Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 01:11
Thứ hai, 29/04/2024 15:04
TMO - Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời tiết nắng nóng gay gắt, khiến ao hồ, sông suối một số nơi giảm sâu, độ ẩm trong không khí giảm thấp do đó nguy cơ cháy rừng trên các khu vực sẽ từ cấp III (cấp cao) đến cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm).
Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy rừng, cảnh báo cấp cháy rừng trên các khu vực rừng địa bàn tỉnh từ ngày 27/4 đến ngày 2/5: từ Cấp III (cấp cao) đến Cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Ban chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 vừa có thông báo cảnh báo.
Để chủ động ứng phó, hạn chế, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh, giai đoạn 2021-2025 đề nghị UBND các huyện, thành, thị; lực lượng kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc quy định tại: Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018; Công điện số 31/CĐ-TTg ngày 04/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); Công điện số 13/CĐ-CT.UBND ngày 19/4/2024 của UBND tỉnh về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 27/3/2024 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp PCCCR trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2024.
Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành, thị; lực lượng kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng... triển khai đồng bộ các giải pháp trong phòng chống cháy rừng.
Triển khai tốt công tác cảnh báo cháy rừng tại chòi canh lửa trên địa bàn tỉnh, theo dõi hệ thống thông tin cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm. Làm tốt công tác cảnh báo, dự báo cấp cháy rừng sớm đến chính quyền địa phương, chủ rừng và nhân dân để nâng cao cảnh giác, chủ động triển khai các biện pháp phù hợp.
Chủ động tổ chức việc ký kết hiệp đồng lực lượng và phương tiện với các đơn vị Quân đội, lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn để thống nhất cơ chế huy động lực lượng chữa cháy rừng trong các tình huống cháy rừng lớn xảy ra. Không để xảy ra tình trạng đốt nương, rẫy, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng và làm giảm vật liệu cháy trong rừng trên địa bàn vào những ngày có nguy cơ cháy rừng ở cấp IV và cấp V. Khi cháy rừng xảy ra, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND huyện, thành, thị có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo, điều động lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy chữa cháy theo phương án đã được phê duyệt.
Đối với các khu rừng gần với khu dân cư, kho tàng, khi xẩy ra cháy, phải chủ động có phương án di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân và các lực lượng khi tham gia chữa cháy rừng, điều tra, xác định rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy và xử lý nghiêm người có hành vi vi phạm theo đúng quy định.
Các địa phương xác định công tác phòng chống cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác (Ảnh minh họa).
Theo thống kê, trong quý I năm 2024, toàn tỉnh đã xảy ra 66 vụ cháy, sự cố cháy vừa và nhỏ, gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 500 triệu đồng. Trước nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, ngày 19/4 UBND tỉnh Nghệ An ban hành Công điện số 13/CĐ-UBND về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị liên quan chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Thực hiện kiểm tra, rà soát lực lượng, phương tiện, vật tư; xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cụ thể, chi tiết đầy đủ bảo đảm sát thực tiễn, đủ khả năng ứng phó với tình huống cháy rừng xảy ra; chủ động bố trí kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Cùng với đó, tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt thời kỳ cao điểm, các ngày nắng nóng có nguy cơ cháy rừng cao.
Rà soát, lập danh sách các khu rừng trọng điểm, có nguy cơ cháy cao, bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao (Khu mộ bà Hoàng Thị Loan, Khu lăng mộ Vua Mai Hắc Đế, Khu lâm viên núi Quyết, Khu vực Đền Cuông...).
Mỹ Hà
Bình luận