Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 16:01
Thứ năm, 06/06/2024 08:06
TMO - Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã nghiên cứu, chế tạo thành công máy gieo hạt đa năng có thể gieo cấy nhiều loại hạt. Không chỉ vậy máy còn có tác dụng làm đất, rạch hàng, gieo hạt, lấp đất để giảm khâu canh tác và rút ngắn thời gian xuống giống cho bà con nông dân.
Thông tin từ Tổng Cục Thống Kê, ĐBSCL là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam với diện tích tự nhiên 4.092,2 nghìn ha, trong đó 2.575,2 nghìn ha đất dùng cho sản xuất nông nghiệp, chiếm 62,9% tổng diện tích đất tự nhiên của cả vùng. Phần lớn diện tích đồng bằng được bồi đắp phù sa hằng năm, rất màu mỡ, sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, tạo điều kiện thuận lợi cung cấp nước cho sản xuất lúa và cây hoa màu. Với những lợi thế đó, Đồng bằng sông Cửu Long tập trung sản xuất lúa và cây nông nghiệp lớn trong cả nước.
Trong điều kiện kinh tế, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu cơ giới hoá trong nông nghiệp của cùng ĐBSCL và các vùng khác trên cả nước ngày càng cần thiết. Trước tình hình đó Viện lúa ĐBSCL đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu, chế tạo máy gieo hạt đa năng phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”.
Thông tin từ chủ nhiệm đề tài này cho biết, Hậu Giang là một tỉnh thuộc ĐBSCL, có tổng diện tích gieo trồng lúa gần 200.000ha, năng suất trung bình đạt gần 70 tạ/ha. Tuy nhiên, năng suất lúa vụ 3 còn thấp và người trồng lúa có thu nhập không tương xứng với công sức làm ra. Bên cạnh đó, để giúp tăng thu nhập cho người dân, tỉnh Hậu Giang xác định cần phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp hướng tới công nghệ cao, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Do đó tỉnh Hậu Giang đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa, thay vào đó là trồng đậu nành và ngô để tăng hiệu quả kinh tế. Đây cũng là những cây trồng phù hợp ở Hậu Giang. Tuy nhiên một vấn đề đặt ra đó là trong quá trình canh tác, với diện tích rộng lớn, nếu chỉ gieo hạt giống bằng sức người thì sẽ tốn rất nhiều thời gian.
Mặc dù ở ĐBSCL đã có một số công trình nghiên cứu ứng dụng cơ giới hóa trong gieo hạt bắp và đậu, như máy gieo hạt khí động, máy gieo ngô (bắp) không sới đất, thiết bị gieo bắp đẩy tay, máy gieo ngô, bón phân,…Tuy nhiên các mẫu máy này làm việc đơn chức năng, chỉ gieo được một loại hạt nhất định hoặc phải liên hợp với máy kéo có công suất lớn, nên chưa đáp ứng được yêu cầu trong sản xuất ở ĐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng.
Do đó để đáp ứng nhu cầu của người nông dân thì máy gieo hạt cần có kích cỡ vừa phải, hoạt động được trên nền đất yếu, đồng thời máy phải gieo được nhiều loại hạt với các mật độ gieo khác nhau, sử dụng được đa chức năng (phay đất - rạch hàng - gieo hạt - lấp đất) để giảm các khâu canh tác và rút ngắn thời gian xuống giống. Trước tình hình đó, nhóm nghiên cứu của Viện lúa ĐBSCL đã sử dụng một số vật liệu chế tạo như thép không gỉ, thép hộp, nhựa Polypropylen (PP), nhựa trong, mica, bulong, que hàn, dầu bôi trơn (nhớt),… để hoàn thiện máy gieo hạt đa năng GHĐN-HG4.
Thông tin từ nhóm nghiên cứu, cấu tạo máy gồm động cơ diesel 16HP, cụm phay đất; cụm đĩa gieo hạt, rạch hàng, lấp hạt; hệ thống di động, điều khiển. Máy được điều khiển bởi người đi bộ phía sau máy. Bộ đĩa của phận gieo hạt có thể thay đổi để điều chỉnh khoảng cách giữa hạt với hạt, giữa bụi với bụi, phù hợp theo yêu cầu của từng loại cây khác nhau và tỷ lệ gieo sót dưới 5%.
Các cán bộ, nhóm nghiên cứu chế tạo máy gieo hạt đa năng gieo thử nghiệm trên cánh đồng tại Hậu Giang. Ảnh: HX.
Trong quá trình máy hoạt động, làm việc, dao phay sẽ phay đất với độ sâu từ 30 - 50cm, bề rộng trung bình 120m, tạo những luống phay, đĩa rạch hàng thì tạo rãnh giữa luống phay. Đĩa gieo hạt nhận chuyển động từ bánh gieo hạt, thông qua bộ truyền động làm cho đĩa quay và các lỗ gieo nhận hạt từ khoang phụ, dịch chuyển đến vị trí nhả hạt, tại đây có cơ cấu nhấn hạt cưỡng bức, đẩy hạt khỏi đĩa gieo. Hạt sẽ trượt trong ống gieo, rơi vào giữa hai đĩa rạch hàng và được gạt đất kéo đất phủ lên hạt. Máy làm việc rất linh hoạt, có thể gieo từ 2 - 4 hàng; không chỉ gieo hạt trên nền đất lúa mà còn mở rộng sang các vùng đất khác.
Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu máy gieo hạt đa năng GHĐN-HG4 cho biết, việc chuẩn bị hạt giống để gieo cũng rất đơn giản, như với hạt bắp, người trồng chỉ cần ngâm qua đêm, để ráo trước khi gieo. Máy GHĐN-HG4 thực hiện đồng thời các công việc phay đất - rạch hàng - gieo hạt - lấp đất. Nên trước khi gieo cần xác định loại hạt giống, khoảng cách hàng, mật độ để chọn đĩa gieo thích hợp và điều chỉnh khoảng cách hàng phay, độ sâu phay.
Máy gieo hạt đa năng đã được khảo nghiệm sản xuất thực tế cánh đồng thuộc huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang với ngô, đậu nành, rau để kiểm chứng và đo đếm các chỉ tiêu, vận tốc di chuyển trung bình 2 km/h. Máy làm việc tốt, ổn định trên đồng, đạt các yêu cầu kỹ thuật cho cả hạt bắp và đậu nành; năng suất từ 0,1 - 0,2 ha/h; độ sót hạt ≤ 3%, không có hạt bị hư hỏng. Tỉ lệ hạt phát triển thành cây khi gieo bằng máy GHĐN-HG4 (92 - 96%), cao hơn so với gieo hạt thủ công (89 - 95%). Máy chỉ cần một người vận hành.
Hội đồng Khoa học và Công nghệ tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh của Hậu Giang, đã tiến hành đánh giá, nghiệm thu đề tài của nhóm tác giả. Qua báo cáo tổng kết và khảo sát thực tế quá trình vận hành máy trên đồng ruộng, hội đồng thống nhất thông qua đề tài. Đồng thời yêu cầu ban chủ nhiệm tiếp tục cải tiến, hoàn thiện thêm một số chức năng của máy để chuyển giao, ứng dụng hiệu quả rộng hơn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cũng như vùng ĐBSCL trong thời gian tới.
Linh Chi
Bình luận