Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 22:01
Thứ tư, 02/03/2022 19:03
TMO - Nhận thức rõ tầm quan trọng của nền nông nghiệp sạch, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh và các địa phương đã đẩy mạnh việc sản xuất VietGAP, hữu cơ nhằm nâng cao vị thế, khả năng cạnh tranh, thu nhập cho người nông dân.
Đến nay tỉnh đã chứng nhận được 45ha lúa sản xuất hữu cơ với sản lượng khoảng 122 tấn sản phẩm tại TP Uông Bí và TX Quảng Yên. Năng suất đạt khoảng 7 tấn/ha, cao hơn việc trồng lúa truyền thống khoảng 1 tấn/ha, giá bán cũng cao hơn từ 10-15% so với gạo được canh tác theo hướng cũ. Từ đó mang lại thu nhập tăng từ 10-30% so với phương pháp sản xuất thông thường. Điều quan trọng là sản xuất không sử dụng thuốc diệt cỏ, không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Tại thị xã Đông Triều, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ cho năng suất đạt từ 58-60 tạ/ha. Ngoài tăng hiệu quả kinh tế 20-30%, sản xuất lúa hữu cơ đã giúp cho môi trường đất, nước được cải thiện, các loài sinh vật như cá, tôm, cua, ốc trong các ruộng lúa hữu cơ tăng cả về số lượng và chất lượng.
Chăn nuôi lớn theo hướng an toàn sinh học tại thành phố Cẩm Phả
Nhiều đơn vị chăn nuôi tại thành phố Cẩm Phả thực hiện chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ, áp dụng hệ thống chăm sóc tự động nhập khẩu, phần mềm quản lý theo dõi lý lịch, sức khỏe hàng ngày của vật nuôi, thức ăn có nguồn gốc… nên khả năng tăng khối lượng của đàn hơn 650g/con/ngày, tiết kiệm gần 1.500 lít nước/con, chất lượng thịt thơm ngon, giá bán cao hơn so với chăn nuôi thông thường từ 25-30%.
Đối với cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ, một số vùng trồng cây quế ở huyện Đầm Hà và huyện Tiên Yên hiện đã được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu độc lập trong quản lý và giám sát hàng hóa (Control Union Certifications) cấp chứng nhận đạt hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu. Theo đó, gần 350ha với hơn 220 tấn quế hữu cơ đã được cấp visa xuất ngoại và có mặt ở những thị trường khắt khe nhất của châu Âu với giá bán dao động từ 23.000-25.000 đồng/kg (cao hơn 20% so với quế thông thường).
Sản xuất quế hữu cơ tại huyện Đầm Hà đã có thể xuất khẩu sang thị trường Châu Âu từ tháng 3/
Lĩnh vực thủy sản hiện cũng đã ghi nhận mô hình nuôi rươi kết hợp với trồng lúa hữu cơ quy mô 5ha tại phường Trưng Vương (TP Uông Bí) cho thu hoạch được hơn 2 tấn rươi thương phẩm (tăng gần 1 tấn so với nuôi tự nhiên như trước), sản lượng lúa đạt 1,8-2,0 tấn/ha/vụ, lợi nhuận từ mô hình này mang lại hơn 300 triệu đồng/ha.
Từ những mô hình ở các lĩnh vực trên cho thấy, sản xuất hữu cơ đã mang lại nhiều lợi ích rất lớn so với sản xuất thông thường khi cho năng suất cao, chất lượng tốt, giá bán ổn định môi trường an toàn và bảo đảm cho sức khỏe con người. Thông qua việc sản xuất hữu cơ đã tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác khi chỉ được sử dụng các nguồn hiện có, các vật tư đạt chuẩn.
Mặc dù hiệu quả từ sản xuất hữu cơ đã ngày càng được khẳng định nhưng trên thực tế, quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn rất nhỏ bé, hạn chế. Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh mới chứng nhận được 45ha lúa hữu cơ với sản lượng khoảng 150 tấn tại TX Đông Triều và Quảng Yên; 329ha quế hữu cơ với sản lượng 220 tấn tại huyện Tiên Yên và Đầm Hà. Còn ở những lĩnh vực khác vẫn chưa được chứng nhận hoặc chưa có sản phẩm hữu cơ đúng nghĩa để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Bộ NN&PTNT.
Thị xã Đông Triều có trên 350ha na dai được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, tạo thuận lợi để phát triển nông nghiệp hữu cơ
Để đẩy mạnh sản xuất hữu cơ, Sở NN&PTNT đang xây dựng Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, thách thức, Đề án này xác định quy mô và phân vùng phát triển sản phẩm, đồng thời xác định các nhiệm vụ trọng tâm và 11 nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Trong đó, chú trọng đến giải pháp về hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ; phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường liên kết “4 nhà”; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ cao; về thông tin tuyên truyền; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm..
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chất lượng sản phẩm nông sản Quảng Ninh ngày càng được nâng cao và có vị trí ổn định trên thị trường tiêu thụ nông sản. Đã có 150ha lúa (Đông Triều), gần 80ha sản xuất rau (Đông Triều, Quảng Yên, Đầm Hà…), trên 47ha chè (Hải Hà), 311ha na (Đông Triều), 395ha vải (Đông Triều, TP Uông Bí), 51ha cây có múi (Vân Đồn, Hải Hà…) được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đây chính là tiền đề tốt để chuyển sang phương thức sản xuất hữu cơ.
Vân Lam
Bình luận