Hotline: 0941068156
Thứ ba, 05/11/2024 21:11
Thứ ba, 30/07/2024 08:07
TMO - Đến nay, đã có trên nửa triệu ha (chiếm hơn 57% tổng diện tích có rừng) của tỉnh Nghệ An được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người trồng rừng trong tỉnh.
Thông tin từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An, những năm qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã có tác động tích cực về mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã ký 52 hợp đồng uỷ thác (tại các cơ sở sản xuất thuỷ điện, sản xuất - cung ứng nước sạch, sản xuất công nghiệp) với tổng nguồn thu hơn 54,5 tỷ đồng. Đồng thời, đã tập trung thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2023 kịp thời, đúng quy định.
6 tháng qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã thực hiện nghiêm túc việc thu 47 tỷ đồng từ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo diện tích phát sinh được cấp có thẩm quyền cho phép và đã phân bổ gần 93 tỷ đồng cho các đơn vị/dự án (tương ứng với diện tích gần 5.219 ha). Đến nay, tổng diện tích trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh thực hiện là 4.625/ 4.845 ha được phê duyệt, đạt 95,5%
Trong quá trình thực hiện, Quỹ đã chủ động công tác theo dõi, giám sát, nắm bắt, cập nhật thường xuyên tình hình thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường, bảo vệ rừng của các chủ rừng; công tác trồng, chăm sóc rừng trồng thay thế của các dự án thông qua chế độ báo cáo hàng tháng kết hợp với công tác kiểm tra thực tế tại hiện trường. 6 tháng đầu năm 2024, Quỹ đã tổ chức 8 đợt kiểm tra, giám sát công tác trồng rừng thay thế, công tác bảo vệ rừng, chi trả trên địa bàn các huyện...
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã từng bước góp phần ổn định, đảm bảo diện tích rừng, duy trì độ che phủ của rừng, nâng cao chất lượng rừng và góp phần cải thiện chất lượng môi trường sinh thái. Diện tích giao khoán bảo vệ rừng có xu hướng tăng hàng năm. Tổng diện tích rừng được chi trả năm 2023 hơn 556.409 ha, tăng hơn 1.000 ha so với năm 2022.
Ngoài việc tác động tích cực đến an sinh xã hội - môi trường sinh thái, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần rất lớn vào công tác quản lý, bảo vệ rừng; nâng cao ý thức giữ rừng, hỗ trợ nguồn kinh phí hàng năm cho các đơn vị chủ rừng trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, đã tạo sinh kế cho chủ rừng là người dân vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng.
Việc triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 962.230,69 ha rừng, trong đó có 789.933,97 ha rừng tự nhiên, 172.296,52 ha rừng trồng, độ che phủ rừng đạt 58,36%. Trong những năm qua, công tác quản lý bảo vệ rừng theo hướng xã hội hóa nghề rừng, phát triển và sử dụng hợp lý tài nguyên rừng luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành lâm nghiệp Nghệ An hết sức quan tâm và tập trung chỉ đạo quyết liệt bằng nhiều giải pháp, biện pháp. Trong các biện pháp quản lý và bảo vệ rừng, đã xuất hiện mô hình bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng rất hiệu quả.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Nghệ An, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng hạn chế thì nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, trồng rừng thay thế đã duy trì sự ổn định, góp phần giảm áp lực cho ngân sách nhà nước trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Đồng thời, tạo ra nhiều việc làm, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, đời sống của người làm nghề rừng, người bảo vệ rừng, đặc biệt là đồng bào vùng núi cao, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, tăng độ che phủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh.
Năm 2023, nguồn thu của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An đạt hơn 123,6 tỷ đồng (đạt 102 % so với kế hoạch). Ngoài kinh phí chi trả tiền bảo vệ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng hàng năm (theo đơn giá của các lưu vực thuỷ điện) thì chính sách dịch vụ môi trường rừng cũng đã hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân phục vụ công tác bảo vệ rừng. Năm 2023, quỹ đã chi thanh toán đạt 116% so với kế hoạch được phê duyệt và đạt 100% số tiền thực phải chi cho các chủ rừng (tổng số tiền hơn 115,6 tỷ đồng).
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, số đối tượng được chi trả dịch vụ môi trường rừng gồm 20.938 chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng và có 1.310 hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Ngoài kinh phí được chi trả theo kế hoạch, quỹ tỉnh đã tham mưu hỗ trợ bổ sung đơn giá chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các lưu vực thuỷ điện.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An cho biết, năm 2024, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; chủ trì, phối hợp với hạt kiểm lâm xác định diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng cho hộ gia đình, cá nhân, công đồng dân cư. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm xác định diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng cho chủ rừng là tổ chức; thanh toán tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2023, tạm ứng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2024 cho các chủ rừng theo quy định.
Lê Sơn
Bình luận