Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ ba, 22/08/2023 13:08
TMO - Vườn quốc gia Bến En (Thanh Hóa) có hệ động, thực vật phong phú, đặc trưng cho hệ sinh thái nhiệt đới và là trung tâm bảo tồn những loài gen quý của Việt Nam. Đẩy mạnh nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học ở Vườn quốc gia Bến En được tỉnh Thanh Hóa chú trọng triển khai.
Vườn quốc gia Bến En nằm trên địa bàn 2 huyện miền núi Như Thanh và Như Xuân, thuộc khu vực chuyển tiếp từ vùng núi Tây Bắc và Bắc Trường Sơn. Được đánh giá là một trong những Vườn quốc gia (VQG) có tính đa dạng sinh học cao của Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung. Khu vực VQG này có sự đan xen của nhiều dạng địa hình đồi núi, sông, suối, hồ… đã tạo ra nhiều kiểu hệ sinh thái khác nhau (trong đó đặc trưng nổi bật nhất là hệ sinh thái rừng nhiệt đới thường xanh trên núi đất thấp, trên núi đá vôi và hệ sinh thái sông, suối, hồ).
Vườn có 46 loài thực vật, 56 loài động vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007. Đặc biệt, trong vườn hiện có trên 300 loài cây dược liệu quý như mã tiền, sa nhân, trẩu, màng lay, hương bài, thu hải đường... Với hệ sinh thái ngập nước, VQG này có hồ sông Mực rộng trên 2000ha, là thủy vực của bốn con suối lớn trong vùng. Ngoài ra, trên hồ còn có 21 hòn đảo lớn, kết hợp với hệ thống hang động, giàu tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Với hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, Vườn quốc gia Bến En ghi nhận mức độ đa dạng cao về các loài thực vật trên núi đá vôi, điển hình như ngành Mộc lan chiếm tỷ lệ lớn với nhiều loài cây có giá trị dược liệu.
Vườn quốc gia Bến En có hệ động, thực vật phong phú, đặc trưng cho hệ sinh thái nhiệt đới và là trung tâm bảo tồn những loài gen quý của Việt Nam.
Những năm qua, Vườn quốc gia Bến En đã chú trọng bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật, trong đó có loài lim xanh bản địa (cây lâm nghiệp đặc trưng, bản địa của tỉnh Thanh Hóa). Cây lim xanh mọc rải rác trên hầu hết các diện tích có rừng tự nhiên của VQG Bến En, với diện tích hơn 10.500 ha. Trong đó, lim xanh phân bố tập trung tại khu vực Điện Ngọc và Sông Chàng, diện tích trên 300 ha, có đường kính chủ yếu từ 30 - 45 cm.
Vườn quốc gia Bến En đã triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng đặc dụng và ưu tiên giám sát vùng phân bố tập trung loài lim xanh hiện có. Từ năm 2011 đến tháng 8-2023, bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, các chương trình hợp tác và tài trợ, VQG Bến En đã triển khai thực hiện nhiều dự án lâm sinh, trồng rừng bằng cây lim xanh. Đồng thời, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, hỗ trợ, hợp tác trồng, chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ rừng trên địa bàn kết hợp với phát triển kinh tế, du lịch sinh thái...
Kết quả, đến tháng 8/2023, VQG Bến En đã trồng được 302,7 ha cây lim xanh Trên cơ sở đánh giá cụ thể thực trạng, những khó khăn cũng như tiềm năng, thế mạnh, hiệu quả... trong bảo tồn và phát triển loài lim xanh, VQG Bến En tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu trồng 238 ha lim xanh trong giai đoạn 2023-2030. Trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho Nhân dân và cộng đồng về giá trị kinh tế, văn hóa, khoa học, môi trường... của cây lim xanh gắn với đời sống cộng đồng. Nghiên cứu, hợp tác chuyển giao công nghệ để tạo giống có chất lượng cao, sạch bệnh, với số lượng lớn, giá thành hạ, đáp ứng nhu cầu trồng rừng hàng năm.
Bên cạnh đó, để kịp thời bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học, Ban quản lý VQG Bến En đã đẩy mạnh triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học như: Đề tài thực hiện kỹ thuật gây trồng một số loài cây thuốc quý, điều tra các loại linh trưởng, bảo tồn và phát triển cây lim xanh; Dự án bảo tồn và phát triển loài sao lá to; Dự án giám sát một số loài thực vật chỉ thị quý hiếm; Đề tài nghiên cứu kỹ thuật gây trồng và phát triển loài chè vằng; Dự án bảo tồn và phát triển loài vù hương; điều tra, đánh giá hiện trạng và bảo tồn các loài chim nước; nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng sâm cau dưới tán rừng.
