Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 08:11
Thứ hai, 30/10/2023 04:10
TMO - Nhằm tiết kiệm nước, giảm nhân công, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, những năm qua, công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước đã được các địa phương, đơn vị, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh mạnh dạn đầu tư ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp.
Tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng là việc áp dụng quy trình kỹ thuật và thiết bị tiên tiến để tưới theo phương pháp nhỏ giọt, phun mưa, tưới ngầm, bảo đảm cấp nước theo nhu cầu của cây trồng cạn hoặc tưới ướt (ngập) - khô xen kẽ cho cây lúa phù hợp từng giai đoạn sinh trưởng kết hợp với các biện pháp canh tác tiên tiến trong nông nghiệp (khoản 2 Điều 3 của Nghị định số 77/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ). Tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn hạn chế nước bị bốc hơi, đảm bảo độ ẩm cho đất, giảm sự xói mòn của đất. Đồng thời, có thể kết hợp tưới nước với tiêu diệt mầm bệnh; thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa khâu tưới nước.
Hiện nay tỉnh Trà Vinh đang thực hiện chính sách hỗ trợ cho nông dân áp dụng sản xuất tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để khuyến khích nhân rộng diện tích sản xuất hiệu quả và bền vững trước biến đổi khí hậu. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2030, diện tích cây trồng cạn được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 30%. Cụ thể, tỉnh chi hỗ trợ 50% chi phí vật liệu, máy thi công và thiết bị để đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn, mức hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/ha; hỗ trợ 50% chi phí để san phẳng đồng ruộng, mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/ha.
Nông dân sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính theo phương pháp tưới ngập - khô xen kẽ và sử dụng phân bón thông minh được hỗ trợ 50% kinh phí mua phân bón, nhưng không quá 5 triệu đồng/ha. Hỗ trợ một lần 30% kinh phí mua máy móc, trang thiết bị sản xuất, đường ống nhựa phục vụ cho việc tưới tiêu; xây dựng nhà sơ chế, đóng gói sản phẩm rau an toàn, nhưng không quá 300 triệu đồng/cơ sở…
Tỉnh đã và đang triển khai nhiều mô hình tưới tiết kiệm nước, như: Mô hình trồng táo trong nhà lưới sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm thích ứng với biến đổi khí hậu tại huyện Trà Cú; Mô hình trồng mãng cầu ta (na) Thái sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm tại huyện Trà Cú và huyện Cầu Kè; Mô hình trồng vú sữa Mica sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm tại huyện Cầu Kè; Mô hình trồng cây chà là sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm thích ứng với biến đổi khí hậu và Mô hình trồng dưa lưới ruột vàng trong nhà màng sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt tại huyện Châu Thành; Mô hình trồng rau-màu trong nhà lưới sử dụng hệ thống tưới phun tại huyện Duyên Hải; Mô hình trồng cây ớt sử dụng phân hữu cơ vi sinh, tưới nước tiết kiệm và liên kết thị trường tiêu thụ tại huyện Cầu Ngang,…
Hiện nay tỉnh Trà Vinh đang thực hiện chính sách hỗ trợ cho nông dân áp dụng sản xuất tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để khuyến khích nhân rộng diện tích sản xuất hiệu quả và bền vững trước biến đổi khí hậu.
Theo đó tính đến tháng 7/2023, diện tích đất sản xuất áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước được áp dụng tại những địa phương có nhiều diện tích đất gò cao, đất giồng cát, như huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải có khoảng gần 12.000 ha. Qua áp dụng sản xuất tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho thấy lợi nhuận đem lại cao hơn từ 30 - 50% so với sản xuất truyền thống. Canh tác lúa tưới ngập - khô xen kẽ sử dụng phân bón thông minh, cây lúa cho năng suất cao hơn 0,76 tấn/ha so sản xuất đối chứng.
Bình quân, chi phí lắp đặt hệ thống ống tưới, máy bơm cho 01 ha đất tốn kém chí phí khoảng 100 triệu đồng. Tuy mức đầu tư khá cao, bù lại việc trồng 1 ha lạc mỗi năm, gia đình ông tiết kiệm được 5 lần công lao động, tiết kiệm 60% lượng nước, 30% lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nhưng cây lạc cho năng suất 10 tấn/ha, tăng 3/ha, sau khi trừ chi phí lãi hơn 60 triệu đồng/ha.
Tưới tiết kiệm trên cây ăn quả hay tưới ngập - khô xen kẽ trên lúa là những mô hình đang được nông dân Trà Vinh đẩy mạnh ứng dụng. Mô hình này được triển khai tại huyện Tiểu Cần với diện tích 27,8ha, có 52 hộ tham gia. Quy trình này có cái lợi cho nông dân là tiết kiệm được số lần bơm tát vào ruộng (từ 8 - 9 lần/vụ lúa, nay giảm còn 4 lần/vụ), mỗi lần tiết kiệm được 300.000 đồng/ha.
Ngoài tiết kiệm chi phí, sản xuất ngập - khô xen kẽ giúp cho lúa nở bụi tốt hơn, tăng năng suất, hạn chế lúa đổ ngã Tại mô hình sản xuất lúa ngập - khô xen kẽ, được lắp thiết bị đo nước hình trụ đặt ở giữa ruộng lúa. Nông dân sẽ sử dụng thiết bị smartphone dựng lại hình ảnh cột đo và gửi về trung tâm để theo dõi và sẽ phản hồi lại để khuyến cáo nông dân cần bơm nước vào ruộng hay không. Nhờ vậy, lượng nước tưới tiêu của nông giảm đáng kể. Việc sản xuất tiết kiệm nước trong giai đoạn hiện nay (khô hạn, mặn xâm nhập) sẽ giúp nông dân chủ động việc đưa nước vào ruộng với các chu kỳ sinh trưởng của lúa một cách phù hợp.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, qua đánh giá thực tế trên đồng ruộng, mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu năng suất cao hơn 25 - 30% so với ruộng đối chứng (không sản xuất theo mô hình canh tác lúa thông minh). Cụ thể, năng suất lúa trong mô hình bình quân đạt 7,3 - 8,3 tấn/ha (đối chứng 6 - 7 tấn/ha). Về lợi nhuận, sản xuất lúa trong mô hình đạt từ 24 - 26 triệu đồng/ha. Đây là một trong những giải pháp tổng hợp để nông dân canh tác nâng cao năng suất, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mô hình tưới nước kết hợp tiêu diệt sâu bọ, động vật gây hại hoặc kết hợp với bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật làm giảm áp lực thiếu lao động nông nghiệp, từ đó giảm chi phí công lao động trên cùng một đơn vị diện tích. Áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn giúp chủ động kiểm soát lượng nước, kiểm soát phân bón và hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật giúp làm giảm ô nhiễm nguồn nước, giảm ô nhiễm môi trường, an toàn cho chính người sản xuất, người tiêu dùng. Ngoài ra, áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước sẽ từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ, đảm bảo cho phát triển sản xuất bền vững thích ứng tốt với điều kiện biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; bảo đảm cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.
Năm 2023, tỉnh Trà Vinh tiếp tục dành khoảng 3,5 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích sản xuất rau an và khoảng 2,5 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân thực hiện tưới ngập - khô xen kẽ trong canh tác lúa. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác để lồng ghép hỗ trợ nông dân. Các địa phương vận động, khuyến khích nông dân mạnh dạn tham gia vào hợp tác xã nông nghiệp để huy động nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư xây dựng công nghệ tưới tiết kiệm nước, giảm chi phí phí sản xuất, tăng lợi nhuận.
Đức Thắng
Bình luận