Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 18:01
Thứ tư, 27/09/2023 13:09
TMO - Tỉnh Hải Dương, Bắc Giang chưa ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với các dự án đã nộp tiền trồng rừng thay thế; Quảng Ninh đã thu tiền trồng rừng thay thế nhưng chưa giao kế hoạch trồng rừng thay thế cho toàn bộ diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng; Hải Phòng áp dụng văn bản không còn phù hợp để tính toán, phê duyệt đơn giá thu tiền trồng rừng thay thế…
Kiểm toán nhà nước vừa công khai kết quả kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2020 - 2022 tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và thành phố Hải Phòng. Trong giai đoạn 2020 - 2022, 03/04 địa phương được kiểm toán đã thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh (trừ tỉnh Hải Dương chưa thành lập, giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện các nhiệm vụ của Quỹ theo quy định) để thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng và các nguồn tài chính hợp pháp khác phục vụ bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã thực hiện ban hành quy chế tổ chức, điều lệ tổ chức, hoạt động của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng; ban hành văn bản quản lý; Đề án triển khai chính sách dịch vụ môi trường rừng; kế hoạch thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng; thẩm tra, chấp thuận phương án trồng rừng thay thế; lập kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch trồng rừng thay thế theo quy định tại Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn.
Từ khi thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng đến 31/3/2023, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và thành phố Hải Phòng đã phê duyệt phương án thu tiền trồng rừng thay thế để chuyển đổi 5.470,01ha rừng (rừng tự nhiên 170,09ha, rừng trồng 5.299,92ha) sang mục đích khác, diện tích rừng phải trồng thay thế 5.607,54ha, diện tích rừng đã trồng thay thế 3.341,64ha (bằng 60% so với diện tích phải trồng); diện tích còn phải trồng rừng thay thế 2.274,07ha, trong đó, Quảng Ninh 2.065,69ha; Hải Dương 28,05ha; Bắc Giang 128,12ha; Hải Phòng 52,21ha. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cho thấy nhiều sai sót trong công tác quản lý rừng tại các địa phương này.
Kiểm toán nhà nước đã phát hiện nhiều sai sót trong quản lý rừng tại các địa phương: Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và Hải Phòng.
Chưa ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng với 40 dự án đã nộp tiền
Qua công tác kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cho biết tỉnh Hải Dương đã quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê toàn bộ diện tích đất rừng, bao gồm cả diện tích đất rừng chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế với 02 dự án. Tỉnh Hải Dương, Bắc Giang chưa ban hành Quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với 40 dự án đã nộp tiền trồng rừng thay thế (Hải Dương 05 dự án, Bắc Giang 35 dự án) theo quy định..
Tỉnh Hải Dương thực hiện chuyển loại rừng đặc dụng với 3,9624 ha sang loại rừng sản xuất trước khi chuyển mục đích sử dụng 3,9624ha rừng sản xuất sang mục đích khác (thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với quốc lộ 37 thành phố Chí Linh). Đến thời điểm kết thúc kiểm toán, địa phương chưa thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng diện tích rừng đặc dụng 3,9624 ha do đã chuyển loại rừng đặc dụng thành rừng sản xuất trước khi chuyển mục đích sử dụng rừng như nêu trên.
UBND tỉnh Bắc Giang trình, HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác cho Công ty Cổ phần tập đoàn khoáng sản Á Cường khai thác khoáng sản (quặng vàng gốc) đối với diện tích rừng 2,5ha (trong đó: rừng phòng hộ 2,04ha và rừng sản xuất 0,46ha) để khai thác khoáng sản thuộc khu vực cấm khai thác khoáng sản trước khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản.
Chưa giao kế hoạch trồng rừng thay thế cho toàn bộ diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích
Báo cáo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cũng nêu rõ tại tỉnh Bắc Giang và thành phố Hải Phòng, khi quyết định phương án chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế, địa phương đã không xác định rõ thuộc trường hợp UBND tỉnh bố trí đất để trồng rừng thay thế trên địa bàn theo quy định. Địa phương đã chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế, đã thu tiền trồng rừng thay thế nhưng đến thời điểm kết thúc kiểm toán chưa giao kế hoạch trồng rừng thay thế cho toàn bộ diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng rừng, diện tích rừng trồng thay thế (Quảng Ninh 1.913,64 ha chưa giao kế hoạch; Bắc Giang 128,12ha chưa giao kế hoạch); diện tích còn phải trồng rừng thay thế đến 31/3/2023 tại 4 địa phương là 2.274,07ha (Quảng Ninh 2.065,69ha; Hải Dương 28,05ha; Bắc Giang 128,12ha; Hải Phòng 52,21ha).
Số tiền trồng rừng thay thế đã quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày chủ dự án nộp tiền nhưng chưa địa phương không bố trí được hoặc chưa bố trí đủ diện tích đất trồng rừng thay thế cần phải chuyển tiền trồng rừng thay thế về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam để tổ chức trồng rừng thay thế tại địa phương khác theo quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 4 Thông tư 13 là 275.318 triệu đồng (Quảng Ninh 248.933 triệu đồng; Bắc Giang 23.249 triệu đồng; Hải Phòng 3.136 triệu đồng).
UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành quy trình kỹ thuật và suất đầu tư trồng rừng thay thế đối với một số loài cây lâm nghiệp áp dụng cho các chủ dự án không tự trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác không phải lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó dự toán không có định mức sử dụng công cụ thủ công theo quy định về "Định mức kinh tế kỹ thuật trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng và bảo vệ rừng”.
UBND tỉnh Bắc Giang ban hành 02 quyết định phê duyệt đơn giá trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trong đơn giá xây dựng chưa bao gồm một số hạng mục chi phí (chi phí thiết bị thi công, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước, thuế giá trị gia tăng, chi phí khác, chi phí dự phòng) theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 15/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/10/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung quản lý đầu tư công trình lâm sinh (Thông tư 15).
Tỉnh Bắc Giang và thành phố Hải Phòng chưa giao kế hoạch trồng rừng thay thế cho toàn bộ diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích (Ảnh minh họa).
Tính thiếu một số hạng mục chi phí của đơn giá phương án trồng rừng thay thế
Đơn giá trong phương án trồng rừng thay thế được phê duyệt còn tính thiếu một số hạng mục chi phí theo quy định tại Thông tư 15 (Quảng Ninh giai đoạn từ 30/8/2021 đến hết năm 2022 thiếu công cụ dụng cụ, chi phí dự phòng; Hải Dương thiếu chi phí dự phòng; Bắc Giang thiếu chi phí chung, chi phí khác, chi phí dự phòng; Hải Phòng thiếu chi phí khác, chi phí dự phòng).
Tỉnh Quảng Ninh không phê duyệt lại đơn giá thu nộp tiền trồng rừng thay thế khi quy định tính toán có thay đổi dẫn đến đơn giá thu tiền trồng rừng thay thế thấp hơn đơn giá giao kế hoạch trồng rừng thay thế; 814,3ha diện tích rừng chuyển đổi mục đích đã nộp tiền trồng rừng thay thế 121.293,8trđ theo đơn giá tại thời điểm thu từ 80,62trđ/ha đến 80,87trđ/ha (đơn giá rừng trồng trên cạn) và từ 246,5trđ/ha đến 247,36trđ/ha (đơn giá rừng trồng ngập mặn) nhưng đến nay chưa được giao kế hoạch trồng rừng thay thế. Theo đơn giá tại Quyết định số 318/QĐ-UBND ngày 9/02/2023, Quyết định số 148/QĐ-UBND ngày 17/01/2023 của UBND tỉnh Quảng Ninh về phê duyệt kế hoạch trồng rừng thay thế đợt 2, đợt 3 năm 2023 thì đơn giá trồng rừng thay thế đối với 1ha đang cao hơn so với đơn giá/1ha tại thời điểm thu”.
UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt kế hoạch trồng rừng thay thế nhưng xác định diện tích trồng thay thế không đủ so với diện tích rừng đã quyết định chuyển mục đích sử dụng (còn thiếu 17,37ha); cho phép đơn vị nộp tiền làm nhiều đợt theo đơn giá tính ban đầu, mà không thực hiện xác định đơn giá tại thời điểm nộp tiền theo quy định tại 2 Điều 4 Thông tư số 23/2017/TT-BNNPTNT quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (Thông tư 23); phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán trồng rừng thay thế, trong đó xác định dự toán đơn giá cây giống Thông mã vĩ cao hơn từ 1,95 lần đến 2 lần so với đơn giá quy định của UBND tỉnh Hải Dương. Tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng áp dụng văn bản không còn phù hợp để tính toán, phê duyệt đơn giá thu tiền trồng rừng thay thế.
Luật Lâm nghiệp 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 nhưng đến thời điểm kết thúc kiểm toán 02/04 địa phương được kiểm toán chưa thực hiện xác định ranh giới lưu vực và diện tích rừng trong lưu vực nằm trong địa giới hành chính của tỉnh để trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định (tỉnh Hải Dương), chưa hoàn thành việc xây dựng bản đồ lưu vực nơi cung ứng dịch vụ môi trường rừng, chưa xác định diện tích rừng được chi trả và đối tượng được chi trả tiền cung ứng dịch vụ môi trường rừng theo quy định (thành phố Hải Phòng).
Bên cạnh đó chưa thực hiện rà soát, xác định xem các tổ chức có thuộc đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định, chưa ký kết hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại điểm a – Khoản 2 Điều 76 về Nhiệm vụ của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh để đưa các đối tượng theo quy định vào quản lý thu (tỉnh Hải Dương); chưa rà soát, xác định đối tượng, ký hợp đồng uỷ thác chi tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2020 đối với các đơn vị được ký hợp đồng bắt đầu từ năm 2021 (Quảng Ninh); Công ty Nhiệt điện Uông Bí (Quảng Ninh) chưa thống nhất ký hợp đồng ủy thác thu dịch vụ môi trường rừng, chưa đăng ký kế hoạch, chưa nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng các năm 2020, 2021, 2022...
Kiểm toán nhà nước đề nghị UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát để khắc phục, xử lý, xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan để xem xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật (nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì thực hiện xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan và chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật…)
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, báo cáo Chính phủ xem xét ban hành bổ sung quy định để xử lý việc chậm nộp tiền trồng rừng thay thế của các chủ dự án khi được phép chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác và quy định tính lại đơn giá thu tiền trồng rừng thay thế tại thời điểm chủ dự án nộp tiền trồng rừng thay thế…
Lê Nam
Bình luận