Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ hai, 08/07/2024 06:07
TMO - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai thực hiện tại tỉnh Sơn La từ năm 2008 đã đóng góp hiệu quả trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, được nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đồng tình ủng hộ.
Tỉnh Sơn La có 694.741 ha rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp, chiếm 49,24% diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong đó, hơn 350.000 ha rừng được giao cho trên 2.000 cộng đồng, tổ chức đoàn thể của các bản quản lý. Hằng năm, các chủ rừng được chi trả từ 90-130 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng, chiếm trên 50% tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng của toàn tỉnh.
Năm 2008, tỉnh Sơn La và Lâm Đồng được Chính phủ chỉ đạo triển khai chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) để tạo cơ sở cho việc xây dựng khung pháp lý về chính sách chi trả DVMTR áp dụng trên phạm vi cả nước theo hướng xác định rõ lợi ích, quyền hạn và nghĩa vụ của các đối tượng được chi trả và phải chi trả DVMTR; thực hiện xã hội hóa nghề rừng, từng bước tạo lập cơ sở kinh tế bền vững cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ, đặc biệt là bảo đảm nguồn nước cho sản xuất điện, nước và các hoạt động kinh doanh du lịch.
Chính sách chi trả DVMTR được triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh Sơn La trong những năm qua. Ảnh: LH.
Để triển khai thực hiện chính sách, ngày 8/6/2009, UBND tỉnh có Quyết định số 1535/QĐ-UBND thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La. Mục tiêu là huy động các nguồn lực của xã hội để bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác bảo vệ, phát triển rừng của những người được hưởng lợi từ rừng, hoặc có các hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến rừng; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cho các chủ rừng, góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai thực hiện tại tỉnh Sơn La đã đóng góp hiệu quả, tích cực trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, được nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đồng tình ủng hộ; được các cơ quan quản lý, các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá rất cao. Giai đoạn 2009-2023, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã thu trên 2.262 tỷ đồng, chi trả cho gần 40.000 chủ rừng trực tiếp tham gia quản lý bảo vệ và phát triển rừng, từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống người làm nghề rừng, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh lên 47,5%.
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả chính sách chi trả DVMTR, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành kế hoạch 273/KH-UBND ngày 19/11/2021 về xây dựng, nhân rộng mô hình quy chế quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng tại thôn, bản, với mục tiêu “Xây dựng bộ quy ước được thống nhất bởi tất cả các thành viên trong cộng đồng, nhằm phát huy vai trò tự quản của cộng đồng trong quản lý, sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh".
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.073 quy chế sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng; đây là nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, các cộng đồng thôn, bản trên địa bàn, hướng tới mục tiêu quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng hiệu quả, công khai, minh bạch. Giai đoạn 2021-2023, khi triển khai xây dựng quy chế, các cộng đồng đã sử dụng trên 291 tỷ đồng. Trong đó, chi cho quản lý, bảo vệ rừng gần 74 tỷ đồng, chiếm khoảng 25%; chi hỗ trợ nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình trên 50 tỷ đồng, chiếm trên 17%; chi cho xây dựng trên 5.000 công trình phúc lợi, công trình nông thôn mới với số tiền gần 110 tỷ đồng, chiếm gần 38%; chi cho nhóm tiết kiệm và các nội dung khác phục vụ cộng đồng gần 57 tỷ đồng, chiếm khoảng 20%.
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng sâu rộng đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến cho đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
Mở rộng, nuôi dưỡng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng, gắn với quản lý, sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng phục vụ quản lý rừng bền vững, nâng cao đời sống người dân. Phối hợp bổ sung, hoàn thiện quy chế phù hợp với Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dịch vụ môi trường rừng. Rà soát kiến nghị cấp thẩm quyền bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế về dịch vụ môi trường rừng. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác chi trả DVMTR. Ảnh: NT.
Tổ chức quản lý đồng bộ về dữ liệu đất đai, dữ liệu rừng trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung cho công tác triển khai thực hiện rà soát, điều chỉnh, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp của chủ rừng để phục vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng chính xác, đúng đối tượng. Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn để quản lý, sử dụng tiền DVMTR đảm bảo đúng quy định, đúng mục đích; thường xuyên, kiểm tra, giám sát việc sử dụng tiền DVMTR của các chủ rừng đạt hiệu quả cao nhất, bảo đảm mục tiêu cải thiện sinh kế cho người dân tham gia giữ rừng, phục vụ công tác bảo vệ, phát triển và quản lý rừng bền vững.
Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành, hỗ trợ quản lý, bảo vệ cho gần 7,3 triệu héc-ta rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng, chiếm 49,24% tổng diện tích rừng toàn quốc…
Ngành lâm nghiệp đang tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường theo Nghị định số 156/2018/NÐ-CP và thí điểm thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ theo Nghị định số 107/2022/NÐ-CP của Chính phủ bảo đảm thu đúng, thu đủ và chi trả kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Phấn đấu đạt mục tiêu thu tiền dịch vụ môi trường rừng toàn quốc năm 2024 (theo Nghị định số 156/2018/NÐ-CP) là 3.200 tỷ đồng; đồng thời, bảo đảm duy trì 7,3 triệu héc-ta rừng trong lưu vực cung ứng dịch vụ môi trường rừng, chiếm 49,24% tổng diện tích rừng của cả nước. Cùng với đó, nghiên cứu đề xuất tăng mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với cơ sở sản xuất thủy điện và cơ sở sản xuất nước sạch theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NÐ-CP của Chính phủ.
Ðể nâng cao hơn nữa hiệu quả của dịch vụ môi trường rừng, ngành lâm nghiệp đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan đến Luật Lâm nghiệp, trong đó phân cấp cho UBND cấp tỉnh quy định các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng từ bao nhiêu mét khối nước/năm trở lên sẽ thuộc đối tượng phải nộp tiền dịch vụ môi trường rừng và danh sách các ngành nghề sản xuất công nghiệp phải thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo các địa phương có rừng đẩy nhanh công tác đồng bộ diện tích rừng chi trả dịch vụ môi trường rừng với kết quả theo dõi diễn biến rừng, nhằm bảo đảm tính thống nhất về diện tích, trạng thái, nguồn gốc rừng để phục vụ cho công tác xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng hằng năm bảo đảm theo quy định. Tập trung rà soát diện tích rừng, để diện tích rừng đưa vào chi trả dịch vụ môi trường rừng bảo đảm các tiêu chí, điều kiện theo quy định, trong đó chú trọng đến diện tích của chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng để tăng thu nhập cho người dân, góp phần nâng tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Thanh Nga
Bình luận