Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 04:11
Chủ nhật, 27/03/2022 15:03
TMO – Kỳ vọng sẽ tăng hiệu quả trong đánh bắt thủy hải sản, đem lại thu nhập cao sau mỗi chuyến ra khơi. Nhiều ngư dân miền Trung không ngần ngại đầu tư hàng chục tỷ đồng để đóng tàu thép cỡ lớn và theo “tính toán” sau vài vụ sẽ thu lại khoản vốn đầu tư, đổi đời nhờ ‘cỗ máy” (tàu thép) kiếm tiền này. Tuy nhiên, mọi thứ không đơn giản như vậy.
Năm 2014, Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời, tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, vươn khơi bám biển. Nhiều ngư dân, trong đó có ông Phạm Trí Thức (xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi, Quảng Ngãi, là một trong những ngư dân tiêu biểu từng được Bộ Tư lệnh biên phòng tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp biển đảo cùng nhiều bằng khen, giấy khen của nhiều cơ quan, tổ chức) được khuyến khích đóng tàu vỏ thép hiện đại với phương châm "vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo".
Thời điểm sau khi Nghị định 67 ra đời, nhờ ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn tối đa lên đến 95% trên tổng giá trị đầu tư đóng tàu với lãi suất chỉ 7%/năm (trong đó, chủ tư chỉ phải trả 1% lãi suất, 6% còn lại do ngân sách nhà nước cấp bù), nhiều ngư dân ở Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế…quyết định bỏ tàu gỗ chuyển sang đầu tư (vay ngân hàng) làm tàu thép công suất lớn. Tuy nhiên, tình trạng chung các tàu vỏ thép hoạt động đánh bắt không hiệu quả, nhiều tàu bị hư hỏng, hoen gỉ dẫn đến việc ngư dân không thể trả nợ. Nợ xấu của các ngân hàng thương mại liên quan tàu vỏ thép ở mỗi tỉnh lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Ông Phạm Trí Thức ngồi bần thần khi cả nhà và tàu thép bị kê biên. Ảnh: PL
Tại Quảng Ngãi, theo số thống kê của Chi cục bảo vệ nguồn lợi Thủy sản, toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 62 tàu được vay vốn theo Nghị định 67, trong số này có 11 tàu vỏ thép nhưng số tàu đánh bắt không hiệu quả lên đến 80% bởi nhiều nguyên nhân như chưa quen với tàu vỏ thép, ra khơi gặp thời tiết xấu, tai nạn lao động trên tàu...
Những ngày này, Ông Phạm Trí Thức (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi) luôn trong tâm trạng buồn rũ về câu chuyện “tàu vỏ thép” bởi ông đã bị mất tàu và đang đối mặt với nguy cơ mất luôn cả nhà. Con tàu vỏ thép trị giá gần 17 tỷ đồng của ông từ nguồn vay ngân hàng đã bị bán đấu giá với số tiền chỉ 1,6 tỷ đồng do ông không trả được nợ ngân hàng. Chưa hết, mới cách đây ít ngày, ông Thức nhận được thông báo cưỡng chế của Chi cục thi hành án dân sự TP Quảng Ngãi, sẽ kê biên ngôi nhà hơn 120m2 mà cả gia đình ông đang ở để tiếp tục trả nợ cho tàu vỏ thép. Ông không thể ngờ xảy ra điều này sau 6 năm là người tiên phong đóng tàu thép.
Ông nhớ lại, thời điểm nghị định 67 ra đời rất nhiều hội nghị, hội thảo rầm rộ lan tỏa về các làng chài tỷ phú quê ông. Sức hút cùng những lời hứa đồng hành, ông Thức quyết định đầu tư đóng tàu vỏ thép công suất lớn với kỳ vọng nhanh thu về vốn đầu tư và từ đó sẽ được “đổi đời”.
Năm 2017 tàu vỏ thép của ông ra khơi. Anh em thuyền viên chưa quen “vỏ thép” nên đánh bắt không hiệu quả. Đến khi quen dần thì nợ quá hạn gối đầu. Năm 2018, ông cùng phía ngân hàng đạt được thỏa thuận sau lần khởi kiện đầu tiên. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, tàu của ông trong lúc đánh bắt cá ngoài khơi gặp lốc xoáy bất ngờ mất 158 tấm lưới, thiệt hại 2 tỷ đồng. Mặc dù có xác nhận của cơ quan chức năng nhưng cơ quan bảo hiểm không chi trả. Không còn tiền, không thể vay vốn nên tàu ông nằm bờ, thất thu, nợ chồng nợ.
Năm 2019, ông bị phía ngân hàng khởi kiện lần thứ 2, ông gửi đơn cứu xét đến nhiều nơi vì cho rằng, nghị định 67 quy định “con tàu là tài sản thế chấpˮ, nhưng ngân hàng ràng buộc ông phải thế chấp quyền sử dụng đất. Theo ông, lúc đó phía ngân hàng bảo cắm sổ đỏ để làm các thủ tục xong thì trả lại. Ông nghĩ sau này cũng cần vay mua sắm nhiều thứ và sửa tàu nên đành đưa sổ đỏ cho ngân hàng. Không còn khả năng trả nợ, năm 2021 con tàu vỏ thép gần 17 tỷ đồng (16,6 tỷ) đã được bán với giá 1,6 tỷ đồng. Sau 3 năm, khối tài sản tàu thép chỉ còn 10% so giá trị ban đầu.
