Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 04:11
Thứ tư, 23/08/2023 07:08
TMO - Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) là một trong những điều kiện bắt buộc để sản phẩm lâm sản có thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Việc cấp chứng chỉ rừng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tại Yên Bái vẫn gặp khó khăn, vướng mắc.
Nhằm nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, hướng đến mục tiêu quản lý và phát triển rừng bền vững, tỉnh Yên Bái đã triển khai, hướng dẫn người dân trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế. Đến nay, toàn tỉnh có trên 13.051 ha rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC, VFCS/PEFC trên địa bàn các huyện Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên, Văn Chấn, Văn Yên. Qua đó, mang lại lợi ích kinh tế cho người trồng rừng, doanh nghiệp mà còn giúp bảo vệ môi trường.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái, đến hết quý II/2023, diện tích được cấp chứng chỉ rừng mới trên địa bàn toàn tỉnh là 2.335 ha/8.960 ha kế hoạch cấp mới, nâng diện tích được cấp chứng chỉ rừng toàn tỉnh lên trên 13.051/20.000 ha rừng trồng, đạt 65,3% kế hoạch năm. Trong đó, huyện Yên Bình đạt 10.786,1 ha/12.000 ha, bằng 89,9% kế hoạch; huyện Trấn Yên đạt 1.400,4 ha/3.000 ha kế hoạch, bằng 46,7%; thành phố Yên Bái đạt 555,2 ha; huyện Lục Yên 309,85 ha/2.000 ha, đạt 15,5% kế hoạch.
Huyện Trấn Yên là một trong những địa phương triển khai chương trình cấp chứng chỉ rừng FSC sớm ở tỉnh Yên Bái, tuy nhiên đến nay cũng chưa đạt được kết quả như mục tiêu. Mục tiêu phấn đấu của địa phương này đến năm 2023 là cấp chứng chỉ rừng đạt 3.000 ha, tuy nhiên đến nay mới chỉ đạt hơn 1.700 ha. Tại huyện Văn Chấn cũng mới chỉ thực hiện đến các bước điều tra ngoại nghiệp, đã hoàn thành bước điều tra thu thập tại hiện trường, với tổng diện tích rừng trồng đạt 5.500 ha. Công tác nội nghiệp, đã hoàn thành việc tính toán trữ lượng rừng cho từng loài cây, cấp tuổi; tổng hợp thông tin thu thập tại các xã...
Yên Bình là một trong những địa phương thực hiện nhanh và đạt kết quả cao nhất trong việc cấp chứng chỉ rừng FSC tại tỉnh Yên Bái. Bắt đầu triển khai từ năm 2021, đến nay, toàn huyện đã cấp chứng chỉ rừng đạt 10.786,1 ha/12.000 ha, đạt 89,9% kế hoạch. Để chương trình cấp chứng chỉ rừng đạt hiệu quả, Hạt Kiểm lâm huyện tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng các cơ chế chính sách của Nhà nước về lâm nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc thực hiện trồng rừng gỗ lớn, quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC.
Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu song công tác cấp chứng chỉ FSC tại tỉnh Yên Bái vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Từ thực tế triển khai tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, ngành chức năng tỉnh nhận thấy, việc triển khai cấp chứng chỉ rừng gặp khó khăn về trình độ quản lý và nguồn kinh phí thực hiện. Phần lớn diện tích rừng trồng của các hộ gia đình, cá nhân còn nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến giá trị kinh tế khi tham gia FSC chưa cao, khó khăn trong công tác tuyên truyền và quản lý của nhóm. Nhiều hộ dân chưa mặn mà với việc tham gia liên kết xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và thực hiện cấp chứng chỉ rừng vì lo ngại sau khi có chứng chỉ FSC sẽ bị ép buộc bán gỗ cho công ty và siết chặt quản lý đối với hộ dân. Để đạt được chứng chỉ FSC cần nguồn đầu tư lớn, chi phí thuê chuyên gia tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ FSC định kỳ hàng năm khá cao, vượt quá khả năng của người trồng rừng quy mô nhỏ...
FSC là một quy trình cấp chứng chỉ rừng có các nguyên tắc và tiêu chí về hoạt động quản lý và khai thác rừng riêng. Trong đó, có những tiêu chí đang là vấn đề mà thực tế tỉnh Yên Bái chưa giải quyết được như: Phần lớn diện tích rừng của các hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên tính pháp lý về mặt hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định. Diện tích rừng còn nhỏ lẻ, manh mún, nhiều loại cây trồng trong một lô rừng (keo, quế, bồ đề...), nhiều hộ gia đình đăng ký tham gia quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng nhưng lại tự ý khai thác trước hạn, thay đổi loại cây trồng, đã gây khó khăn cho việc rà soát, đánh giá hồ sơ và phát sinh thêm chi phí trong quá trình triển khai cấp chứng chỉ rừng.
Ngành chức năng địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TL.
Để tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ cấp chứng chỉ rừng bền vững, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp như sớm xác định thị trường đối với sản phẩm gỗ rừng trồng để lựa chọn tiêu chuẩn cấp chứng chỉ về quản lý rừng bền vững (FSC) phù hợp, đẩy nhanh tiến độ điều tra, rà soát hiện trạng rừng để thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; bổ sung các đơn vị có năng lực và thị trường tiêu thụ sản phẩm tham gia quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng FSC.
Cùng với đó, ngành tăng cường liên kết và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng tới các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Ngành cũng yêu cầu các doanh nghiệp cần thực hiện đúng nội dung đã cam kết khi tham gia cấp chứng chỉ rừng; tổ chức kế hoạch thu mua, bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ cho người dân có diện tích rừng tham gia thực hiện cấp chứng chỉ, không để xảy ra tình trạng người dân bán gỗ đã được cấp chứng chỉ FSC với lý do các doanh nghiệp không thu mua, ảnh hưởng đến tâm lý người dân, thiệt hại về nguồn vốn của doanh nghiệp khi thực hiện cấp chứng chỉ...
Đồng thời, nắm bắt nhu cầu thị trường thế giới đặc biệt ưa chuộng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc organic (hữu cơ), trong đó có các sản phẩm từ cây quế; các địa phương trên địa bàn tỉnh cần tích cực chủ động thu hút các doanh nghiệp chế biến sản phẩm quế xây dựng, thực hiện các dự án chuỗi giá trị theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh (Nghị quyết về ban hành Quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025) để chuyển đổi giữa 2 chỉ tiêu chứng chỉ rừng FSC, Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS)/PEFC và chứng nhận quế hữu cơ để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch.
Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái chỉ đạo các huyện đã và đang triển khai chương trình tiếp phối hợp với các doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện cấp chứng chỉ rừng, rà soát diện tích rừng trồng trên địa bàn đủ điều kiện để giới thiệu cho các doanh nghiệp triển khai cấp chứng chỉ rừng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng tới các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Khẩn trương tăng cường nhân lực, nguồn lực phối hợp với đơn vị tư vấn, các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai cấp chứng chỉ rừng tại các địa phương.
Trong năm 2023 hoàn thành cấp chứng chỉ FSC đối với diện tích lập mới hồ sơ năm 2023 tại các huyện Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên theo kế hoạch. Chứng nhận bảo vệ rừng FSC được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường với lợi ích xã hội của các bên liên quan.
Thanh Chi
Bình luận