Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ bảy, 28/10/2023 12:10
TMO - Tỉnh Thái Nguyên xác định, cấp chứng chỉ cho rừng là giải pháp quan trọng nhằm quản lý rừng bền vững, nâng cao giá trị kinh tế lâm nghiệp, bảo vệ môi trường và xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp.
FSC là chứng nhận được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường với lợi ích xã hội của các bên liên quan. Chứng chỉ này được cấp bởi Hội đồng quản lý rừng FSC (Forest Stewardship Council) - Tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập năm 1993 với mục tiêu phát triển và quản lý rừng bền vững trên toàn thế giới. Rừng được cấp chứng chỉ FSC ngoài việc bán gỗ có giá cao hơn rừng trồng theo cách truyền thống, còn mang lại nhiều lợi ích về môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên đất, nguồn nước do rừng mang lại.
Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có gần 180.000 ha đất lâm nghiệp. Nhằm nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, phát triển rừng theo hướng bền vững, thời gian qua tỉnh đang đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC... Đây được coi là hướng đi mới trong phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững.
Việc trồng rừng theo chuỗi tiêu chuẩn VFCS/PEFC sẽ gia tăng lợi ích trên cả 3 phương diện: Bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho người sản xuất và an sinh xã hội. Qua đánh giá, rừng trồng được cấp chứng chỉ sẽ cho sản lượng gỗ cao hơn rừng thường từ 10 -15%. Giá bán gỗ từ rừng được cấp chứng chỉ cũng tăng từ 15-25% (tương đương 150.000-200.000 đồng/m3 gỗ) so với gỗ không có chứng chỉ, doanh thu bình quân tăng 45-50 triệu đồng/ha/chu kỳ kinh doanh (8-10 năm).
Thái Nguyên đang đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC... Ảnh: KT.
Để nâng cao giá trị từ rừng, Thái Nguyên xác định: giai đoạn 2021-2025 trồng mới rừng gỗ lớn 2.000 ha, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 5.000 ha. Mục tiêu đến năm 2025 diện tích rừng gỗ lớn và diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững đạt 10% tổng diện tích rừng trồng sản xuất, đến năm 2030 diện tích rừng gỗ lớn và diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững đạt đạt 30%, giá trị đạt gần 11.000 tỷ đồng.
Với tiềm năng thế mạnh về rừng thì việc được cấp chứng nhận FSC là yếu tố quan trọng góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng cho cộng đồng địa phương và toàn xã hội, đồng thời là cơ hội để khẳng định giá trị thương hiệu các sản phẩm lâm sản trên thị trường quốc tế. Vì vậy, để thực hiện thành công chương trình này, cần tiếp tục sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn và sự nỗ lực, cố gắng của người dân.
Huyện Đồng Hỷ là địa phương có diện tích rừng lớn của tỉnh, với trên 23.000ha, trong đó có hơn 5.500ha là rừng phòng hộ và gần 18.000ha rừng sản xuất. Với diện tích rừng trồng lớn như vậy, chứng chỉ FSC được coi như "tấm vé thông hành" cho sản phẩm gỗ rừng trồng của địa phương vươn ra thế giới, đặc biệt 2 thị trường lớn EU và Mỹ. Tính đến tháng 8/2023, tại huyện Đồng Hỷ đã có trên 1.300 ha rừng ở xã Văn Hán được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) và trở thành địa phương duy nhất của tỉnh Thái Nguyên được cấp chứng chỉ này.
