Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Thứ sáu, 17/11/2023 20:11
TMO - Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về đầu tư đảm bảo đồng bộ với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã có chính sách, quy định hỗ trợ về đất đai; ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư; ưu đãi về thuế, phí và lệ phí cho các hoạt động cụ thể về sản xuất, kinh doanh, thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải. Cụ thể, chủ đầu tư dự án xử lý, tiêu huỷ rác thải nếu áp dụng công nghệ xử lý chất thải có tỷ lệ chất thải phải chôn lấp sau xử lý dưới 30% tính trên tổng lượng chất thải rắn thu gom thì được vay vốn với lãi suất ưu đãi tối đa không quá 50% mức lãi suất tín dụng đầu tư của nhà nước do cơ quan có thẩm quyền công bố tại thời điểm cho vay, tổng mức vay vốn không quá 80% tổng mức đầu tư xây dựng công trình; được ưu tiên hỗ trợ sau đầu tư từ nguồn chênh lệch thu chi hàng năm.
(Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có chính sách xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ quá trình xử lý chất thải; áp dụng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất nhằm giảm thiểu, kiểm soát chất thải thứ cấp phát sinh, hạn chế tối đa lượng chất thải rắn phải chôn lấp; khuyến khích đồng xử lý chất thải, sử dụng chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu thay thế.
Một số ý kiến cho rằng, việc kêu gọi xã hội hóa dự án nhà máy xử lý rác thải không khả thi, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, Nhà nước cần có cơ chế đầu tư công nhà máy xử lý rác thải hoàn chỉnh sau đó tổ chức đấu thầu giao cho tư nhân quản lý khai thác phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc thu hút các ngành nghề thu gom, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các các địa phương được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư và theo quy định của UBND cấp tỉnh. Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về đầu tư đảm bảo đồng bộ với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng hướng dẫn hoạt động đầu tư cơ sở xử lý chất thải theo phương thức đối tác công tư (PPP, trong đó sẽ phối hợp 39 nghiên cứu cơ chế đầu tư công nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt) theo quy định của pháp luật về đầu tư và bảo vệ môi trường.
Phạm Dung
Bình luận