Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 04:11
Thứ ba, 12/09/2023 08:09
TMO - An ninh nguồn nước là vấn đề Việt Nam đặc biệt quan tâm; cần phải xây dựng định hướng, mục tiêu và các giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước.
Việt Nam là quốc gia ven biển Thái Bình Dương, có 3.450 con sông, suối lớn nhỏ, với chiều dài từ 10km trở lên, tổng lượng nước mặt trung bình hằng năm hiện nay khoảng 830 tỷ m3, nhưng 63% nguồn nước mặt tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ. Trong đó, hai con sông lớn là sông Cửu Long với 90% và sông Hồng với hơn 50% lưu vực nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Do đó, có thể nói nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lưu vực các con sông bắt nguồn từ nước ngoài. Số liệu thống kê cho thấy, trong vòng 50 năm qua, nhu cầu nước của Việt Nam đã tăng gấp 3 lần.
Trong khuôn khổ của Hội thảo "Khoa học vì hoà bình" của Liên minh Nghị viện thế giới với chủ đề "An ninh và mất an ninh nguồn nước: Tái thiết sự chung sống hoà bình với khoa học" vừa được tổ chức tại Bình Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, hiện Việt Nam đang đứng trước một số thách thức lớn về an ninh nguồn nước. Trong đó, thách thức đầu tiên là thiếu nước do lượng phân bố không đều theo không gian và thời gian; hệ thống trữ nước, điều tiết, phân phối nước phát huy hiệu quả chưa cao và nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng. Tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và hiện tượng thời tiết cực đoan làm gia tăng các loại hình thiên tai như bão, lũ, mưa lớn, hạn hán, xâm nhập mặn đe dọa nguồn nước ngọt của các sông, nước dưới đất.
Ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt ngày càng gia tăng, có nơi đến mức báo động. Ô nhiễm nguồn nước còn xuất phát từ vấn đề xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn vào sâu hơn, ảnh hưởng đến nhiễm mặn các dòng sông, đặt ra vấn đề chống xâm mặn ở những nơi chưa từng xảy. Điều này dẫn đến tình trạng có nước nhưng không sử dụng được hoặc sẽ phải tăng chi phí để xử lý nước.
Những thách thức nêu trên đang đặt ra bài toán cho Việt Nam về an ninh nguồn nước và cũng là thách thức mà nhiều quốc gia đang gặp phải. Do vậy, cần phải có sự chung tay của nhiều quốc gia trong phạm vi khu vực và cả trên toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề nàyTrong bối cảnh tác động ngày càng tiêu cực và khó dự báo của biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước là vấn đề mà Việt Nam đặc biệt quan tâm và cần phải xây dựng định hướng, mục tiêu và các giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước.
Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức trong đảm bảo an ninh nguồn nước, cần triển khai đồng bộ các giải pháp để đáp ứng nguồn nước cho phát triển kinh tế-xã hội.
Theo đó, để giải quyết, vượt qua các thách thức nói trên, Việt Nam đã có nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, Việt Nam đang thực hiện nhiều giải pháp khác như: Công tác quy hoạch, điều tiết nước, chuyển nước lưu vực sông; đầu tư nguồn lực, phát triển hạ tầng bảo đảm an ninh nguồn nước; giải pháp về khoa học và công nghệ trong dự báo, xây dựng vận hành các công trình tích nước, trữ nước, chuyển nước; tuần hoàn nước, sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả; bổ cập nguồn nước; tăng cường hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm về quản lý an ninh nguồn nước.
Thời gian vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã chủ động, tích cực đề xuất các hoạt động và tham gia các sáng kiến toàn cầu của IPU. Chúng tôi đánh giá cao các nỗ lực và sáng kiến của IPU với vai trò là một cơ chế hợp tác liên nghị viện toàn cầu, đã hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Việt Nam để phát huy vai trò của hợp tác nghị viện nhằm chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu
Theo dự báo mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2030, nhu cầu về nước cho các mục đích phát triển kinh tế-xã hội, dân sinh của Việt Nam sẽ rơi vào khoảng 122 tỷ m3/năm (tăng 1,5 lần so với nhu cầu hiện nay). Vì thế, để đảm bảo an ninh nguồn nước, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng ngay từ bây giờ, Việt Nam cần hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như tích cực tuyên truyền để "thúc đẩy sự thay đổi" thông qua việc kêu gọi các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và mọi người dân cùng "chung tay hành động" đối với việc sử dụng, khai thác, tiêu thụ và quản lý nguồn nước trong cuộc sống của mình.
Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1622/QĐ-TTg là cột mốc quan trọng, đánh dấu quy hoạch ngành quốc gia lần đầu tiên được lập trong lĩnh vực tài nguyên nước, là một văn bản có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định hướng điều hòa, phân bổ tài nguyên nước đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 – 2030) và là một trong những cơ sở quan trọng cho việc lập các quy hoạch ngành quốc gia có khai thác, sử dụng nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Theo các chính sách lớn cần sửa đổi trong Luật đã được Chính phủ thông qua, việc bảo đảm an ninh tài nguyên nước là vấn đề hết sức cấp bách. Lấy tài nguyên nước là cốt lõi để xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch dân cư, quy hoạch các ngành, lĩnh vực có khai thác sử dụng nước, hoạch định chiến lược phát triển đất nước; việc khai thác sử dụng tài nguyên nước phải theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài.
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) bổ sung các quy định liên quan đến An ninh nguồn nước; Quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước nhằm bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, đặc biệt là đảm bảo an ninh nước cho sinh hoạt, hướng đến chỉ số bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Ngoài ra, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước luôn được Đảng, Chính phủ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả tích cực, đáp ứng yêu cầu cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân qua các thời kỳ. Ngày 23/6/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW trong đó đề ra mục tiêu tổng thể dài hạn, các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn và yêu cầu triển khai 9 nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu để bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các tỉnh/thành phố trên cả nước đã triển khai xây dựng, thực hiện Kết luận số 36-KL/TƯ trong đó chú trọng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới. Hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước...
Thu Trang
Bình luận