Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 18:01
Thứ hai, 13/11/2023 14:11
TMO - Với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, trên cả nước hình thành nhiều khu đô thị, là cơ sở tốt cho phát triển du lịch. Tuy nhiên, lượng khách tập trung cao, đôi khi quá tải cũng đặt ra bài toán về việc cần phải có chính sách phát triển du lịch bền vững.
Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, xã hội đang giúp Việt Nam hình thành nhiều đô thị mới. Nhìn ở góc độ phát triển du lịch, các khu đô thị đang giúp ngành Du lịch có thêm những không gian trải nghiệm hấp dẫn, dịch vụ chất lượng cho du khách. Phát triển du lịch bền vững tại các đô thị hiện đang là mối quan tâm hàng đầu và cũng là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của toàn ngành Du lịch, bởi nguồn thu to lớn mà du lịch đô thị mang lại, cũng như nhằm đáp ứng xu hướng du lịch bền vững tất yếu tại nước ta và trên thế giới.
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) giai đoạn vừa qua, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam tăng khá nhanh. Nếu như thập kỷ 9 của thế kỷ trước, cả nước có khoảng 500 đô thị, thì đến năm 2022, đã là khoảng 900 đô thị. Sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị là điều kiện thuận lợi để khai thác phát triển du lịch. Hoạt động du lịch tại các đô thị Việt Nam giai đoạn vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, chiếm tỷ trọng chủ yếu về khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch của cả nước. Trong đó, có những đô thị lớn là trung tâm du lịch cả nước như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa)...
Sự phát triển du lịch tại các đô thị vừa qua đã bộc lộ một số hạn chế như sức ép môi trường, giao thông, quy hoạch đô thị... Ảnh: HĐ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sự phát triển du lịch tại các đô thị vừa qua đã bộc lộ một số vấn đề đáng lưu ý, như: gia tăng sức ép đến môi trường; giao thông tại các khu, điểm du lịch bị tắc nghẽn, đặc biệt vào mùa cao điểm; quy hoạch cảnh quan đô thị cũng có thể bị phá vỡ bởi các dự án xây dựng hạ tầng du lịch; bên cạnh đó, giá trị của bất động sản gần các khu du lịch cũng bị đẩy cao... Vào mùa cao điểm, tình trạng ùn tắc giao thông, quá tải du khách đang xảy ra tại những khu, điểm du lịch được đô thị hóa cao như: Sa Pa (Lào Cai), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Đà Lạt (Lâm Đồng)…
Tại Hà Nội, việc phân bố lượng khách du lịch cũng đang không đồng đều, thường tập trung đông ở các quận trung tâm còn ở khu vực ngoại thành khách lại thưa vắng. Sự quá tải về lượng khách ở các khu đô thị đặt ra những vấn đề gia tăng giá cả sinh hoạt, các vấn đề xã hội và có tác động tiêu cực đến việc bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ môi trường. Đây là thực trạng xảy ra không chỉ ở các đô thị của Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch tại các đô thị mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành du lịch trên cả nước.
Nhiều ý kiến cho rằng, du lịch tại đô thị là hình thái du lịch được tổ chức phát triển trên địa bàn đô thị - nơi tập trung các giá trị tài nguyên du lịch mang tính đặc trưng của đô thị về văn hóa - lịch sử, kiến trúc, lối sống truyền thống cư dân bản địa nhằm thoả mãn nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch về những giá trị cốt lõi của đô thị. Từ cách tiếp cận này, chính sách đối với phát triển đô thị ngoài các quy định chung cần có những quy định mang tính đặc thù chuyên ngành du lịch. Ví dụ, tỷ lệ hợp lý đối với không gian “xanh” để tạo cảnh quan du lịch; tỷ lệ hợp lý các công trình dịch vụ, hệ thống giao thông và phương tiện vận chuyển công cộng phục vụ yêu cầu đi lại tham quan của khách du lịch…
Có thể thấy, đô thị là nơi có môi trường tự nhiên luôn chịu áp lực lớn bởi sự tập trung dân cư và cũng là nơi phát sinh nhiều yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường, xã hội. Chính vì vậy, phát triển du lịch đô thị sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ của tình trạng môi trường du lịch đô thị. Nếu môi trường du lịch không được đảm bảo thì không chỉ chất lượng sản phẩm du lịch đô thị sẽ không không duy trì được tính hấp dẫn mà việc đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Đáng chú ý, một trong những vấn đề thời sự hiện nay là khả năng thích ứng (chống chịu) của đô thị với tác động của biến đổi khí hậu như tình trạng tình trạng ngập úng đô thị đối với các đô thị vùng đồng bằng; tình trạng ngập úng nội đô và sạt lở bờ biển nơi phân bố chủ yếu hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ở các đô thị ven biển; tình ngập úng và sạt lở đối với các đô thị vùng núi dưới tác động các hiện tượng thời tiết cực đoan (bão, áp thấp nhiệt đới) và nước biển dâng. Điều này càng tác động mạnh tới du lịch trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu ngày một tăng do tác động các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng.
Chính sách đối với phát triển đô thị ngoài các quy định chung cần có những quy định mang tính đặc thù chuyên ngành du lịch.
Từ thực trạng phát triển du lịch tại các đô thị ở Việt Nam những năm qua cho thấy du lịch đã thực sự đem lại lợi ích nhiều mặt cho phát triển đô thị, tuy nhiên, nếu không được quy hoạch và quản lý phù hợp, hoạt động phát triển du lịch tại các đô thị sẽ không chỉ có tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên và xã hội mà còn đến sự phát triển bền vững của đô thị.
Trong những năm tới, du lịch Việt Nam được định hướng phát triển thực sự thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững và bao trùm, tối đa hoá sự đóng góp cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Phát triển du lịch tại các đô thị vẫn là một trong những hướng ưu tiên trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Song, bối cảnh tốc độ đô thị hoá ngày càng cao, đặc biệt tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh... đặt ra nhiều thách thức đối với phát triển du lịch bền vững nói chung và phát triển du lịch tại các đô thị nói riêng ở Việt Nam.
Thực tế, để phát triển du lịch bền vững tại các đô thị, các ngành chức năng cần quan tâm đến chính sách đối với phát triển đô thị, năng lực quản lý của chính quyền đô thị, khả năng đáp ứng của hạ tầng đô thị, môi trường, nguồn nhân lực và khả năng thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Theo các chuyên gia, cần đẩy nhanh kế hoạch ứng dụng công nghệ 4.0 trong thực hiện mục tiêu phát triển đô thị thông minh, đặc biệt ở những đô thị, nơi du lịch được xác định là ngành kinh tế trụ cột trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Để đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch đô thị, cần thay đổi tư duy quy hoạch đô thị dựa trên những nguyên tắc cơ bản của hoạt động phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch bền vững nói riêng đối với các đô thị có tiềm năng và lợi thế về du lịch.
Minh Trang
Bình luận