Hotline: 0941068156
Thứ ba, 14/01/2025 01:01
Thứ hai, 13/01/2025 06:01
TMO - UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các tổ chức trực tiếp quản lý, vận hành khai thác nước sinh hoạt phải tuân thủ các quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước, các yêu cầu về bảo vệ tài nguyên nước theo quy định pháp luật.
Theo đó, tại Quyết định số 45/QĐ-UBND nêu rõ danh mục vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An, gồm: Trạm cấp nước Con Cuông tại thị trấn Con Cuông do Công ty Cổ phần cấp nước Nghệ An trực tiếp quản lý, vận hành; Trạm cấp nước Thanh Chương tại thị trấn Thanh Chương do Công ty Cổ phần cấp nước Nghệ An trực tiếp quản lý, vận hành; Giếng khoan công trình khai thác nước của Công ty TNHH May Thanh Chương Matsuoka tại xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương do Công ty này trực tiếp quản lý, vận hành.
Giếng khoan khai thác nước của Công ty khai thác đá vôi Yabashi Việt Nam tại xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp do Công ty này trực tiếp quản lý, vận hành; Giếng khoan khai thác nước của Công ty Cổ phần Đầu tư và Chăn nuôi Nghĩa Bình tại xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ do Công ty này trực tiếp quản lý, vận hành.
Cống thu nước của Nhà máy nước Nghi Hoa tại huyện Nghi Lộc do Công ty Cổ phần cấp nước Cửa Lò trực tiếp quản lý, vận hành; Giếng khoan khai thác nước của Doanh nghiệp tư nhân Xứ Nghệ tại xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn do Doanh nghiệp này trực tiếp quản lý, vận hành; Giếng khoan khai thác nước của Công ty TNHH Mía đường Nghệ An tại xã Nghĩa Xuân, huyện Nghĩa Đàn do Công ty này trực tiếp quản lý, vận hành.
UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các tổ chức trực tiếp quản lý, vận hành khai thác nước sinh hoạt phải tuân thủ các quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước, các yêu cầu về bảo vệ tài nguyên nước theo quy định pháp luật.
Lắp đặt, cắm biển chỉ dẫn, bảo vệ biển chỉ dẫn về vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt đối với công trình của mình; bảo vệ nguồn nước mình đang trực tiếp khai thác, sử dụng; theo dõi, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình.
Trường hợp phát hiện hành vi gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm, không bảo đảm an toàn cho việc khai thác nước của công trình và các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước khác trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác thì phải kịp thời ngăn chặn, đồng thời báo cáo ngay đến chính quyền địa phương để xử lý, giải quyết. Đồng thời chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, UBND cấp xã nơi có công trình khai thác tài nguyên nước và các cơ quan liên quan xác định ranh giới phạm vi của vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình trên thực địa sau khi được phê duyệt và công bố.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm công bố trên phương tiện thông tin đại chúng ranh giới vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. (Ảnh minh hoạ: Internet).
Trong thời hạn 42 ngày làm việc kể từ ngày Quyết định phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt được ban hành, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức việc công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của địa phương và gửi UBND cấp huyện có liên quan tổ chức xác định ranh giới vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên thực địa.
UBND cấp huyện, UBND cấp xã (nơi có công trình khai thác tài nguyên nước) có trách nhiệm: Trong thời hạn 42 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, UBND cấp huyện gửi thông báo về kế hoạch xác định ranh giới vùng bảo hộ vệ sinh trên thực địa đến UBND cấp xã, tổ chức trực tiếp quản lý, vận hành công trình khai thác tài nguyên nước và các đơn vị có liên quan để phối hợp thực hiện việc xác định ranh giới phạm vi, vị trí đặt biển chỉ dẫn vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên thực địa.
Sau khi hoàn thành việc xác định ranh giới vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên thực địa, UBND cấp huyện gửi thông báo tới Sở Tài nguyên và Môi trường về kết quả hoàn thành. Cùng với đó, thực hiện xác định ranh giới vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên thực địa; thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước trên địa bàn.
Tiến hành tiếp nhận thông tin, giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước trên địa bàn theo thẩm quyền. Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt phải tuân thủ các quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo vệ tài nguyên nước mặt theo quy định pháp luật về tài nguyên nước, pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật.
(Ảnh minh hoạ).
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước. Trong đó nêu rõ các trường hợp phải xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.
Theo đó, từ ngày 1/7/2024, công trình khai thác nước để cấp nước cho sinh hoạt hoặc cấp nước cho nhiều mục đích, trong đó có cấp nước cho sinh hoạt (công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt) của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì phải xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, bao gồm: Công trình khai thác nước mặt có quy mô trên 100 m3/ngày đêm.
Công trình khai thác nước dưới đất có quy mô trên 10 m3/ngày đêm. Phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước mặt trên sông, suối, kênh, mương, rạch để cấp cho sinh hoạt là vùng thượng lưu, hạ lưu tính từ vị trí khai thác nước của công trình (bao gồm cả phần phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước sông, suối, kênh, mương, rạch mà công trình đó khai thác), được quy định cụ thể.
Trường hợp công trình khai thác nước có quy mô trên 100 m3/ngày đêm đến dưới 50.000 m3/ngày đêm thì phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt không nhỏ hơn 1.000 m về phía thượng lưu và không nhỏ hơn 100 m về phía hạ lưu đối với khu vực miền núi; không nhỏ hơn 800 m về phía thượng lưu và không nhỏ hơn 200 m về phía hạ lưu đối với khu vực đồng bằng, trung du;
Trường hợp công trình khai thác nước có quy mô từ 50.000 m3/ngày đêm trở lên thì phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt không nhỏ hơn 1.500 m về phía thượng lưu và không nhỏ hơn 100 m về phía hạ lưu đối với khu vực miền núi; không nhỏ hơn 1.000 m về phía thượng lưu và không nhỏ hơn 200 m về phía hạ lưu đối với khu vực đồng bằng, trung du.
Phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước mặt từ hồ chứa, đập dâng để cấp cho sinh hoạt được tính từ vị trí khai thác nước của công trình và được quy định như sau:
Không nhỏ hơn 1.500 m từ vị trí khai thác nước đối với trường hợp công trình khai thác nước từ hồ chứa, đập dâng trên sông, suối và không vượt quá chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước của hồ chứa, phạm vi bảo vệ đập; Toàn bộ khu vực lòng hồ đối với trường hợp công trình khai thác nước từ hồ chứa khác với quy định nêu trên.
Việc phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo ngăn ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nước của công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt và các chức năng khác của nguồn nước. Phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, địa chất thủy văn, chế độ dòng chảy, đặc điểm nguồn nước, quy mô khai thác, sơ đồ bố trí công trình và các đặc điểm khác liên quan đến việc bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt. Đồng thời phù hợp với hiện trạng sử dụng đất và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của khu vực có công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt của người dân trong khu vực.
Mai Hương
Bình luận