Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 16:11
Thứ tư, 01/11/2023 13:11
TMO - Sau hơn 10 năm thực hiện, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được đánh giá là một trong những chính sách nổi bật trong công tác quản lý, phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện tại Lâm Đồng kể từ khi triển khai thí điểm năm 2009 theo Quyết định 380/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, được xem là một trong những chính sách đột phá trong bảo vệ và phát triển rừng bởi chuyển hướng tiếp cận từ chỗ dựa hoàn toàn vào ngân sách sang huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách và xã hội hóa cho việc quản lý và bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
Theo số liệu của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng, các đối tượng chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh tính đến năm 2022 là 61 đơn vị, trong đó có 43 nhà máy thủy điện, 13 cơ sở sản xuất và kinh doanh nước sạch, 5 cơ sở sản xuất công nghiệp và 17 đơn vị kinh doanh du lịch (từ năm 2020 các đơn vị kinh doanh du lịch chi trả trực tiếp).
Chi trả dịch vụ môi trường rừng được đánh giá là một trong những chính sách lâm nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: NT.
Tính đến hết năm 2022, tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng thu được trên địa bàn tỉnh là 2.983 tỷ đồng (riêng năm 2022 thu được: 437,9 tỷ đồng). Nguồn thu đến chủ yếu từ các cơ sở sản xuất thủy điện (năm 2022: 50 cơ sở) với tỷ trọng thu chiếm hơn 95% tổng thu, một số nhà máy thủy điện như: Đa Nhim, Đại Ninh, Hàm Thuận, Đồng Nai 4, Trị An có số tiền nộp trên 35 tỷ đồng/đơn vị/năm. Các cơ sở sản xuất và kinh doanh nước sạch hàng năm đóng góp 5% số thu và số thu từ các cơ sở sản xuất công nghiệp không đáng kể; riêng các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch từ năm 2020 chuyển sang hình thức chi trả trực tiếp. Số tiền dịch vụ môi trường rừng thu được hàng năm của Lâm Đồng luôn nằm trong 3 tỉnh có số thu cao nhất cả nước và số nợ đọng hàng năm rất ít, hầu như không có.
Hàng năm, tỉnh Lâm Đồng đã chi trả cho hơn 74% diện tích rừng toàn tỉnh (400.000 ha/năm), đơn giá chi trả tương đối cao và gấp đôi đơn giá chi trả từ ngân sách cho phần diện tích không cung ứng (Năm 2022 đơn giá chi trả: 936.000 đồng/ha - 1.214.000 đồng/ha). Qua hơn 10 năm thực hiện tại Lâm Đồng, chi trả dịch vụ môi trường rừng được đánh giá là một trong những chính sách lâm nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực. Hàng năm, các đối tượng phải nộp tiền dịch vụ môi trường rừng cũng đã thực hiện nghiêm túc việc kê khai, nộp tiền, không có nợ đọng. Đối tượng cung ứng đã có trách nhiệm hơn trong công tác bảo vệ rừng và rừng được bảo vệ tốt hơn. Chính quyền các cấp phối hợp tốt hơn trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lâm nghiệp tại địa phương.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng còn tạo ra nguồn tài chính lớn hỗ trợ đáng kể nguồn chi từ ngân sách nhà nước cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương, đây nguồn thu này có yếu tố bền vững và không đánh đổi bằng giá trị trực tiếp của rừng là khai thác, bán sản phẩm tài nguyên rừng. Hoạt động khoán bảo vệ rừng từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng của các chủ rừng nhà nước đã góp phần cải thiện sinh kế và đời sống của các hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc tại địa phương. Với đơn giá chi trả bình quân từ 550.000 - 650.000 đồng/ha/năm, trong đó, đơn giá chi trả cho khoán đến hộ: 500.000 - 600.000 đồng/ha/năm và diện tích nhận 25 - 30 ha/hộ, đã tạo nguồn thu nhập 12 - 18 triệu đồng/hộ/năm. Nguồn thu này đã góp phần cải thiện đời sống cho hơn 16.000 hộ tham gia bảo vệ rừng.
Cán bộ kiểm lâm cùng các hộ nhận khoán phối hợp trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: NN.
Để tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý nghiêm hành vi phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, giữ vững trật tự kỷ cương pháp luật cùng với thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển lâm nghiệp bền vững; Quỹ đã thực hiện ký kết phối hợp tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR với các tổ chức đoàn thể xã hội như Tỉnh đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh,... Mục đích của việc ký kết là lồng ghép tuyên truyền, nâng cao hiệu quả của chính sách chi trả DVMTR, quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh thông qua các tổ chức chính trị, xã hội.
Tỉnh Lâm Đồng cũng đã xác định nguồn thu từ thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng là nguồn tài chính quan trọng ngoài ngân sách để đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh gắn với cải thiện đời sống cho người làm nghề rừng. Việc tạo ra nguồn tài chính lớn hỗ trợ đáng kể nguồn chi từ ngân sách Nhà nước cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương và nguồn thu này có yếu tố bền vững và không đánh đổi bằng giá trị trực tiếp của rừng là khai thác, bán sản phẩm tài nguyên rừng.
Chính thức bắt đầu thực hiện toàn quốc từ ngày 1/1/2011 theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 và có những thay đổi bổ sung tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ; chính sách chi trả DVMTR được đánh giá là một chính sách cột mốc đi vào cuộc sống nhanh, hiệu quả và được các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương, bao gồm cả người dân, ủng hộ và tham gia tích cực…
Chi trả dịch vụ môi trường rừng được xem là một cột mốc về sự đổi mới trong tư duy và thực hành xây dựng chính sách liên quan đến quản lý bảo vệ rừng. Lần đầu tiên, các chức năng cơ bản của hệ sinh thái rừng như: bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng; bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch được định nghĩa lại dưới dạng các loại hình hàng hoá dịch vụ được cung ứng để đáp ứng các nhu cầu của xã hội và đời sống nhân dân.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, chi trả dịch vụ môi trường rừng chủ yếu thực hiện dịch vụ cho việc duy trì nguồn nước, bảo vệ đất, chống bồi lắng lòng hồ cho sản xuất thủy điện hoặc một số dịch vụ khác, như: Cung cấp nước sạch, cung cấp nước công nghiệp, du lịch sinh thái ở quy mô nhỏ, chiếm tỷ trọng thấp. Hiện còn nhiều dư địa, tiềm năng lớn cho phát triển dịch vụ môi trường rừng, như: Dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững.
Để tiếp tục phát huy tiềm năng từ dịch vụ môi trường rừng, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định tại các nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan hoặc ban hành các nghị định, thông tư mới. Trong đó, Bộ sẽ tập trung vào mở rộng đối tượng dịch vụ môi trường rừng đã và đang thực hiện và tổ chức thực hiện các loại hình dịch vụ mới: Dịch vụ kinh doanh du lịch sinh thái bên ngoài phạm vi khu rừng, nhưng có sử dụng vẻ đẹp cảnh quan do rừng tạo ra; dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon đối với tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn và bán tín chỉ các bon ra thị trường thế giới.
Thu Hương
Bình luận