Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ tư, 23/10/2024 14:10
TMO - UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Những năm gần đây, công tác quản lý Nhà nước về thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được quan tâm, kiểm soát, cơ bản phát huy hiệu lực, hiệu quả, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, thúc đẩy sử dụng hợp lý tài nguyên đất.
Đặc biệt, việc triển khai thực hiện các dự án kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh đã trở thành nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh, góp phần phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và nông thôn, từng bước hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng đưa Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro. Hiện tượng mua đi bán lại, tung tin đồn thổi về giá đất gây nhiễu loạn, tình trạng "thổi giá, đẩy giá" lên cao, gây "sốt ảo" trên thị trường vẫn còn xảy ra... làm ảnh hưởng đến thị trường nhà đất, tiềm ẩn phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Để không xảy ra tình trạng đầu cơ, mua bán trao tay, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin, kịp thời ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường, UBND tỉnh Ninh Bình vừa ban hành văn bản nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Ninh Bình giao Sở Xây dựng chỉ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản trên địa bàn tỉnh; kiểm soát việc mua đi, bán lại các bất động sản trao tay nhiều lần, đặc biệt tại các khu vực, dự án có hiện tượng tăng giá bất thường; t
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, có biện pháp chấn chỉnh các hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ, xử lý theo quy định các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật kinh doanh bất động sản và pháp luật liên quan (nếu có) theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền phương án xử lý theo đúng quy định hiện hành.
Tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động giá của từng loại hình bất động sản như nhà ở riêng lẻ, đất ở trên địa bàn trong giai đoạn vừa qua. Chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp điều tiết đảm bảo thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững. Thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá bất động sản nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tại địa phương nhằm đảm bảo chỗ ở cho mọi công dân.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở của người dân trong các dự án kinh doanh quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật theo hình thức phân lô, bán nền theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng người dân để đất trống, thực hiện hành vi đầu cơ, mua bán trao tay, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.
Cùng với đó, tổ chức công bố công khai thông tin về thị trường bất động sản; công bố thông tin cho cho các cơ quan, tổ chức, người dân nắm rõ về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; đầu tư phát triển hạ tầng; các dự án bất động sản đã được phê duyệt; các chủ đầu tư dự án đủ điều kiện huy động vốn theo quy định nhằm bảo đảm minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hiện tượng gian lận, lừa dối, lừa đảo trong kinh doanh bất động sản; các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương.
Tỉnh Ninh Bình tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản trên địa bàn tỉnh (Ảnh minh họa).
Ngoài ra, UBND tỉnh Ninh Bình giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định nhằm ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng: Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc giá bất động sản tăng cao, đột biến thời gian qua, đó là do lệch pha cung cầu, tình trạng đẩy giá/thổi giá, chi phí đầu tư đầu vào của các dự án bất động sản tăng cao (chi phí đầu tư xây dựng, tiền sử dụng đất).
Để kịp thời chấn chỉnh hiện trạng đấu giá quyền sử dụng đất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 21/8/2024 với các yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh/thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng cũng đã có Văn bản số 5333/BXD-QLN ngày 18/9/2024 về việc “phân tích cơ cấu giá thành, giá bán, nguyên nhân tăng giá bất động sản và đề xuất một số giải pháp nhằm giảm giá nhà ở, đất ở và ổn định thị trường bất động sản” gửi Văn phòng Chính phủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Bộ Xây dựng đã ban hành Văn bản số 5155/BXD-QLN ngày 06/9/2024 về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất các giải pháp, cũng như kiến nghị các Bộ, ngành, các tỉnh thành triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ tại Công điện số 82/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực thi các quy định của pháp luật liên quan đến các Dự án, Chủ đầu tư/đơn vị môi giới có hiện tượng thổi giá, trục lợi; có biện pháp ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm (nếu có). Tiếp tục đẩy mạnh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, giải phóng mặt bằng, xác định tiền sử dụng đất…nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường (nhằm cân bằng cung cầu tại một số thành phố lớn đặc biệt như tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh).
Các tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức công bố, công khai thông tin về thị trường bất động sản, các chương trình, kế hoạch phát triển khu đô thị, nhà ở, các dự án bất động sản được phê duyệt, các dự án đầu tư đáp ứng điều kiện huy động vốn theo quy định pháp luật, nhằm đảm bảo minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hiện tượng gian lận, lừa đảo trong kinh doanh bất động sản.
Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, thí điểm mô hình “Trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý” nhằm hạn chế rủi ro về giá và pháp lý cho người mua. Kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành chính sách thu thuế phù hợp nhằm hạn chế tình trạng nhà, đất đã được mua, bán, nhưng bỏ hoang, không sử dụng gây lãng phí nguồn lực xã hội.../.
Lê Kiên
Bình luận