Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 15:12
Thứ hai, 17/06/2024 07:06
TMO - Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025 phấn đấu đón từ 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm.
Tín hiệu tích cực trong nửa đầu năm 2024 sẽ là cơ sở để ngành du lịch hoàn thành mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế. Theo Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 đạt gần 1,4 triệu lượt người, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, khách quốc tế đạt gần 7,6 triệu lượt người, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Châu Á vẫn là thị trường khách du lịch lớn nhất của Việt Nam với gần 5,9 triệu lượt khách, tăng 73,3%. Tiếp đến là châu Âu với hơn 976.000 lượt, tăng 57,1%; châu Mỹ là 460.100 lượt, tăng 16,2%; sau đó là châu Úc và châu Phi lần lượt là 233.100 lượt và 21.600 lượt, tăng 35,5% và 106,6 Chính sách thị thực thuận lợi, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 được các địa phương trên cả nước đẩy mạnh, thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.
Trong 5 tháng đầu năm, khách quốc tế đạt gần 7,6 triệu lượt người, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, điểm đến Việt Nam cũng được truyền thông quốc tế đánh giá cao. Tạp chí du lịch hàng đầu thế giới Lonely Planet đã đề xuất 10 điểm đến hấp dẫn hàng đầu sau khi tốt nghiệp dành cho sinh viên. Việt Nam góp mặt trong danh sách này với vị trí thứ 5. Giải thưởng Travelers' Choice Awards Best of the Best của nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Tripadvisor đã công bố danh sách 10 bãi biển hàng đầu châu Á. Bãi biển An Bàng xếp vị trí thứ 5 và Mỹ Khê xếp thứ 6 trong bảng xếp hạng này.
Gần đây nhất, tại lễ trao giải Giải thưởng MICE thế giới lần thứ 4 tổ chức ngày 6/3 tại Đức, Thành phố Hồ Chí Minh xuất sắc đạt danh hiệu "Điểm đến MICE tốt nhất châu Á 2023". Hội An giành danh hiệu "Điểm đến nghỉ dưỡng dành cho doanh nghiệp tốt nhất châu Á 2023". Tạp chí du lịch Travel+Leisure của Mỹ đã lựa chọn Việt Nam là một trong 8 quốc gia đáng sống, có chi phí phải chăng dành cho những người về hưu.
Bên cạnh đó, du khách có thể xin thị thực dài hạn dành cho người nước ngoài với thủ tục không quá phức tạp. Đặc biệt, dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao ở Việt Nam có giá rất phải chăng ở cả hệ thống công và tư. Hầu hết người nước ngoài đều có bảo hiểm y tế quốc tế và tận dụng các bệnh viện tư nhân.
Trước những tín hiệu khả quan từ thị trường khách quốc tế, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón từ 25-28 triệu lượt khách quốc tế và 130 triệu lượt khách nội địa vào năm 2025. Đến năm 2030, lượng khách quốc tế sẽ đạt 35 triệu lượt còn khách nội địa đạt 160 triệu lượt. Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Chính phủ phê duyệt nhấn mạnh đến mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.
Mục tiêu cụ thể, năm 2025, phấn đấu đón từ 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13 - 15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4 - 5%/năm. Phấn đấu năm 2025 đóng góp trực tiếp 8 - 9% trong GDP; đến năm 2030 đóng góp trực tiếp từ 13 - 14% trong GDP.
Theo Quy hoạch, đến năm 2025, du lịch tạo ra khoảng 6,3 triệu việc làm, trong đó khoảng 2,1 triệu việc làm trực tiếp; đến năm 2030 tạo ra khoảng 10,5 triệu việc làm, trong đó khoảng 3,5 triệu việc làm trực tiếp.Về văn hóa - xã hội, du lịch góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, tạo sinh kế cho cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao dân trí và đời sống tinh thần của người dân. Về môi trường, phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Đến năm 2030, 100% các khu, điểm du lịch; các cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy. Về an ninh, quốc phòng, du lịch góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, giữ vững an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Đến năm 2045, du lịch khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế; điểm đến nổi bật toàn cầu, trong nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Phấn đấu đón 70 triệu khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 7.300 nghìn tỷ đồng; đóng góp 17 - 18% trong GDP.
Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025 phấn đấu đón từ 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế.
Để Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, Chính phủ sẽ tập trung vào việc khai thác tối ưu tài nguyên du lịch biển đảo để phát triển các sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh canh với các nước trong khu vực về nghỉ dưỡng biển, sinh thái biển, du lịch tàu biển… Phát huy giá trị văn hóa vùng, miền làm nền tảng xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với di sản, lễ hội, tham quan và tìm hiểu lối sống, ẩm thực; kết nối các di sản Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới; gắn kết hiệu quả du lịch với công nghiệp văn hóa.
Phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái dựa trên lợi thế về tài nguyên tự nhiên, đặc biệt là tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và khu bảo tồn biển; coi trọng phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn, sinh thái miệt vườn, sinh thái hang động, sông, hồ.
Phát triển các sản phẩm du lịch gắn với các đô thị trung tâm: Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ; các đô thị đặc thù, như: Đô thị di sản Hội An (Quảng Nam), Huế (Thừa Thiên Huế); các đô thị trọng điểm phát triển du lịch, như: Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Phan Thiết (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang); chú trọng gắn kết du lịch với công nghiệp văn hóa và phát triển kinh tế ban đêm.
Bên cạnh đó, phát triển các loại hình du lịch mới theo hướng đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với những xu hướng mới của thị trường: du lịch kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và thẩm mỹ; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch thể thao, thể thao mạo hiểm; du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện (MICE); du lịch giáo dục; du lịch du thuyền; du lịch công nghiệp.
Phục hồi, giữ vững đà tăng trưởng của thị trường khách nội địa: Đối với thị trường nội địa, theo Quy hoạch, giai đoạn 2021-2025, phục hồi và giữ vững đà tăng trưởng của thị trường khách nội địa. Giai đoạn 2026 - 2030: Đẩy mạnh khai thác các phân đoạn thị trường chi trả cao, lưu trú dài ngày, các thị trường mới về du lịch golf, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm.
Với thị trường quốc tế, giai đoạn 2021-2025, phục hồi các thị trường truyền thống, kết hợp thu hút các thị trường mới nổi: Ấn Độ, các nước Trung Đông. Giai đoạn 2026-2030: Duy trì và mở rộng quy mô các thị trường truyền thống: các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Châu Âu, Bắc Mỹ, Nga và Đông Âu, Châu Đại dương; đa dạng hóa các thị trường, chuyển dịch theo hướng tăng thị phần khách có khả năng chi trả cao.
Theo quy hoạch, không gian du lịch Việt Nam sẽ phát triển gồm 6 vùng, 3 cực tăng trưởng, 8 khu vực động lực, 5 hành lang du lịch chính, 11 trung tâm du lịch. Từ nay đến năm 2030, 6 khu vực động lực chính sẽ được hình thành. Cụ thể, Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Ninh Bình sẽ gắn kết đa dạng và bổ trợ nhau về sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử với du lịch biển, di sản thế giới.
Khu vực Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh kết hợp du lịch gắn với sinh thái, di sản thế giới, văn hóa lịch sử, tín ngưỡng với du lịch biển, về nguồn, cộng đồng. Khu vực Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam dự kiến kết nối các di sản thế giới trong nước với quốc tế, gắn kết các sản phẩm du lịch văn hóa với đô thị và nghỉ dưỡng biển. Khu vực Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận - Bình Thuận sẽ liên kết với vùng Tây Nguyên để kết nối giữa du lịch nghỉ dưỡng núi với biển và văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Các khu vực còn lại ở Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ gắn du lịch với phát triển kinh tế ven biển hoặc phía nam.../.
Hà Vân
Bình luận