Với ông Thức, hơn 30 năm đi biển, chưa gì có thể quật ngã người đàn ông dày dạn trùng khơi trên ba con tàu gỗ 1.000 mã lực, mỗi năm dư tiền tỷ. “Tàu vỏ thép quật ngã vợ chồng tôi. Tàu sắt lẫn nhà bị bán, kê biên mà nợ vẫn chưa trả hết. “Điều đáng buồn là không còn ai đồng hành, không ai giúp vợ chồng tôi hết”. Vợ ông, bà Trần Thị Biết giãi bày.
Vợ chồng ngư dân Võ Văn Tình cũng lâm cảnh tương tự như ông Thức.
Tương tự như vợ chồng ông Thức, hơn 3 năm đóng tàu vỏ thép, vợ chồng chủ tàu Võ Văn Tình và chị Lê Thị Chi ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cũng rơi vào cảnh lang thang vì mất nhà. Chị Chi nhớ lại, để vay đóng tàu vỏ thép năm 2016 vợ chồng chị cũng cầm cố sổ đỏ. Hai năm sau, không trả được lãi suất, căn nhà bị kê biên với giá 150 triệu đồng. Không muốn ngôi nhà bị bán cho người ngoài, chủ tàu đã thỏa thuận với anh em họ lên ngân hàng "chuộc" sổ đỏ về. Riêng con tàu vỏ thép trị giá 14 tỷ đồng ngân hàng đang rao bán với giá 1,6 tỷ đồng để thanh lý một phần nợ.
Theo chị Chi, bên ngân hàng nói cứ đưa sổ đỏ rồi tính sau. Mình nghĩ để ngân hàng giữ sau này vay thêm nhưng sau họ giữ rồi cấn trừ luôn vào tiền lãi. Giờ ân hận vì ngày xưa có tàu gỗ lời lỗ gì cũng cố được. Nay mất nhà, trắng tay. Nhà cửa cùng tài sản hơn 4 tỷ đồng tích góp bao năm nay mất sạch vì tàu thép. Lấn khoảng đất làm nơi ở tạm bán bánh xèo sống qua ngày, vợ chồng chị không thể quay đầu khi nợ chồng nợ. “Đánh bắt không có, phải vay nóng bên ngoài hơn 1 tỷ đồng để lo phí tổn ra khơi và cho bạn đi biển mượn mỗi người 20-30 triệu đồng, sau đó vay tín dụng đen để trả nợ lãi ngân hàng nên nợ chồng nợˮ, một chủ tàu đắng lòng nói.
Bị ngân hàng khởi kiện, nhiều ngư dân đã gửi đơn cầu cứu, xem xét đến nhiều nơi. Họ cho rằng Nghị định 67 quy định “con tàu là tài sản thế chấpˮ, nhưng bằng nhiều cách hai bên thỏa thuận và các chủ tàu đều phải thế chấp nhà, tài sản đang ở trước khi ra khơi cùng tàu vỏ thép. Và thực tế, nhiều chủ tàu vay vốn theo Nghị định 67 mất “cả chì lẫn chài” vài năm sau đó.
Khi cho vay theo Nghị định 67, ngân hàng đã thẩm định, đánh giá những ngư dân tốt nhất, đủ điều kiện để cho vay nhưng nợ xấu vẫn xảy ra. Theo thống kê của BIDV Chi nhánh Quảng Ngãi, đơn vị cho vay 6 tàu theo nghị định 67 với số tiền gần 76 tỷ đồng cho biết, chỉ thu nợ được hơn 16,3 tỷ đồng nợ gốc và hơn 400 triệu đồng tiền lãi. Hầu hết ngư dân không có khả năng trả lãi, và 4 tàu đã được bán sau thời gian nằm bờ.
Chi nhánh Ngân hàng này khẳng định, nghị định 67 quy định con tàu là tài sản thế chấp, nhưng không cấm việc ngư dân và ngân hàng thỏa thuận có tài sản bảo đảm khác như sổ đỏ, tài sản... “Chủ tàu thống nhất thỏa thuận với ngân hàng thế chấp tài sản để bảo đảm vay. Có hợp đồng thế chấp, căn cứ giao dịch giữa 2 bên”.
Thực tế, đa số chủ tàu vay vốn thế chấp nhà giá trị nhỏ là sự thỏa thuận tự nguyện, vì ngân hàng muốn ngư dân có trách nhiệm với khoản vay của tàu, trách nhiệm hơn trong khai thác, hành nghề biển. “Ngư dân thiếu kinh nghiệm quản lý một tài sản giá trị quá lớn, các tổ chức thiếu sự tiếp sức. Cùng là tàu vỏ thép, nhưng tàu không phải vay mà được quỹ hỗ trợ ngư dân cấp thì lại thành công”, 1 lãnh đạo ngân hàng lý giải.
Về việc này, đại diện Cục Thi hành án dân sự tỉnh cho biết, khối tài sản hàng chục tỷ đồng khi thanh lý, đấu giá chỉ còn 10-15% so giá trị ban đầu khiến ngư dân điêu đứng. Còn ngành chức năng loay hoay giải quyết hệ quả này. Khi thi hành án, đơn vị gặp khó vì tàu vỏ sắt khó bán, giá thấp hơn nhiều so với giá trị ban đầu, nhưng vẫn không có người mua. Điều này làm cho các án dân sự liên quan đến tàu theo nghị định 67 bị kéo dài.
Sự việc đã kéo dài nhiều năm, nhiều ngư dân mất “cả chì lẫn chài”, rơi vào cảnh khốn đốn không nhà cửa, nợ nần chồng chất vì “tàu vỏ thép” nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào để tháo gỡ, hỗ trợ giúp các ngư dân tiếp tục ra khơi, bám biểm.
Quốc Dũng
Bình luận