Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Chủ nhật, 08/10/2023 06:10
TMO - Để bảo vệ những đàn chim hoang dã, di cư di trú tránh bão, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã triển khai hàng loạt các giải pháp, trong đó chú trọng đến thu gom, tiêu hủy hàng nghìn dụng cụ bẫy chim trên các cánh đồng.
Từ tháng 9 hàng năm là thời điểm chim trời di cư tránh bão. Đây cũng là thời điểm người dân tại một số địa phương sử dụng các bẫy chim để săn bắt các loài chim như cò, vạc, cói. Tại tỉnh Nghệ An, những ngày này lực lượng kiểm lâm tại các địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng thu gom và tiêu hủy hàng ngàn dụng cụ bẫy, đánh bắt chim trời.
Để ngăn chặn từ sớm nạn săn bắt chim trời mùa di cư, những ngày gần đây lực lượng chức năng huyện Quỳnh Lưu đã đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý tình trạng săn bắt chim hoang dã. Từ đầu tháng 10, Hạt kiểm lâm Quỳnh Lưu phối hợp với Đội kiểm lâm cơ động và PCCCR số 3 Chi cục kiểm lâm tỉnh Nghệ An đã ra quân kiểm tra, truy quét nạn săn bắt chim hoang dã di cư tại xã Quỳnh Nghĩa và Quỳnh Bảng.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện có nhiều điểm giăng, đặt bẫy và dựng cả chòi canh để đánh bắt chim di cư. Lực lượng chức năng đã tiến hành thu gom và lập biên bản tiêu hủy tại chỗ 400m lưới, 60 con cò mồi cùng một số dụng cụ bẫy chim khác và 350 con cò giả được làm từ xốp. Đối với những con chim được người dân đánh bắt được đang còn khỏe mạnh thì đoàn thả về môi trường tự nhiên, những con ốm, chết tiến hành tiêu hủy tránh để xảy ra dịch bệnh. Do các điểm không phát hiện người đang đánh bắt nên không có xử lý vi phạm hành chính.
Đoàn liên ngành đã tiến hành kiểm tra tại 7 xã bao gồm: Xã Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, Quỳnh Ngọc, Quỳnh Yên và xã An Hòa. Từ nay cho đến cuối năm 2023, đoàn liên ngành của huyện Quỳnh Lưu sẽ tiếp tục kiểm tra, truy quét nạn săn bắt chim di cư ở các xã ven biển và một số địa phương khác của huyện.
Tại huyện Quỳnh Lưu, lực lượng chức năng đã đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý tình trạng săn bắt chim hoang dã. Ảnh: TC.
Với 25 km bờ biển trải dài, từ tháng 9, 10 hằng năm nhiều loài chim hoang dã, chim di cư theo mùa như Vạc, Én, Cò, Cói… bay về để trú ngụ, tìm kiếm thức ăn trên những rừng phi lao, rừng sú vẹt, khu vực gần ao hồ, cửa sông, cửa lạch trên địa bàn huyện Diễn Châu. Các cấp chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, ngành Kiểm lâm đã ban hành “lệnh cấm” và thực hiện các biện pháp tuyên truyền, tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn tình trạng săn, bắn, bẫy bắt chim hoang dã, chim di cư.
Trên những cánh đồng, người dân trang bị những tấm lưới tàng hình (màu trắng, sợi mảnh), bình ắc - quy, loa phát âm thanh giả tiếng chim. Tại vùng ven biển huyện Diễn Châu, môi trường sinh thái khá đa dạng với những rừng phi lao, rừng sú vẹt, nhiều ao hồ, đầm, cửa sông, cửa lạch thích hợp cho các loại chim hoang dã, chim di cư tìm về kiếm ăn, trú ngụ.
