Hotline: 0941068156
Thứ năm, 29/05/2025 16:05
Thứ tư, 28/05/2025 11:05
TMO - Hiện nay, người mắc Covid-19 tại Việt Nam không còn bị bắt buộc cách ly y tế như trước. Bên cạnh đó, người dân được khuyến khích duy trì thực hiện "2K" – Khẩu trang và Khử khuẩn, đặc biệt tại nơi công cộng, đông người và các cơ sở y tế.
Trước tình hình bệnh Covid-19 có xu hướng gia tăng, Bộ Y tế khuyến cáo người bệnh nên tự cách ly tại nơi lưu trú ít nhất 5 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên hoặc từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính, và tiếp tục đeo khẩu trang đến hết ngày thứ 10 để hạn chế nguy cơ lây lan cho người xung quanh.
Theo thống kê từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã ghi nhận rải rác 641 trường hợp mắc COVID-19, tại 39 tỉnh, thành phố, không có ca tử vong. Trong đó một số tỉnh, thành phố có ca mắc cao như: TP Hà Nội đã ghi nhận 153 ca mắc, TP Hải Phòng 138 ca, TP Hồ Chí Minh 80 ca, Quảng Ninh 46 ca.
Việt Nam hiện vẫn đang kiểm soát tốt dịch Covid-19. Tuy nhiên, để ứng phó linh hoạt trong giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành một loạt văn bản hướng dẫn về dự phòng, điều trị, phòng chống lây nhiễm.
Trong đó, Quyết định 3985 ngày 29/10/2023 là văn bản mới nhất, quy định các biện pháp giám sát và phòng, chống Covid-19 trong cộng đồng mà người dân cần lưu ý. Theo hướng dẫn, người mắc Covid-19 không bị bắt buộc cách ly y tế như giai đoạn trước.
Người nghi ngờ mắc bệnh, đặc biệt thuộc nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, có bệnh nền, phụ nữ mang thai… nên xét nghiệm sớm để được hướng dẫn điều trị phù hợp. Bộ Y tế tiếp tục khuyến khích người dân thực hiện 2K – Khẩu trang và Khử khuẩn, đặc biệt tại nơi công cộng, đông người và các cơ sở y tế. Ngoài ra, cần duy trì thông khí nơi ở, làm việc, tránh tiếp xúc với người có triệu chứng hô hấp…
Về việc xác định ổ dịch Covid-19, Bộ Y tế cho biết, ca nghi ngờ là người có triệu chứng sốt, ho, hoặc các biểu hiện viêm đường hô hấp. Ca xác định là người có xét nghiệm PCR hoặc test nhanh dương tính với SARS-CoV-2. Ổ dịch Covid-19 được xác định khi có từ 2 ca bệnh trở lên có liên quan dịch tễ, trong đó ít nhất một ca xác định. Ổ dịch được coi là kết thúc khi sau 8 ngày không ghi nhận ca mắc mới.
Thời điểm hiện tại, người mắc Covid-19 không còn phải cách ly bắt buộc.
Trước đó, từ ngày 5/5/2023, Tổ chức y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu. Như vậy, hướng dẫn phòng chống dịch hiện nay của Bộ Y tế tập trung vào việc giám sát, ứng phó linh hoạt và quản lý dịch bệnh Covid-19 một cách bền vững, thay vì các biện pháp phong tỏa, giãn cách nghiêm ngặt như trước đây. Các địa phương, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp… được yêu cầu chủ động theo dõi tình hình dịch, phối hợp với cơ quan y tế khi xuất hiện ca bệnh, đồng thời lồng ghép giám sát Covid-19 với các bệnh hô hấp khác như cúm mùa, viêm phổi do vi rút.
Theo chia sẻ của chuyên gia ngành Y tế, hiện nay, Covid-19 là bệnh lưu hành, được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B. Bệnh không mất đi, vì thế sẽ có lúc tăng, lúc giảm số ca mắc, thậm chí có tính chất chu kỳ như cúm. Tình hình hiện nay chưa có dấu hiệu đáng lo ngại. Dịch vẫn tồn tại trong cộng đồng với các ca bệnh rải rác nhưng chưa ghi nhận trường hợp nặng hay tử vong. Biến thể đang lưu hành chủ yếu của Covid-19 hiện vẫn là chủng nhẹ của Omicron.
Tại TP Hồ Chí Minh, đã ghi nhận biến thể NB.1.8.1 ở đa số ca mắc COVID-19. Đây là một biến thể đang được theo dõi có các đột biến liên quan đến khả năng lây truyền cao hơn. Hà Nội cũng đang lo ngại sự lây lan với biến thể XEC của chủng Omicron, là chủng nguy cơ thấp, nhưng dự báo thời gian tới, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội có thể tiếp tục gia tăng, liên quan tới biến thể này.
Bích Hạnh
Bình luận