Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 12:11
Thứ bảy, 26/03/2022 21:03
TMO - Từng là cứ địa quan trọng trong chiến tranh, núi Cơm nay thuộc thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đang được định hướng quy hoạch thành công viên, khai thác du lịch.
Núi Cơm còn gọi là Phong Phạn - tên do vua Lê Thánh Tông đặt vào cuối thế kỷ XV khi ngự thuyền trên sông Lam và lên đây vãn cảnh. Núi cao 30m, hình nón với diện tích đáy hơn 2.600 m2. Núi Cơm kết hợp với hai di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh là bến đò Gia Lách - mố bờ Nam cầu phao Bến Thủy và cây đa Gia Lách, tạo nên một quần thể danh thắng nổi tiếng của Hà Tĩnh.
Núi Cơm nằm bên dòng sông Lam ghi dấu nhiều sử tích
Theo sử sách, núi Cơm là chứng tích của nhiều sự kiện lịch sử tại Nghệ Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay). Ngày quốc tế Lao động 1/5/1930, để hưởng ứng phong trào đấu tranh của công nhân các nhà máy ở Vinh - Bến Thủy, Đảng bộ Hà Tĩnh đã giao nhiệm vụ cho ba đội viên cảm tử của đội tự vệ Đỏ là Nguyễn Tiến, Nguyễn Cảnh, Lê Tịnh, bí mật trèo lên đỉnh núi Cơm cắm cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn kêu gọi, cổ vũ hàng chục nghìn người dân vùng lên đấu tranh.
Cột cờ được cắm trên đỉnh núi Cơm
Sáng hôm sau, trên đỉnh núi Cơm, cờ đỏ búa liềm tung bay cổ vũ cho các đoàn công nhân biểu tình, đi vào các nhà máy đòi tiền lương, giảm giờ làm khiến thực dân phong kiến căm tức. Địch sau đó chỉ đạo tay sai trèo lên đỉnh núi hạ cờ xuống, nhưng không ai dám tiến gần ngọn núi vì sợ mai phục.
Trong chiến tranh chống Mỹ, do nằm án ngữ trục đường bộ Bắc Nam và tuyến đường thủy, núi Cơm được chọn làm căn cứ tiền tiêu của lực lượng biên phòng. Ngày 5/8/1964, máy bay Mỹ đánh phá Vinh, bộ đội chủ lực đã phối hợp với dân địa phương đặt một đài quan sát cùng trung đội súng phòng không trên núi.
Từ năm 1964 đến 1973, có ngày khu vực núi Cơm, phà Bến Thủy bị máy bay, tàu chiến của địch đánh phá, quần thảo liên tục. Hàng nghìn tấn bom đạn, hàng trăm quả thủy lôi, pháo sáng đã thả xuống nơi này để chặt đứt đường chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam.
Mố bờ nam cầu Bến Thủy, chứng tích gắn liền với những năm tháng chiến tranh tại núi Cơm
Để đảm bảo cho nhiều binh đoàn và những chuyến phà vượt sông Lam an toàn, công binh đã khoét sâu dưới chân núi hệ thống giao thông hào, đào hầm xuyên núi để cất giấu khí tài, xe pháo. Ngoài ra, trên sườn núi, bộ đội còn tạo hầm sâu đặt một ngọn đèn làm hoa tiêu cho phà vượt sông từ bờ Bắc (Nghệ An) sang bờ Nam (Hà Tĩnh) vào ban đêm an toàn.
Ngày nay tại khu vực di tích núi Cơm đã mọc lên nhiều nhà máy, xí nghiệp, khách sạn cao tầng, giao thông thông thoáng. Đi trên hai cây cầu Bến Thủy 1 và 2 nhìn về ngọn núi Cơm giống như một tấm bia đá hiện hữu với thời gian, đứng hiên ngang bên dòng sông Lam lịch sử.
Tố Uyên
Bình luận