Tại xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ có hơn 4.000 ha rừng sản xuất, trung bình mỗi năm có trên 600 ha rừng cho khai thác, với giá trị kinh tế khoảng từ 50- 70 tỷ đồng. Từ nguồn thu nhập từ trồng rừng, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ấm no. Để nâng cao giá trị kinh tế lâm nghiệp, chính quyền địa phương đã vận động, hướng dẫn người dân tham gia dự án phát triển và quản lý rừng bền vững FSC. Để được cấp chứng chỉ, người trồng rừng phải tuân thủ đầy đủ các tiêu chí rất khắt khe như kéo dài tuổi rừng lên từ 7- 12 năm hoặc hơn; không đốt thực bì sau khai thác gỗ gây cháy rừng, ảnh hưởng tới hệ sinh thái môi trường, cấu trúc đất; không phun thuốc bảo vệ thực vật để trừ cỏ, diệt sâu bọ gây ô nhiễm môi trường;…
Bên cạnh việc vận động người dân kéo dài chu kỳ khai thác rừng để phát triển thành rừng gỗ lớn, góp phân nâng cao giá trị kinh tế, chính quyền địa phương cũng vận động, hướng dẫn bà con thực hiện quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng FSC. Tính đến hết năm 2022 xã đã có 501 hộ với 1.331 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, xã là địa phương đầu tiên của tỉnh có rừng đạt chuẩn quốc tế. Một phần trong số này (khoảng 150 ha) đến chu kỳ khai thác đã được doanh nghiệp thu mua theo giá thị trường khoảng 1,6 triệu đồng/tấn gỗ tròn; ngoài ra mỗi hộ dân được hỗ trợ thêm từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng/ha. Từ hiệu quả mang lại, huyện Đồng Hỷ sẽ nhân rộng diện tích rừng được cấp Chứng chỉ FSC đối với các xã khác. Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đang triển khai việc cấp Chứng chỉ rừng FSC tại huyện Đại Từ, dự kiến thời gian tới sẽ thực hiện tại các huyện khác nhằm nâng giá trị rừng trồng.
Rừng được cấp chứng chỉ FSC ngoài việc bán gỗ có giá cao hơn rừng trồng theo cách truyền thống, còn mang lại nhiều lợi ích về môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên đất, nguồn nước. Ảnh: SQ.
Mục tiêu Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đến năm 2025 có 500.000 ha rừng có chứng chỉ và đến năm 2030 có một triệu ha rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Có thể nói, việc quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước nâng cao nhận thức, năng lực về thực thi quản lý rừng bền vững cho đội ngũ cán bộ lâm nghiệp các cấp, các chủ rừng, cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp.
Hiện tại, Việt Nam đã xây dựng và vận hành Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS), được Tổ chức chứng chỉ rừng quốc tế (PEFC) công nhận đáp ứng các yêu cầu chứng chỉ rừng quốc tế theo Bộ tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững có giá trị tương đương với hệ thống chứng chỉ rừng quốc tế khác; đồng thời, công nhận Hệ thống chứng chỉ rừng FSC được phép hoạt động tại nước ta. Về nguyên tắc, chủ rừng tự nguyện lựa chọn Hệ thống chứng chỉ rừng để đăng ký cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo yêu cầu của thị trường gỗ, sản phẩm gỗ trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển thương hiệu, khẳng định thương hiệu chứng chỉ rừng quốc gia trên thị trường và giảm chi phí cho các chủ rừng trong việc thuê tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND cấp tỉnh quan tâm, chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, giới thiệu đến các chủ rừng, doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản, các đối tác, bạn hàng trong và ngoài nước, đặc biệt các nhà nhập khẩu gỗ, sản phẩm gỗ của Việt Nam về Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia Việt Nam liên kết với Tổ chức chứng chỉ rừng quốc tế để tổ chức cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo Bộ tiêu chuẩn VFCS/PEFC nêu trên.
UBND cấp tỉnh quan tâm bố trí nguồn vốn theo quy định của pháp luật, cùng với các chương trình, dự án về quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng được đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hoặc nguồn vốn ODA để ưu tiên hỗ trợ các chủ rừng đẩy nhanh tiến độ, tăng diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ rừng, đặc biệt ưu tiên, hỗ trợ các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, hợp tác xã hoặc nhóm hộ.
Đức Minh
Bình luận