Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 25/01/2025 06:01
Thứ bảy, 13/01/2024 19:01
TMO - Quỹ đất trồng rừng mới ngày càng thu hẹp do diện tích đất trống quy hoạch cho lâm nghiệp đã cơ bản được trồng, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để phát triển kinh tế của địa phương; vốn đầu tư phân bổ cho công tác phát triển rừng hàng năm còn chậm so với yêu cầu của sản xuất…là những khó khăn trong thực hiện Đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025".
Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), lũy kế kết quả sau 3 năm thực hiện Đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025", cả nước đến nay đã trồng được gần 770 triệu cây, đạt 121,4% so với kế hoạch, gồm: 345 triệu cây xanh phân tán và trồng mới 435 triệu cây xanh tập trung.
Tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Đề án trong 3 năm (năm 2021-2023) gần 9.500 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước chiếm 23,8%, còn lại vốn ODA, xã hội hóa và các nguồn vốn khác chiếm 76,2%. Giai đoạn 2024-2025, các bộ, ngành và địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch với tổng số hơn 492 triệu cây, trong đó hơn 275 triệu cây xanh và 98.210 ha rừng trồng (tương đương với hơn 216 triệu cây).
Gần 770 triệu cây xanh đã được trồng từ năm 2021 đến nay. (Ảnh: K.L)
Cục Lâm nghiệp cho biết, quỹ đất trồng rừng mới ngày càng thu hẹp do diện tích đất trống quy hoạch cho lâm nghiệp đã cơ bản được trồng, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để phát triển kinh tế của địa phương; vốn đầu tư phân bổ cho công tác phát triển rừng hàng năm còn chậm so với yêu cầu của sản xuất; mức hỗ trợ trồng cây phân tán và trồng rừng còn thấp so với thực tiễn sản xuất là những khó khăn trong thực hiện Đề án trên.
Ngoài ra, theo Cục Lâm nghiệp, công tác quản lý, duy trì và phát triển quỹ đất cây xanh đô thị chưa được quan tâm đúng mức, diện tích đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị hiện nay mới chiếm tỉ lệ khoảng 1,2%, thấp hơn nhiều so với các quy chuẩn về quy hoạch đô thị đặt ra.
Tại Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025" vừa diễn ra mới đây, Bộ NN&PTNT đề nghị các đơn vị, địa phương rà soát, đánh giá kết quả đã thực hiện, tiến hành trồng bổ sung tại các khu vực có cây trồng bị thiệt hại, tại các diện tích còn trống cây xanh, theo đúng kế hoạch đã phê duyệt. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền để mọi người hiểu biết lợi ích và tham gia hưởng ứng trồng cây xanh. Quá trình thực hiện phải linh hoạt, chủ động, lựa chọn các loại cây, kỹ thuật trồng, chăm sóc phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng, khu vực.
Đối với Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT đề nghị tổng hợp, xử lý các kiến nghị của các địa phương, báo cáo các vấn đề vượt thẩm quyền, tài liệu hóa kinh nghiệm đã thực hiện để có kế hoạch huy động nguồn lực, tuyên truyền, phổ biến hiệu quả. Các tổ chức, các cá nhân trong nước và quốc tế, tiếp tục quan tâm hỗ trợ để thực hiện chương trình... nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án đặt ra.
Trước đó, đầu tháng 4/2021, Chính phủ phê duyệt Đề án “trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025”. Đề án nêu rõ, phát triển cây xanh cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Phát huy truyền thống trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, đưa việc trồng cây xanh thực sự trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia tích cực của mọi người dân, tránh thực hiện phô trương, hình thức; là hành động thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tăng cường xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế xã hội để trồng một tỷ cây xanh. Trong đó, ngoài trồng rừng tập trung, cần tăng tỷ lệ trồng cây xanh phân tán tại các vùng nông thôn, khu vực đô thị, đường giao thông, công trình hạ tầng đô thị, công trình giáo dục, y tế, văn hóa, nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu văn hóa, lịch sử... bảo đảm tỷ lệ cây xanh theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trồng cây xanh phải đi đôi với chăm sóc, bảo vệ, quản lý, giám sát để bảo đảm cây trồng, rừng trồng sinh trưởng và phát triển tốt.
NGÔ HUYỀN
Bình luận