Hotline: 0941068156
Thứ ba, 05/11/2024 14:11
Thứ năm, 03/10/2024 15:10
TMO - Các địa phương cần tổ chức phun thuốc khử trùng, diệt bọ gậy, các loại ruồi muỗi để phòng chống các loại dịch bệnh phát sinh sau mưa lũ. Phòng Tài nguyên Môi trường phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng hướng dẫn cho nhân dân thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn sau lũ lụt.
Lũ lụt, ngập úng gây nhiều thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân. Tuy nhiên, việc đảm bảo môi trường sau mưa lũ, ngập úng cũng là vấn đề mà người dân và chính quyền các địa phương không thể xem nhẹ bởi luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, bùng phát dịch bệnh nếu không được xử lý kịp thời.
Sau mưa bão, lũ, ngập úng, nguồn gây ô nhiễm chủ yếu do phân, rác, nước thải, bãi thu gom, tập kết xử lý chất thải rắn, kho chứa hóa chất, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật…bị cuốn chung vào nguồn nước. Các công trình xử lý nước thải, hệ thống thoát nước thải bị phá hủy làm cho phân, rác, nước thải tồn đọng từ các nhà vệ sinh, hệ thống cống rãnh, chuồng trại chăn nuôi tràn trực tiếp ra môi trường. Cây cối, hoa màu bị chết vì bị ngâm trong nước lâu ngày; xác chết của một số loài động vật, gia súc, gia cầm làm phát sinh dịch bệnh. Đặc biệt, nếu các đợt mưa lũ xảy ra trong giai đoạn giao mùa giữa mùa hè và mùa thu thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh càng lớn hơn.
Nguy cơ ô nhiễm môi trường, bùng phát dịch bệnh sau ngập lụt là rất lớn. Các địa phương vùng ngập lụt cần quân tâm, tập trung xử lý. Ảnh minh họa.
Để kịp thời ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ, ngập úng, các địa phương và người dân vùng ngập úng cần khẩn trương triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường. Cụ thể: cần khơi thông cống rãnh thoát nước và thu gom các loại chất thải rắn để xử lý hợp vệ sinh; chôn lấp xác gia súc, gia cầm chết cách xa các nguồn nước, giếng nước, nhà dân và dùng vôi bột để tẩy uế theo quy trình hướng dẫn của ngành thú y.
Các địa phương phun thuốc khử trùng, diệt bọ gậy, các loại ruồi muỗi để phòng chống các loại dịch bệnh phát sinh sau mưa lũ. Cơ quan chức năng (Phòng Tài nguyên Môi trường, Trung tâm y tế dự phòng) hướng dẫn cho nhân dân thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn sau lũ lụt.
Hướng dẫn sửa chữa các giếng nước, bể chứa nước và tiến hành lắng lọc nhằm giảm thiểu độ đục. Các hộ gia đình dùng chất tẩy khử theo hướng dẫn của ngành Y tế để làm sạch nước sinh hoạt trước khi sử dụng. Các công trình công cộng như trạm xá, bệnh viện, trường học, trụ sở làm việc, đường làng, ngõ xóm và từng nhà dân dọn dẹp cây xanh bị đổ ngã tại các nơi bị thiệt hại do lũ lụt, gió lớn gây ra. Đối với các địa phương ven biển cần tập trung dọn vệ sinh sạch các bãi tắm, cửa sông, bờ biển; huy động lực lượng để tập trung khắc phục các sự cố môi trường, sạt lỡ đất, sạt lở đường sá, chống cát chảy gây lấp ruộng đất canh tác…/.
HẢI YẾN
Bình luận