Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ sáu, 06/09/2024 18:09
TMO - Ngay từ sáng 6/9, chính quyền tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh Nghệ An đã tăng cường công tác chỉ đạo, huy động lực lượng chặt tỉa những cành cây, chằng chống những cây có nguy cơ gãy đổ, tìm mọi phương án gia cố nhà cửa, tàu bè và chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm để sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 3.
Theo đó, trước khi bão đổ bộ vào đất liền, người dân đã gia cố, chằng chống nhà cửa bằng nhiều vật liệu: bì cát, túi bóng đựng nước. Đối với các mái tôn không dốc và có khung vững chãi người dân dùng các túi nước khoảng 20 - 30 lít để dằn đè mái tôn, không để tốc mái.
Mưa lớn trong sáng nay khiến một số cây xanh tại các tuyến đường trên TP. Vinh bật gốc.
Anh Cường, trú tại huyện Nghi Lộc cho biết: “Nước được chúng tôi cho vào các bao tải, không bơm quá đầy để tạo thế nằm vững chãi, buộc chặt, cố định bằng dây, đè trên mái tôn. Từ chiều hôm qua chính quyền địa phương đã bắc loa tuyên truyền, vận động, nhiều tổ công tác chia ra nhiều vùng để hướng dẫn bà con cách ứng phó với bão. Chúng tôi chặt bớt những cành cây có nguy cơ dễ gãy đổ, nhiều nhà bỏ cát vào bao tải đè lên tôn, còn nhiều nơi dùng nước. Hi vọng bão sẽ suy yếu dần và sớm tan để không ảnh hưởng quá lớn đến đời sống của bà con nhân dân”.
Người dân chủ động chặt bỏ những cành cây dễ gãy đổ trước.
Người dân dùng túi đựng nước để đằn mái tôn tránh gió thổi bay.
Trước đó, trong sáng 5/9 lãnh đạo các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đi kiểm tra thực tế, đôn đốc công tác chuẩn bị ứng phó siêu bão số 3. Tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, kiểm tra những địa điểm ách yếu tại bản Ka Dưới, ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, Na Ngoi là một trong những xã có nguy cơ cao xảy ra nhiều điểm sạt lở núi khi xảy ra mưa lớn, mưa kéo dài.
Đặc biệt, từ sau cơn lũ quét tháng 10/2022, các tuyến đường đến xã biên giới này vừa mới cơ bản khắc phục xong hàng chục điểm sạt lở, cho nên, khi có dự báo mưa lũ, UBND huyện yêu cầu địa phương không lơ là, chủ quan, bám nắm địa bàn để nắm bắt tình hình kịp thời. Ông Thò Bá Rê cho biết: Đối với ứng phó nguy cơ ảnh hưởng lụt, bão, theo địa bàn đã được phân công từ đầu nhiệm kỳ, chúng tôi đều trực tiếp về tại xã, bản để nắm tình hình, đôn đốc công tác ứng phó.
Lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn cũng cho biết thêm, theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đến thời điểm này có 43 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở do ảnh hưởng từ các đợt mưa năm 2023 và đầu năm 2024. Trong đó, có 28 điểm đã bị sạt lở (21 điểm sạt lở núi và 7 điểm sạt lở bờ sông); có 15 điểm nguy cơ sạt lở núi, sạt lở bờ sông.
Lãnh đạo tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An chỉ đạo sát sao để giảm thiểu những thiệt hại từ cơn bão số 3.
Không chỉ ở huyện Kỳ Sơn, các huyện vùng núi cao khác cũng đang gấp rút kiểm tra, đôn đốc thôn, bản thu hoạch mùa màng, gia cố các điểm ách yếu trước khi dự báo có mưa lớn khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền. Ông Phan Trọng Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Phong cho biết: Tại huyện Quế Phong, sau khi ban hành công điện ứng phó với bão gần Biển Đông, chiều 4/9, lãnh đạo các phòng, ban UBND huyện đã trực tiếp đến các xã, thôn, bản để đôn đốc công tác chuẩn bị.
Trong đó, những điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở được yêu cầu theo dõi sát diễn biến của bão, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả theo phương châm "4 tại chỗ”. Từ chiều 5/9, UBND huyện ban hành công điện với các nội dung yêu cầu cụ thể hơn để các xã, các lực lượng triển khai các phương án ứng phó mưa bão.
Cùng với các địa phương, các đơn vị lực lượng vũ trang cũng gấp rút chỉ đạo thực hiện phương án ứng phó. Đại tá Hồ Quyết Thắng - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, các đơn vị Biên phòng đã sẵn sàng công tác hỗ trợ chính quyền, nhân dân phòng, chống thiên tai. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã ban hành 3 công điện chỉ đạo các đơn vị triển khai các phương án ứng phó với bão Yagi.
Cụ thể, chỉ đạo các đơn vị duy trì nghiêm túc các chế độ trực, đảm bảo quân số, phương tiện, hệ thống thông tin liên lạc, sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống có thể xảy ra. Tham mưu đề xuất UBND tỉnh ban hành lệnh cấm biển vào ngày 6/9 để đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản ngư dân.
Đại tá Hồ Quyết Thắng cho biết: “Đối với các đơn vị tuyến biên giới đất liền, chúng tôi yêu cầu triển khai lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ, đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để tuyên truyền, cảnh báo hoặc di dời nhân dân đến nơi an toàn. Cắt cử lực lượng phối hợp với địa phương kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện giúp dân khắc phục hậu quả do thiên tai. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác triển khai ứng phó bão số 3 tại các đơn vị trên địa bàn tỉnh”.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khuyến cao người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo bão. Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, cần gia cố, chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây. Ngoài ra, người dân cần chèn chống các cửa của nhà; loại bỏ những cây, cành bị chết, bị bệnh. Đồng thời, xác định các vật dụng trong sân nên mang vào trong nhà, vệ sinh máng nước mưa, gầm cầu thang ngoài, giếng cửa sổ, đường thoát nước, đường ống thoát nước…
Đồng thời, dự trữ nước uống, lương thực thực phẩm, thuốc men, các vật dụng cần thiết đủ để dùng ít nhất 7 ngày. Khi bão đổ bộ người dân không ở trên tàu, thuyền đã neo đậu, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, nên ở trong nhà, nơi trú ẩn, không đi ra ngoài. Đặc biệt lưu ý người dân không trú, tránh bão dưới gốc cây, cột điện, vật dễ đổ; đề phòng tai nạn do đổ nhà, cây cối, cột điện, các vật bị gió thổi bay, điện giật.../.
Mỹ Hà
.
Bình luận