Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ hai, 16/10/2023 07:10
TMO - Để bảo vệ đàn chim hoang dã, di cư, tránh trú trong muà mưa bão, lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh triển khai nhiều biện pháp, nhằm ngăn chặn các hành vi săn, bắt, mua, bán, giết mổ, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ chim hoang dã trái phép. Đặc biệt, là xử lý các hành vi rao bán chim trời trên không gian mạng.
Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Tĩnh, nhiều cá nhân vẫn lợi dụng mùa chim di cư, tránh trú mưa bảo, để công khai đăng bán tràn lan các loại chim trời trên hệ thống facebook, và qua các nhóm tương tác trên mạng xã hội có hàng ngàn lượt theo dõi.
Công khai rao bán chim trời
Cụ thể, tại địa bàn thị xã Kỳ Anh và TP Hà Tĩnh, một số người vẫn ngang nhiên đăng tải trên trang facebook các nhân với nội dung rao bán, mời chào các loại chim trời một cách công khai. Nhiều người còn thường xuyên đăng tải các buổi livestream sơ chế chim hoang dã một cách công khai.
Tùy vào loại chim mà người bán đưa ra các mức giá khác nhau. Các loại chim được rao bán chủ yếu là cò, vạc, diệc…., đã được sơ chế sạch sẽ, có giá từ 270 nghìn đồng/cặp chim vạc hoặc 120 nghìn đồng/cặp chim cói…
Chim trời được rao bán công khai trên không gian mạng. Nội dung rao bán "Ai ăn diệc lên đơn chiều này e ship ạ...cực béo mn ơi...ip e sớm để lên đơn nha mn" kèm hình ảnh từ một tài khoản trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, tại một số chợ dân sinh trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, nhiều tiểu thương vẫn ngang nhiên bày bán chim trời công khai. Được biết, các loại cò, cói, vạc... được người dân săn, bắt ở vùng bãi ngang ven biển các huyện: Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Nghi Xuân... hoặc tiểu thương nhập về từ tỉnh Nghệ An, Quảng Bình... sau đó làm sạch rồi mang ra bán tại chợ.
Để ngăn chặn các hành vi buôn bán chim trời trái phép, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Chi cục kiểm lâm các huyện, phối hợp với lực lượng công an địa bàn các xã, phường thị trấn trên địa bàn, đồng loạt ra quân xử lý các đối tượng có hành vi buôn bán chim trời trái phép. Qua điều tra, lực lượng chức năng đã xử phạt 7,5 triệu đồng với một cá nhân trú tại thị xã Kỳ Anh về hành vi đăng bài bán chim trời trên mạng xã hội gây bức xúc dư luận.
Ủy ban nhân dân thị xã Kỳ Anh cũng đã có văn bản chỉ đạo các ngành liên quan tang cường quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, chim tự nhiên di cư. Giao các địa phương thành lập tổ tuần tra, xử lý các hành vi đánh bắt, mua bán giết mổ các loài chim hoang dã, di cư tự nhiên trên địa bàn. Ngành chức năng cũng đã triển khai cho các nhà hàng ký cam kết không quảng cáo, mua, bán, tang trữ, giết mổ, chế biến, tiêu thụ chim tự nhiên, động vật hoang dã.
Lực lượng chức năng huyện Kỳ Anh ra quân xử lý tình trạng săn bắt chim hoang dã.
Rao bán chim trời trên không gian mạng bị xử lý như thế nào?
Trao đổi với phóng viên, ông Đào Đức Giang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Kỳ Anh cho biết, trên 11 xã phường, đơn vị đã giao cho kiểm lâm địa bàn tham mưu cho chủ tịch UBND các đơn vị, thành lập các tổ công tác để xử lý các hành vi săn bắt động vật hoang dã và các loài chim tư nhiên di cư. Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giết mổ động vật hoang dã và chim di cư trái phép.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có văn bản chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp, tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng săn bắt, mua bán trái phép các loài chim tự nhiên. Nghiêm cấm các hành vi săn, bắt, bắn, bẫy, mua, bán, giết mỗ, vận chuyển, tàng trữ, quảng cáo, tiêu thụ các loài chim hoang dã, chim di cư và động vật hoang dã.
Cơ quan chức năng làm việc với người vi phạm về săn bắt động vật hoang dã trái phép.
Yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động không tham gia săn, bắt, bắn, bẫy, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo chim hoang dã, chim di cư và động vật hoang dã trái pháp luật. Đồng thời, tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 101 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2023 quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Hành vi rao bán chim trời trên mạng là hành vi vi phạm pháp luật. Pháp luật nghiêm cấm các hành vi săn, bắt, bắn, bẫy, mua, bán, giết mổ, vận chuyển, tàng trữ, quảng cáo, tiêu thụ trái phép các loài chim hoang dã, chim di cư và động vật hoang dã.
Theo đó, khi các tổ chức, cá nhân sử dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi “Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm” sẽ bị xử phạt 10 triệu – 20 triệu đồng (đối với tổ chức) và 5 triệu – 10 triệu đồng đối với cá nhân.
Phan Ấn
Bình luận