Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Thứ ba, 04/06/2024 14:06
TMO - Việt Nam là một trong 6 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề về biến đổi khí hậu, trong đó có tác động đến nguồn nước, do đó cần phải có những giải pháp sớm để bảo đảm được an ninh nguồn nước.
Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên, trong đó có 13 sông lớn; 392 sông, suối liên tỉnh và 3.045 sông, suối nội tỉnh. Về lưu vực sông, Việt Nam có 108 lưu vực sông, gồm: 8 lưu vực sông lớn (sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, sông Hồng - Thái Bình, sông Mã, Cả, Vu Gia - Thu Bồn, Ba, Đồng Nai và sông Mê Công); 25 lưu vực sông liên tỉnh và 75 lưu vực sông nội tỉnh.
Tổng lượng nước trung bình nhiều năm của Việt Nam khoảng 935,9 tỷ m3/năm. Tổng lượng nước bình quân trên đầu người khoảng 9.589 m3 /người/năm, cao hơn so với tiêu chuẩn của khu vực và trên toàn cầu. Tuy nhiên, nếu chỉ xét nguồn nước nội sinh của Việt Nam thì chỉ đạt 4.421 m3 /người/năm, thấp hơn so với trung bình của Đông Nam Á (4.900 m3 /người/năm).
Tác động của biến đổi khí hậu đã tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước, dự báo đến năm 2030 lượng nước có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, tăng về mùa mưa, giảm trong mùa khô. Bình quân trong vòng 50 năm qua, nhu cầu nước đã tăng gấp 3 lần do sự gia tăng dân số, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, đô thị hóa. Dự báo đến năm 2030 nhu cầu sử dụng nước cho các ngành khoảng 122,47 tỷ m3 /năm, đến năm 2050 khoảng 131,7 tỷ m3 /năm. Do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình hình hạn hán, thiếu nước thời gian qua ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang có xu thế gia tăng, xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra thiếu nước ngọt cục bộ và thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay, 60% nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc vào nước ngoài và chỉ có 40% nội sinh. Bảo đảm an ninh nguồn nước do đó trước hết phải bảo đảm được nguồn nước nội sinh, trên cơ sở tiếp tục bảo vệ, phát triển rừng đồng thời sử dụng nước một cách hiệu quả nhất. 80% nước đang phục vụ cho nông nghiệp với hình thức tưới tràn… Nhưng lượng nước đang sử dụng được trong hoạt động này chỉ khoảng 10%.
Ngoài ra, theo đánh giá của Bộ TN&MT hiệu quả sử dụng nước ở Việt Nam khoảng 2,37 USD/m3 trong khi con số trung bình toàn cầu là 19,42 USD/m3. Trong đó, hiệu quả khai thác, sử dụng nước của Việt Nam còn thấp và lãng phí, đặc biệt là trong nông nghiệp và ở đô thị. Hiệu quả sử dụng nước được đo bằng tỷ lệ giá trị USD tạo ra với khối lượng nước được sử dụng, dựa trên hoạt động kinh tế, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Trước tác động biến đổi khí hậu đến nguồn nước, đòi hỏi cần phải có những giải pháp sớm để bảo đảm được an ninh nguồn nước.
Hiệu suất sử dụng nước trung bình thế giới năm 2015 là 17,3 USD/m3, tăng lên 18,9 USD/m3 năm 2020 và đến nay là 19,42 USD/m3. Nguyên nhân là Việt Nam chưa có hệ thống công cụ ra quyết định phục vụ xây dựng kịch bản nguồn nước, điều hòa, phân phối tài nguyên nước thống nhất trên lưu vực sông. Việc này dẫn đến điều phối khai thác, sử dụng nước của các ngành, địa phương chưa tối ưu hóa lợi ích kinh tế xã hội. Nguồn nước bị lãng phí, chưa đáp ứng nhu cầu về an ninh nước sạch, lương thực và năng lượng. Tình trạng mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước gia tăng do lợi ích kinh tế giữa thủy điện, thủy lợi và công nghiệp, sinh hoạt và sản xuất.
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh, đầu tư ngành nước đang thiếu so với nhu cầu; bố trí nguồn lực chưa tương xứng và mất cân đối. Kinh phí điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước, đầu tư xây dựng công trình hồ chứa, tích trữ nước không đầy đủ. Trong khi đó, nhiều dòng sông, đoạn sông như Hồng, Vu Gia - Thu Bồn, Ba và hạ lưu hồ chứa thủy điện, thủy lợi đều có tình trạng suy giảm, cạn kiệt dòng chảy.
Bộ trưởng cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch về tài nguyên nước và quy hoạch điều tra, đánh giá tài nguyên nước của quốc gia, 8 quy hoạch về lưu vực sông. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu để phê duyệt tiếp 5 quy hoạch về lưu vực sông. Đồng thời có quy định việc điều hành, quản lý liên tỉnh đối với các lưu vực sông, làm rõ trách nhiệm của các địa phương trong việc phối hợp, bảo đảm sử dụng nước có hiệu quả. Đây cũng là cơ sở để tạo nên mối liên hệ về trách nhiệm giữa các địa phương để bảo đảm nguồn nước được sử dụng hiệu quả nhất. Ngoài ra, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp với các nước trong khu vực để điều hòa và bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.
Liên quan đến tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ do xâm nhập mặn tại ĐBSCL, Bộ trưởng đề nghị cần tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động trong việc tích trữ nước, sử dụng tiết kiệm nước. Tiếp tục xử lý việc điều hòa, điều phối nguồn nước để bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. Phối hợp với các nước trong khu vực (do 60% nguồn nước bị phụ thuộc vào nước ngoài) để bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.
Thời gian qua, Bộ TN&MT đã xây dựng hệ thống giám sát khai thác, sử dụng nước trực tuyến. Công nghệ này có thể tự động giám sát việc xả dòng chảy tối thiểu trên lưu vực và giám sát các chỉ tiêu thực hiện quy hoạch tài nguyên nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu các đề tài cấp quốc gia về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai công trình điều tiết mặn, ngọt, dâng nước, trữ nước trên hệ thống sông lớn. Công trình bổ sung nước ngọt cho vùng ven biển phục vụ dân sinh, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp đang được thực hiện. Thời gian tới, Bộ sẽ tự động hóa công tác quản lý hạ tầng ngành nước, nhất là hệ thống giám sát, cảnh báo, dự báo nguồn nước, thiên tai.
Trong năm 2025, Bộ trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa theo hướng vận hành linh hoạt, hướng tới việc vận hành theo thời gian thực khi hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đáp ứng các điều kiện, yêu cầu vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo thời gian thực nhằm bảo đảm an toàn cho công trình, hạ du, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn nước cho các mục đích sử dụng. Đồng thời, trong thời gian tới thực hiện rà soát, đảm bảo 100% hồ chứa thuỷ điện lớn đang vận hành được kiểm soát, giám sát trực tuyến; khoảng 700 hồ chứa thủy điện, thủy lợi được xác định và công bố dòng chảy tối thiểu sau đập trong năm 2024.
Nguyễn Mai
Bình luận