Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 20/06/2025 02:06
Thứ hai, 09/06/2025 09:06
TMO – Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển bền vững kinh tế biển, với tinh thần "Nhà nước dẫn dắt – doanh nghiệp tiên phong – người dân đồng hành – tổ chức quốc tế kiến tạo và hỗ trợ", tạo ra hệ sinh thái tài chính đại dương xanh, trong đó Việt Nam sẵn sàng tiên phong thí điểm mô hình này.
Như đã thông tin, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao về Đại dương của Liên Hợp Quốc lần thứ 3 (UNOC 3) tại Pháp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn Kinh tế và Tài chính xanh tại Monaco hôm 8/6.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của Diễn đàn là "Diễn đàn của tinh thần đoàn kết, nơi các quốc gia và khu vực tư nhân cùng nhau đầu tư để tái tạo nền kinh tế đại dương". Thủ tướng Chính phủ cho rằng biển không chỉ là nguồn tài nguyên, là nơi khởi nguồn của sự sống, mà còn là không gian sinh tồn kết nối con người với thiên nhiên của mọi quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Kinh tế và Tài chính xanh. Ảnh: QH
Đối với Việt Nam, là quốc gia có hơn 3.000 km bờ biển, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, biển không chỉ là một khái niệm địa lý, mà còn là bản sắc văn hóa và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Phát triển kinh tế biển hiệu quả, bền vững là yêu cầu khách quan, là đòi hỏi tất yếu, là lựa chọn chiến lược để đưa Việt Nam "vượt sóng ra khơi", hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia biển mạnh và trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Mỗi quốc gia, dân tộc tuy khác nhau về thể chế chính trị, trình độ phát triển kinh tế, bản sắc văn hóa, xã hội, nhưng có chung một sứ mệnh là "cùng nhau gìn giữ, bảo vệ đại dương xanh cho hôm nay và mai sau" để biển cả mãi mãi là không gian sinh tồn của sự sống và phát triển thuận thiên bền vững.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ ra nghịch lý và cảnh báo nghiêm trọng về hiện trạng các mục tiêu bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương có mức đầu tư thấp nhất trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc trong khi đại dương chiếm đến 70% bề mặt Trái đất. Để giải quyết tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề xuất cách tiếp cận toàn dân, toàn diện, toàn cầu; với quan điểm công bằng, bình đẳng, bao trùm và bền vững; cùng nhau bảo tồn và phát triển đại dương xanh. Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần tập trung nguồn lực để tăng cường cho 3 lĩnh vực chính.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế và Tài chính xanh. Ảnh: QH
Cụ thể: (1) Tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học biển, trong đó đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, hợp tác nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm, chung tay xây dựng hệ thống dữ liệu biển toàn cầu. (2) Tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển bền vững kinh tế biển, với tinh thần "Nhà nước dẫn dắt – doanh nghiệp tiên phong – người dân đồng hành – tổ chức quốc tế kiến tạo và hỗ trợ", tạo ra hệ sinh thái tài chính đại dương xanh, trong đó Việt Nam sẵn sàng tiên phong thí điểm mô hình này. (3) Tăng cường kết nối liên lục địa, liên khu vực, liên quốc gia và quản trị toàn cầu đại dương xanh, trên tinh thần lấy "Liên Hợp Quốc làm trung tâm - luật pháp quốc tế làm nền tảng - hợp tác quốc tế làm động lực dẫn dắt" để hình thành các "cực tăng trưởng biển xanh", kết nối các trung tâm kinh tế biển toàn cầu, trong đó Việt Nam sẵn sàng tham gia và đóng góp tích cực để phát triển mạng lưới quan trọng này tại Biển Đông, một vùng biển chiến lược của thế giới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định cam kết mạnh mẽ Việt Nam luôn là đối tác tin cậy, sẵn sàng đồng hành trong nỗ lực toàn cầu bảo vệ đại dương; là đối tác tích cực, sẵn sàng tham gia, dẫn dắt trong các cơ chế hợp tác về biển và là đối tác trách nhiệm, sẵn sàng đóng góp trong các sáng kiến tài chính xanh công bằng và bền vững.
Cũng tại Diễn đàn, nhiều diễn giả, chuyên gia quốc tế đã trao đổi về các chiến lược, chính sách, sáng kiến về tài chính để thu hút đầu tư và các giải pháp kinh tế xanh, cho thấy quyết tâm và hành động cụ thể của chính phủ các nước trong việc huy động vốn cho bảo vệ, bảo tồn biển và đại dương. Lãnh đạo các nước khẳng định bảo vệ biển và đầu tư bền vững không chỉ là công việc của các quốc gia có biển và từ nguồn tài chính công, mà cần có sự tham gia của tất cả các quốc gia và với nguồn lực đa dạng. Mục tiêu phát triển bền vững không chỉ là lời nói, mà cần hành động thiết thực.
Một số nước cho biết đã dành kinh phí lập quỹ bảo tồn đại dương; đồng thời xây dựng các chương trình, dự án về bảo vệ và phục hồi thiên nhiên; thúc đẩy bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn các đầm lầy, đối phó với khủng hoảng khí hậu. Thông qua các nỗ lực này, các nhà lãnh đạo thế giới đã thể hiện quyết tâm cao và truyền tải thông điệp mạnh mẽ "Gìn giữ biển chính là đảm bảo tương lai của nhân loại…
Trước đó, sáng 5/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn Đại biểu Cấp cao Việt Nam lên đường tham dự Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc lần thứ 3 (UNOC 3), tiến hành các hoạt động song phương tại Cộng hòa Pháp; thăm chính thức Cộng hòa Estonia và Vương quốc Thụy Điển từ ngày 5-14/6, theo lời mời của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel, Thủ tướng Cộng hòa Estonia Kristen Michal, Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson.
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị Đại dương của Liên hợp quốc, là chuyến thăm Pháp đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 10/2024, tiếp nối chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp E. Macron trong tháng 5/2025 vừa qua; là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ đến Estonia kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992; đồng thời là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ đến Thụy Điển trong vòng 7 năm qua.
TÚ QUYÊN
Bình luận