiễm theo các chỉ số COD, BOD5 hay tổng số vi khuẩn coliform trong nước thải làng nghề đều vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần, một số nơi lên đến hàng nghìn lần.
Các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường dẫn chứng, tại làng nghề tái chế nhôm phế liệu Mẫn Xá (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 30 – 40 tấn chất thải rắn, gồm bã thải xỉ nhôm, xỉ than từ quá trình cô đúc kim loại, chưa được thu gom triệt để. Bên cạnh đó còn hiện tượng đổ tràn xuống đường giao thông, kênh mương nội đồng và các khu đất trống.
Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí cũng cho thấy, các chỉ tiêu phân tích (tiếng ồn, bụi, SO2, NO2) đều vượt quy chuẩn cho phép từ 1,2 – 1,8 lần. Nguồn nước thải từ sản xuất, sinh hoạt, chăn nuôi chưa được thu gom, xử lý, xả trực tiếp ra các ao, hồ, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt cho thấy, các chỉ tiêu phân tích (pH, BOD5, COD, SS, Fe, Cu, Ni, Pb, dầu mỡ) cao hơn chuẩn cho phép từ 1,5 – 16 lần.
Nguyên nhân là do việc tái cơ cấu làng nghề chưa được thực hiện triệt để nên đa số các làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ, vốn đầu tư thấp nên khó có điều kiện phát triển hoặc đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường. Các cơ sở sản xuất trực tiếp trong các làng nghề chưa đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải, không có các hạng mục, công trình bảo vệ môi trường theo quy định nên hầu hết chất thải độc hại được thải trực tiếp ra môi trường, không qua xử lý.
Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có khoảng 5.400 làng nghề, trong đó có khoảng 2.000 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Theo các chuyên gia, mặt trái của sự phát triển là hầu hết các làng nghề Việt Nam hiện nay đã và đang bị ô nhiễm ở cả ba dạng: ô nhiễm nước, ô nhiễm rác thải và khí thải. Đa số làng nghề sản xuất với hình thức nhỏ lẻ, thiếu sự hỗ trợ về vốn, công nghệ, cũng như thông tin thị trường…
Cần giải pháp ngăn chặn tình trạng "ô nhiễm môi trường trong các làng nghề"
Để giải quyết tình trạng này thì việc quy hoạch không gian sản xuất gắn với bảo vệ môi trường là một trong những giải pháp thu được hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay việc quy hoạch các làng nghề còn hạn chế về số lượng do thiếu sự đồng bộ, công tác quản lý còn chồng chéo, phân định chưa rõ ràng.
Trước những khó khăn đó, đòi hỏi cần có những chính sách phát triển các làng nghề phù hợp sao cho tận dụng được những lợi thế của các địa phương trong quá trình phát triển, vượt qua những thử thách của hội nhập và đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, hiệu quả. Địa phương sẽ quy hoạch khu đất riêng thuộc địa bàn của xã. Các hộ gia đình sẽ được cho thuê đất để chuyển hướng sản xuất ra ngoài. Hạ tầng cơ sở sẽ do địa phương và hộ nghề cùng góp vốn xây dựng. Mô hình này đã được thực hiện thành công ở nhiều địa phương.
Phạm Yến
Bình luận