Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 15/12/2024 02:12
Thứ tư, 06/11/2024 12:11
TMO - Với các ưu điểm nổi trội về công nghệ, môi trường và tính cạnh tranh trong kinh tế, điện mặt trời đã và đang phát triển rất nhanh. Với những ưu thế đó, tỉnh Nghệ An đã ban hành văn bản nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Trong những năm gần đây, nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam ngừng tăng lên. Trong khi đó, nguồn năng lượng truyền thống (năng lượng hóa thạch) đang dần bị khai thác cạn kiệt. Trước bối cảnh đó, việc tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch, là xu hướng tất yếu của thế giới cũng như Việt Nam. Trong đó điện mặt trời được cho là nguồn năng lượng sạch, vô tận và có sẵn cực kỳ thân thiện với môi trường. Các hệ thống, thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời đang được khuyến cáo sử dụng để bảo vệ môi trường trái đất.
Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Việt Nam và Cơ quan Hợp tác phát triển Tây Ban Nha (AECID), Nghệ An được đánh giá là một trong các địa phương tại Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng mặt trời với số giờ nắng trung bình đạt khoảng 1.700 - 2.000 giờ/năm, đặc biệt là từ tháng 4 cho đến tháng 10 hàng năm. Nghệ An được xếp vào nhóm các khu vực có số giờ nắng cao trên cả nước với lượng bức xạ mặt trời trung bình khoảng 4,73 kWh/m2/ngày.
Với điều kiện tự nhiên đó, mới đây UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành văn bản giao cho Sở Công thương thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ; đồng thời tham mưu để tổ chức triển khai các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh. Theo đó, tại Công văn số 9641/UBND- CN ngày 01/11, UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện Nghị định số 135/2024/NĐ-CP ngày 22/10/2024 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Người dân lắp đặt hệ thống điện mặt trời. (Ảnh minh hoạ: ĐĐK).
Đồng thời tham mưu để tổ chức triển khai các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 22/11/2024. Theo Nghị định số 135/NĐ-CP, các chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ gồm: Tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực và không giới hạn công suất trong các trường hợp: Không đấu nối với hệ thống điện quốc gia; lắp đặt hệ thống thiết bị chống phát ngược điện vào hệ thống điện quốc gia; hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất dưới 100 kW.
Tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất lắp đặt từ 1.000 kW trở lên và bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia, thực hiện thủ tục về quy hoạch điện lực (trừ trường hợp thuộc quy mô công suất theo quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch được phân bổ tại địa phương) và đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật. Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật thuế hiện hành.
Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được rút gọn các thủ tục hành chính theo quy định pháp luật chuyên ngành hiện hành. Công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật. Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia thuộc quy mô công suất theo quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch và điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia thuộc hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ có công suất dưới 100 kW nếu không dùng hết được bán điện dư lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế.
Việc sử dụng điện mặt trời từ hệ thống điện mặt trời mái nhà sẽ giúp doanh nghiệp, người dân chủ động được nguồn điện ổn định trong quá trình sản xuất kinh doanh, hưởng các lợi ích về kinh tế, tiết giảm kinh phí sản xuất. Bên cạnh đó, điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo, không phát sinh khí CO₂ hay các khí gây hiệu ứng nhà kính khác trong quá trình sản xuất điện. Điều này giúp giảm tác động tiêu cực đối với biến đổi khí hậu. Khi các hộ gia đình sử dụng điện mặt trời tự sản xuất, họ giảm tải cho hệ thống điện quốc gia, làm giảm áp lực cho lưới điện và giúp duy trì ổn định cung cấp năng lượng.
Hồng Mai
Bình luận