Các nhiệm vụ khoa học, điều tra, đánh giá hiện trạng các loài động, thực vật được đẩy mạnh thực hiện tại VQG. Ảnh: BTH.
Ban Quản lý VQG Bến En đang triển khai nhiệm vụ khoa học "Điều tra, đánh giá hiện trạng, tiềm năng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển lâm sản ngoài gỗ tại VQG Bến En (2022-2024)” nhằm xác định hiện trạng, bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên các loài lâm sản ngoài gỗ.
Theo đó, VQG đang điều tra sự phân bố, sinh cảnh sống của loài trên 50 tuyến với diện tích 2.000 m2/tuyến. Đồng thời, xác định mối đe dọa, đánh giá tác động của người dân vùng đệm đối với các loài lâm sản ngoài gỗ quý hiếm, có giá trị kinh tế cao và xây dựng bản đồ phân bố của một số loài lâm sản ngoài gỗ đặc hữu, quý hiếm, loài ưu tiên bảo vệ, từ đó xây dựng 600 bộ mẫu tiêu bản lâm sản ngoài gỗ của 200 loài và bộ ảnh màu tiêu bản của 200 loài. Đến tháng 7/2023, các kiểm lâm viên đã xác định được 527 loài thực vật cho lâm sản ngoài gỗ và 162 loài động vật được khai thác như lâm sản ngoài gỗ, qua đó lên phương án bảo tồn, xây dựng bản đồ phân bố các loài.
Ban Quản lý VQG Bến En xây dựng mô hình trồng 3 loài lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao gồm 600 cây trám đen, 4.000 cây sa nhân xanh, 8.890 cây sim. Thực hiện dự án này sẽ giúp Ban Quản lý VQG Bến En bảo tồn và phát triển bền vững các loài lâm sản ngoài gỗ tại tiểu khu rừng, góp phần bảo tồn các loài thực vật quý hiếm, bảo tồn đa dạng sinh học tại khu rừng Bến En.
Cùng với đó, Ban quản lý VQG này đang triển khai nhiệm vụ khoa học “Điều tra đánh giá thực trạng các loài thú gặm nhấm và xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát triển một số loài quý hiếm, có giá trị kinh tế tại VQG Bến En (giai đoạn 2022-2024)” nhằm bảo tồn các loài thú trong Bộ gặm nhấm (Rodentia). Thực hiện nhiệm vụ khoa học, các kiểm lâm viên tiến hành điều tra, đánh giá hiện trạng phân bố trên 60 tuyến; nghiên cứu về đặc điểm sinh cảnh sống, xác định các mối đe dọa đến các loài thú gặm nhấm tại các khu rừng Bến En.
Bên cạnh đó, các kiểm lâm viên tổ chức tập huấn nâng cao năng lực bảo tồn đa dạng sinh học cho 54 cán bộ của chính quyền địa phương, tổ chức 34 hội nghị tuyên truyền tại các thôn vùng đệm cho 2.380 người dân; nâng cao nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và các loài gặm nhấm nói riêng. Đến 6/2023, kiểm lâm viên đã phát hiện 27 loài thú thuộc bộ gặm nhấm thuộc 4 họ khác nhau gồm sóc cây, chuột, dúi và nhím, trong đó có nhiều loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam.
Thời gian tới, Ban quản lý VQG Bến En sẽ tiếp tục điều tra, giám sát và nuôi thử nghiệm thêm nhiều loài thú gặm nhấm khác để đánh giá toàn diện hơn. Từ đó, các bộ phận chức năng xác định được hiện trạng quần thể, bổ sung đặc điểm sinh học, sinh thái, vấn đề bảo tồn và phục hồi quần thể của các loài thú gặm nhấm hiện có.
Tại Phương án bảo tồn và phát triển bền vững VQG Bến En, giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh đặt mục tiêu bảo vệ hiệu quả diện tích rừng hiện có với trên 10.800ha rừng tự nhiên; tiếp tục duy trì ổn định độ che phủ rừng đạt trên 74%. Nâng cao khả năng, giá trị phòng hộ đầu nguồn và cung cấp nguồn sinh thủy cho hồ sông Mực.
Bảo tồn đa dạng sinh học, gìn giữ, phát triển các loài động, thực vật, nhất là 101 loài thực vật và 464 loài động vật quý, hiếm, đặc hữu, loài ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật, Sách đỏ Việt Nam và các Hiệp ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên (IUCN, CITES... ). Triển khai các hoạt động giao khoán bảo vệ rừng nhằm tăng cường sự hỗ trợ, tham gia của chính quyền các địa phương, cộng đồng. Triển khai các loại hình dịch vụ môi trường rừng để tạo thêm khoảng 1.000 việc làm cho người dân vùng đệm và người lao động trong đơn vị; Xây dựng, triển khai hiệu quả các dự án phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội...
Mai Ngọc
Bình luận