Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ hai, 18/03/2024 07:03
TMO - Tại tỉnh Sóc Trăng, khi tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt, ngành Nông nghiệp địa phương này đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp nhằm thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn.
Những ngày qua, tại các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là đối với các tỉnh ven biển (trong đó có tỉnh Sóc Trăng), nắng nóng kéo dài đã xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân. Để chủ động ứng phó với nguy cơ xâm nhập mặn cao, thiếu nước ngọt cục bộ, ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã triển khai quyết liệt các giải pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn, nhằm đảm bảo nguồn nước cung cấp cho diện tích lúa Đông - Xuân muộn tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết, vụ lúa Đông - Xuân muộn, toàn tỉnh đã xuống giống 41.424ha, cao hơn cùng kỳ năm trước 34%, tập trung ở các huyện: Kế Sách, Mỹ Tú, Châu Thành, Thạnh Trị, Long Phú, Mỹ Xuyên và thành phố Sóc Trăng. Theo đó, trà lúa giai đoạn mạ 268ha; đẻ nhánh 13.860ha; đòng 16.798ha; trổ chín 10.474ha. Nhờ thực hiện sớm công tác phòng, chống xâm nhập mặn ngay từ đầu mùa khô nên ngành Nông nghiệp tỉnh đã chủ động tạo điều kiện để nông dân vùng có nguy cơ nhiễm mặn (Long Phú - Tiếp Nhựt) thực hiện thắng lợi vụ lúa Đông - Xuân, năm 2023 - 2024.
Ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo nguồn nước cho diện tích lúa gieo cấy vụ Đông Xuân muộn.
Tuy nhiên, do giá lúa tăng cao nên một số nông dân tiếp tục sản xuất vụ lúa Đông - Xuân muộn (vụ 3) vào thời điểm cao điểm xâm nhập mặn. Ghi nhận tại huyện Long Phú, trong vụ lúa Đông - Xuân muộn có 573ha lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước kết hợp ngộ độc phèn, trong đó ảnh hưởng mức độ 10 - 30% hơn 331ha; trên 30 - 70% hơn 209ha và có 32ha bị thiệt hại hoàn toàn trên lúa giai đoạn đẻ nhánh. Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, trong vụ lúa Đông - Xuân muộn, năm 2023 - 2024, nông dân đã xuống giống theo đúng lịch thời vụ.
Trong suốt quá trình canh tác lúa, nông dân cũng thường theo dõi thông tin độ mặn địa phương cập nhật trên Zalo, nhằm chủ động tích trữ nước cung cấp cho lúa. Hiện tại, lúa đang giai đoạn đòng trổ, đảm bảo đến lúc thu hoạch sẽ tránh được hạn, mặn. Trước dự báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn sẽ diễn ra gay gắt trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tranh thủ khi có nguồn nước ngọt trên sông sẽ vận hành mở cống đưa nước vào tích trữ trong các kênh, rạch, kênh nội đồng… và tăng cường công tác thông tin diễn biến độ mặn từng giờ, từng ngày đến nông dân trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook… để hộ dân tích trữ nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết, để chủ động ứng phó với cao điểm xâm nhập mặn, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo tại Công điện số 04/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Công điện số 19/CĐ-TTg, về việc tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại đồng bằng sông Cửu Long; chỉ thị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô, năm 2023 - 2024.
Cùng với đó, đơn vị sẽ thường xuyên cập nhật và thông tin kịp thời về tình hình nguồn nước, diễn biến xâm nhập mặn, lịch vận hành các cống trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Zalo… để người dân biết và chủ động kiểm tra, đo độ mặn nước trước khi bơm lấy nước trữ và bơm tưới. Tăng cường việc tích trữ nước nông hộ, chuẩn bị các phương tiện lấy nước phục vụ sản xuất khi có điều kiện. Thực hiện nạo vét các tuyến kênh trục để chủ động trong việc tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất; sửa chữa hệ thống công trình thủy lợi; phân công lực lượng trực cống 24/24 giờ để kịp thời đóng, mở cống lấy nước ngọt và ngăn nước mặn….
Đồng thời, yêu cầu các địa phương có diện tích cây ăn trái tăng cường khuyến cáo nhà vườn tiếp tục thực hiện việc trữ nước trong các ao, hồ, bảo đảm đủ nguồn nước cung cấp để duy trì sức sống tối thiểu của cây. Trước tình hình xâm nhập mặn đang bước vào giai đoạn đỉnh điểm thì nông dân, đặc biệt là các nhà vườn có diện tích trồng cây ăn trái phải quan tâm sâu sát bờ bao quanh vườn, tránh để nước mặn rò rỉ vào bên trong vườn, làm ảnh hưởng đến diện tích cây ăn trái tại hộ.
Các địa phương vận hành an toàn công trình phòng chống hạn mặn nhằm giữ nguồn nước ngọt cho sản xuất trên địa bàn.
Tại Sóc Trăng, khi tình hình hạn, mặn xâm nhập đang diễn ra gay gắt, nông dân ở nhiều địa phương có nhiều giải pháp nhằm thích ứng với hạn hán, mặn xâm nhập. Nổi bật trong đó là mô hình dự trữ nước ngọt trong ao, mương, mô hình tưới phun tiết kiệm nước và chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với hạn, mặn xâm nhập.
Tại huyện Long Phú, những ngày qua tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra phức tạp, nhiều diện tích lúa, cây ăn trái và rau màu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú cho biết, để thích ứng với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã triển khai nhiều giải pháp như khuyến cáo người dân sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, trữ nước ngọt ở các ao, mương vườn để phục vụ sản xuất,... Qua đó, mô hình dự trữ nước ngọt trong ao, mương đang đem lại hiệu quả tích cực.
Lãnh đạo UBND huyện Mỹ Xuyên cho biết, huyện luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng tới phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng, hình thành các mô hình sản xuất hiệu quả. Đặc biệt năm 2024, với dự báo mặn xâm nhập diễn biến gay gắt, UBND huyện đã chỉ đạo chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả ở những vùng có nguy cơ thiếu nước ngọt sản xuất (do mặn xâm nhập) chuyển sang trồng các loại rau màu nhằm tiết kiệm nước.
Tại xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, hằng năm mặn thường xuyên xâm nhập nên chính quyền địa phương đã khuyến khích nông dân đẩy mạnh chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng dưa hấu dưới ruộng. Hiện địa phương vận động nhân dân thực hiện gần 50 ha luân canh sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ màu để đảm bảo nguồn nước trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mặn xâm nhập, hạn hán và hạn chế tình hình dịch bệnh, sâu rầy.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, để đảm bảo an toàn cho sản xuất, Sở đề nghị ngành chức năng tỉnh, các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn để tăng cường vận hành công trình thủy lợi lấy và trữ nước ngọt trong nội đồng; khoanh vùng cụ thể các diện tích cây trồng, đặc biệt là cây ăn trái, nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn để trữ nước dự phòng.
Tỉnh Sóc Trăng hiện đang chủ động tăng cường công tác thông tin về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân ứng phó kịp thời; sử dụng nước ngọt tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời chia sẻ nguồn nước trong hoạt động sản xuất tại địa phương. Các địa phương chủ động kiểm tra nguồn nước trước khi lấy nước vào bơm, tưới trong sản xuất nông nghiệp. Người dân cần tuân thủ theo hướng dẫn, khuyến cáo của ngành chuyên môn trong thời gian diễn ra xâm nhập mặn. Ngành chức năng vận hành hợp lý công trình thủy lợi; đồng thời, khuyến cáo người dân tích trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Đức Minh
Bình luận