Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 10:11
Thứ năm, 02/11/2023 07:11
TMO - Bên cạnh những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, ngành chăn nuôi cũng đặt ra nhiều thách thức cho vấn đề bảo vệ môi trường và phát thải khí nhà kính.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành chăn nuôi ở Việt Nam đóng góp 25,26% vào GDP của ngành nông nghiệp và là một trong những phân ngành nông nghiệp phát triển nhanh nhất, kể cả trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Đến nay, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 thế giới về số lượng và đứng thứ 6 về sản lượng thịt. Do vậy, đã từ lâu, chăn nuôi được xác định là một ngành chủ lực, cần phải chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn.
Bên cạnh những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, ngành chăn nuôi cũng đặt ra nhiều thách thức cho vấn đề bảo vệ môi trường và phát thải khí nhà kính. Ước tính trung bình mỗi năm, các loại vật nuôi chính (trâu, bò, lợn, gia cầm) phát thải 61 triệu tấn phân và trên 304 triệu m³ nước thải. Nếu không được kiểm soát tốt, đây sẽ là nguồn phát thải hơn 15 triệu tấn CO2 tương đương hàng năm. Thực trạng trên đòi hỏi ngành chăn nuôi cần có những giải pháp nhằm ăng cường đối thoại chính sách và công nghệ trong quản lý môi trường ngành chăn nuôi theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính và chuyển dịch năng lượng.
Chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp quan trọng hướng tới mục tiêu đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Nhấn mạnh đến định hướng phát triển xanh trong ngành chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết: Sau cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), tất cả các Bộ, ngành, trong đó có Bộ NN&PTNT đã triển khai chương trình, kế hoạch rất đồng bộ. Đối với ngành chăn nuôi, Việt Nam đã có văn bản quy phạm pháp luật rất đầy đủ bao gồm Luật Chăn nuôi và các nghị định, các thông tư. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký phê duyệt Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi là một trong 5 đề án trọng tâm của Chiến lược. Đề án đòi hỏi các địa phương tập trung triển khai thực hiện và mở ra hướng mới cho chăn nuôi phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn đảm bảo ngành chăn nuôi phát triển hiệu quả, bao gồm vận hành tái sử dụng chất thải chăn nuôi, khắc phục nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh, góp phần hình thành nền nông nghiệp phát thải thấp nhằm đạt mục tiêu của Chính phủ trong phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Thực tiễn cho thấy, ngành chăn nuôi đã sự chuyển biến không chỉ ở tốc độ tăng trưởng nhanh, mà còn ở việc xử lý chất thải chăn nuôi tương đối tốt. Thực hiện chuyển đổi khối lượng rất lớn chất thải rắn được xử lý để tái sử dụng, tái sản xuất phục vụ trở lại cho chăn nuôi: Tạo ra khí sinh học, phân bón phục vụ cây trồng, nuôi giun làm thức ăn chăn nuôi, thức ăn cho thủy sản… Như vậy, không chỉ ngành Chăn nuôi phát triển, mà ngành Trồng trọt cũng được hưởng lợi, tạo thành một quy trình khép kín, đồng bộ và bền vững.
Dự án Chương trình khí sinh học cho ngành Chăn nuôi được Chính phủ Hà Lan và Tổ chức phát triển Hà Lan SVN hỗ trợ Bộ NN&PTNT thực hiện từ năm 2003 đến năm 2020 với 03 giai đoạn đã mang lại hiệu quả và thay đổi nhận thức rõ rệt trong việc xử lý và tận dụng chất thải, giảm thiểu ô nhiễm, sản xuất năng lượng tái tạo và xây dựng thị trường khí sinh học thương mại, tín chỉ carbon từ công trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Cụ thể, từ năm 2003 đến tháng 8 năm 2019, dự án đã hỗ trợ xây dựng và lắp đặt trên 173 nghìn công trình khí sinh học, cung cấp đào tạo tập huấn cho khoảng 800 cán bộ kỹ thuật viên tỉnh và huyện; hơn 1.800 thợ xây, thợ lắp và 173 nghìn hộ gia đình sử dụng công trình tại 55 tỉnh thành. Dự án thực hiện theo hướng phát triển tín chỉ các bon và đã phát hành trên 2,3 triệu tín chỉ các bon theo cơ chế tiêu chuẩn vàng tạo nguồn doanh thu mới để tái đầu tư vào các hoạt động dự án. Khoảng 200 tổ thợ xây, thợ lắp đã thành công khi thực hiện cơ chế cơ chế tài chính dựa vào kết quả. Với công trình khí sinh học, hàng triệu người đã tránh được mức độ ô nhiễm sức khỏe từ việc sử dụng sinh khối làm chất đốt cho việc đun nấu.
Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo ngành chăn nuôi phát triển hiệu quả.
Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng, chuyển đổi xanh hiện nay đang là 1 xu hướng không thể đảo ngược. Ngành chăn nuôi là một trrong các nguồn phát thải khí nhà kính như khí CH4, CO… có khả năng gây nóng lên toàn cầu. Trên toàn thế giới, ngành chăn nuôi đóng góp từ 14-17% phát thải khí nhà kính, ở Việt Nam là khoảng 19% trong tổng phát thải của ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó còn có những vấn đề về quản lý chất thải của vật nuôi chưa được bền vững. Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững và đặt ra mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thời gian tới, ngành chăn nuôi cần nhìn nhận một cách đầy đủ và hệ thống các nguyên tắc cơ bản của kinh tế tuần hoàn để thiết kế, xây dựng vận hành các hệ thống chăn nuôi theo hướng tuần hoàn; đánh giá mức độ phù hợp với trình độ quản lý, khả năng đầu tư của chủ trang trại, các loại hình chăn nuôi nhằm đảm bảo tính hiệu quả, bền vững; cần có sự tham gia của các bên liên quan. Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích đối với các trang trại, cơ sở chăn nuôi đáp ứng các tiêu chí về sử dụng tài nguyên, vật liệu, tiết kiệm năng lượng và sản xuất năng lượng tái tạo như là giảm chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; tăng cường truyền thông về các mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, không chỉ về giải quyết chất thải mà cần phải giảm chất thải về khí nhà kính.
Khẳng định tính cấp thiết cần chuyển hướng chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, khung chính sách về phát triển mô hình kinh tế này chưa được hoàn thiện. Các quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn nói chung, nông nghiệp tuần hoàn nói riêng nằm rải rác ở các luật, nghị định khác nhau, thiếu hướng dẫn và chưa có tiêu chuẩn hóa về kinh tế tuần hoàn.
Hiện cũng chưa đưa ra được các quy định, các tiêu chí, tiêu chuẩn để nhận diện, đánh giá, các tiêu chuẩn về công nghệ (sinh học, kỹ thuật nuôi, chế biến) cho các mô hình kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng nêu khó khăn, vướng mắc trong áp dụng công nghệ xử lý, quản lý chất thải, mô hình nông nghiệp tuần hoàn và chuyển dịch năng lượng tái tạo tại các trang trại chăn nuôi…
Các chuyên gia khuyến nghị ngành chăn nuôi cần chú trọng tới các giải pháp công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn, khí biogas. Hiện có 5 biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn đang được áp dụng. Thứ nhất, xử lý chất thải chăn nuôi để sản xuất năng lượng sạch và phân bón hữu cơ (cả nước có trên 550 nghìn công trình khí sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi quy mô nông hộ và gần 200 nghìn công trình khí sinh học sử dụng công nghệ HDPE quy mô trang trại).
Thứ hai, sử dụng đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi, cải thiện môi trường chăn nuôi và nguồn đệm lót sau xử lý dùng để bón cho cây trồng (cả nước có trên 12 triệu m2 diện tích đệm lót sinh học được áp dụng). Thứ ba, ủ phân làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón. Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi áp dụng biện pháp ủ phân vật nuôi là 43% đối với gia cầm, 22% đối với lợn, 23% đối với bò…
Thứ tư, công nghệ vi sinh: Cả nước có trên 233 nghìn hộ chăn nuôi và trên 11 nghìn trang trại chăn nuôi sử dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý chất thải và khử mùi trong chăn nuôi. Thứ năm, chăn nuôi các loại côn trùng ăn chất thải chăn nuôi như trùn quế, lính ruồi đen hiện nay ở nhiều địa phương đã mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi thu được nguồn protein từ côn trùng phục vụ cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Thu Thủy
Bình luận