Từ ngày 20/9 đến ngày 3/10, lực lượng phối hợp gồm Hạt Kiểm lâm, Công an, Biên phòng, dân quân tự vệ, các ban, ngành, đoàn thể địa phương đã tiến hành ra quân truy quét, xử lý nạn đánh bắt chim di cư, chim hoang dã trên các địa bàn trọng điểm như xã Diễn Trung, Diễn Phú, Diễn Thái, Diễn Hoa, Diễn Thịnh, Diễn Lợi, Diễn Cát… Các lực lượng tham gia đã giải cứu và thả về môi trường tự nhiên gần 90 cá thể vạc, cò; tiến hành lập biên bản tiêu hủy tại chỗ khoảng 7.200m lưới bẫy, gần 4.000 con cò giả, én giả gọt tạc bằng xốp, 20kg nhựa dính, hơn 300 que nhựa, 60 con cò mồi, 850 cọc giăng lưới... Lực lượng chức năng thu giữ nhiều thiết bị các thợ săn chim dùng để bắt, bẫy chim trời như bình ắc quy, loa phát tiếng chim; phá dỡ nhiều lán lều trong rừng phi lao ven biển, khu vực hồ đầm, bãi nổi…
Lực lượng chức năng phá dỡ các điểm bẫy chim hoang dã bằng lưới tàng hình. Ảnh: TTX.
Ngay từ đầu tháng 8/2023, UBND huyện Diễn Châu đã ban hành công văn số 2106/UBND-NN về việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về quản lý động vật hoang dã và chim di cư trên địa bàn gửi UBND các xã, thị trấn, Hạt kiểm lâm cùng các đơn vị, lực lượng liên quan. UBND huyện Diễn Châu yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện tham mưu cho UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các lực lượng công an, dân quân tự vệ, lâm nghiệp xã... tổ chức ký cam kết không mua bán, nuôi nhốt, săn bắn, bẫy, giết mổ, kinh doanh, chế biến trái phép các loài chim di cư trên địa bàn; phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức lực lượng kiểm tra tại các chợ, nhà hàng, cánh đồng, hồ đập… ngăn chặn tình trạng săn, bắn, bẫy bắt, mua bán, giết mổ, kinh doanh, chế biến các loài chim di cư...
Công an huyện Diễn Châu có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng Công an xã tăng cường kiểm tra, thu giữ, xử lý các đối tượng dùng các loại súng để săn bắn các loài chim di cư; bố trí lực lượng phối hợp chính quyền địa phương, ngành kiểm lâm tổ chức tháo dỡ, thu dọn dụng cụ bẫy, bắt chim trời. Đồn Biên phòng Diễn Thành (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực các xã ven biển, cảng cá, cửa sông, cửa lạch nhằm kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các trường hợp mua bán, vận chuyển, dùng chim mồi, giăng lưới săn bắt, bẫy các loài chim hoang dã, di cư...
Để ngăn chặn tình trạng dùng súng săn, giăng lưới, đặt chim mồi bẫy bắt, mua bán trái phép các loại chim hoang dã, chim di cư, UBND nhiều huyện tại tỉnh Nghệ An đã ban hành công văn chỉ đạo, yêu cầu các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền sâu, rộng đến người dân, cán bộ, công nhân viên chức nội dung Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức ký cam kết không mua bán, nuôi nhốt, săn bắn, bẫy, giết mổ, kinh doanh trái phép chim di cư về sinh sống trên địa bàn; nghiêm cấm việc dùng các loại súng, giăng lưới, đặt chim mồi, đặt bẫy nhựa dính, dùng băng đĩa phát tiếng chim… để săn bắn, bẫy bắt; nghiêm cấm hành vi giết mổ, mua bán, kinh doanh, chế biến các loại chim di cư. Đồng thời, tổ chức lực lượng kiểm tra, thu dọn, tiêu hủy các dụng cụ loại bắt, bẫy các loại chim di cư; kiểm tra, xử lý nghiêm đối tượng có hành vi săn, bắt, bẫy, mua bán, kinh doanh các chim di cư tại các chợ, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn…
Đức Hải
Bình luận