Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ ba, 02/08/2022 22:08
TMO - Với hệ sinh thái đa dạng, chủ yếu là rừng nguyên sinh cùng loài động thực vật quý hiếm, Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà (tỉnh Lâm Đồng) là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học lớn bậc nhất nước ta cần được bảo tồn một cách nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học tại khu vực này.
Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà là có 1.945 loài thực vật có mạch trên tổng số hơn 12.000 loài (chiếm 1/6 số loài của Việt Nam); có 301 loài chim được ghi nhận trên tổng số hơn 900 loài chim của Việt Nam (chiếm gần 1/3, trong đó có 7/12 loài đặc hữu Việt Nam). Khu vực này còn ghi nhận 297 trên tổng số 1.200 loài lan Việt Nam...
Thời gian gần đây, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã phát hiện ra nhiều loài mới, quý hiếm, đặc hữu tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà như: loài Mộc hương Neinhuis; 3 loài dẻ đá đặc hữu mới được phát hiện gồm: Dẻ đá Bidoup, Dẻ đá Hòn Giao, Dẻ đá Cổng Trời; Thu hải đường Hòn Giao; Thu hải đường Lâm Đồng; Trà hoa tí hon; Trà my Bidoup; Xú hương bidoup; loài nấm mới Craspedodidymum seifertii ở khu vực Giang Ly.
VQG Bidoup-Núi Bà là một trong những khu bảo tồn đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam
Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện 01 loài thằn lằn mới thuộc họ Gekkonidae. Thông qua bẫy ảnh đã phát hiện một số loài như Cầy vằn (Chrotogale owstoni) đặc hữu của dãy Trường Sơn; Mang lớn (Muntiacus vuquangensis) - loài chỉ xuất hiện ở dãy Trường Sơn và được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp (CR) trong sách đỏ IUCN, Gấu chó (Helarctos malayanus), Nhím bạch tạng - nhím màu trắng, là loài rất hiếm gặp trong tự nhiên.
Theo đánh giá của Tổ chức Chim thế giới (BirdLife international), VQG Bidoup – Núi Bà là một trong 221 trung tâm chim đặc hữu của thế giới, là vùng hành làng bảo tồn đa dạng sinh học có diện tích rất rộng, tiếp giáp với VQG Chư Yang Sin (Đăk Lăk) và VQG Phước Bình (Ninh Thuận); là trung tâm, vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang.
Nhằm bảo tồn và phát triển những giá trị trên, tỉnh Lâm Đồng tham gia thực hiện Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học thuộc Dự án VFBC do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Bộ NN&PTNT trong thời gian từ 2021 - 2025. Mục tiêu của Hợp phần là góp phần duy trì và tăng cường chất lượng rừng, bảo vệ và giữ ổn định số lượng quần thể các loài hoang dã ở các Vườn Quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam.
Hình ảnh về loài Mang lớn được ghi nhận qua bẫy ảnh tại Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà năm 2017
Để giám sát, bảo vệ động vật hoang dã hiệu quả tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, kể từ tháng 10/2019, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đã hợp tác cùng với Viện Sinh thái học miền Nam (SIE) và Viện Nghiên cứu động vật hoang dã Leibniz (Leibniz-IZW) thuộc Cộng hòa liên bang Đức thực hiện khảo sát bẫy ảnh trên trên toàn bộ diện tích của Vườn.
Đặc biệt, hiện Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà cũng đã phối hợp với Tổ chức Cứu hộ động vật hoang dã tại Việt Nam áp dụng công nghệ sử dụng máy bay không người lái trong giám sát bảo vệ động vật hoang dã có gắn chíp phát sóng của Australia - công nghệ này lần đầu xuất hiện ở Việt Nam và cũng là lần đầu được thực thi bên ngoài Australia.
Những năm qua, VQG đã triển khai thực hiện 12 đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ để thực hiện mục tiêu quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và hỗ trợ phát triển kinh tế cộng đồng. Đề tài “Điều tra, đánh giá phân loại các loài nấm dưới tán rừng thông tỉnh Lâm Đồng” đã phát hiện và mô tả được 6 bộ, 14 họ, 23 chi, 65 loài nấm với 30 loài nấm ăn được và 35 loài nấm độc trong khu vực nghiên cứu (dưới tán rừng thông Lâm Đồng); xây dựng bộ mẫu vật với 23 mẫu khô, 54 mẫu tươi.
Đề tài “Thực nghiệm các giải pháp phòng, chống cháy rừng trên địa bàn VQG” đã nghiên cứu các nguyên nhân gây cháy rừng, các biện pháp kỹ thuật phòng, chống cháy rừng phù hợp, góp phần hoàn thiện quy trình kỹ thuật kiểm soát lửa rừng, phòng chống cháy rừng hiệu quả; thiết lập bảng phân loại mức độ cháy rừng thông ba lá theo khối lượng vật liệu cháy và hệ số khả năng bắt cháy; đồng thời, kiến nghị bổ sung vào quy trình kiểm soát cháy rừng đối với rừng thông ba lá Lâm Đồng, đề xuất các giải pháp phòng, chống cháy rừng đối với VQG.
Du khách chiêm ngưỡng đa dạng sinh học tại VQG. Ảnh: Thái Biểu
Mới đây, tỉnh Lâm Đồng vừa thông qua Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà giai đoạn 2021 – 2030 đã chỉ ra mục tiêu nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên, khai thác tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương.
Hiện nay, Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà đang gắn kết với các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên kế cận để tạo thành một vùng thiên nhiên rộng lớn, góp phần cho việc bảo tồn sinh học ở cao nguyên Đà Lạt, vùng Nam Tây Nguyên và vùng Nam Trung bộ.
Lê Tiến
Bình luận