Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 18:01
Thứ hai, 20/03/2023 04:03
TMO - Để bảo đảm cung cấp đủ vật liệu san lấp nền đường cho các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các địa phương nâng ngay công suất 50% ở các mỏ cát đang khai thác, phục vụ thi công cao tốc.
Nhận định việc đầu tư xây dựng các công trình, dự án hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL là hết sức cấp thiết nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án, trong đó có giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu san lấp, đắp nền đường.
Cùng với sự vào cuộc của cấp thẩm quyền các địa phương, bộ, ngành liên quan, một phần khó khăn về nguồn vật liệu san lấp cho các dự án đã được tháo gỡ với 66 giấy phép khai thác được cấp, tổng trữ lượng khoảng 80 triệu m3, công suất khai thác khoảng 17 triệu m3/năm. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát, trữ lượng cát san lấp hiện tại chỉ còn khoảng 37 triệu m3, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu.
Xác định thời gian tới khi các dự án cao tốc triển khai đồng loạt, nhu cầu vật liệu là rất lớn (khoảng gần 48 triệu m3, trong đó, năm 2023 khoảng 17,8 triệu m3, năm 2024 khoảng 28,4 triệu m3), để đảm bảo vật liệu san lấp nền đường cho các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông khu vực ĐBSCL, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương lên biểu đồ nhu cầu vật liệu theo tiến độ dự án từ nay đến năm 2024 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương trước ngày 24/3/2023.
Đồng thời, chỉ đạo các nhà thầu chủ động làm việc với các địa phương hoặc doanh nghiệp đang và sẽ khai thác mỏ cung cấp vật liệu san lấp, đắp nền để đảm bảo nguồn cung theo đơn giá vật liệu do các địa phương ban hành, bảo đảm tính ổn định và không làm tăng vốn đầu tư. Bộ GTVT phối hợp với Bộ TN&MT, UBND các tỉnh có nguồn vật liệu đất san lấp để đánh giá trữ lượng, khả năng cung ứng và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật san lấp, đắp nền đường cho các dự án trong vùng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các địa phương nâng ngay công suất 50% ở các mỏ cát đang khai thác, phục vụ thi công cao tốc (Ảnh minh họa: VH).
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu đánh giá sự phù hợp về tiêu chuẩn kỹ thuật để có phương án sử dụng các mỏ đất tại tỉnh Long An đã cấp phép với khối lượng 30 triệu m3 để cung cấp cho các công trình, dự án hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL; Nghiên cứu toàn diện, kỹ lưỡng về giải pháp thiết kế các dự án giao thông đường bộ nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; xem xét phương án thiết kế cao độ tuyến phù hợp (hoặc thay thế bằng cầu cạn) để giảm khối lượng vật liệu san lấp và tác động đến dòng chảy tiêu thoát lũ hoặc tạo thành vùng úng, ngập khi có mưa, triều cường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời triển khai phương án thi công phù hợp để bảo đảm tính bền vững, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái.
Bộ Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở kết quả đánh giá toàn bộ trữ lượng các mỏ cát đắp nền và công suất khai thác từng năm (các mỏ đang khai thác, nâng công suất, mỏ mới hoạt động) và biểu đồ nhu cầu vật liệu cho các tuyến giao thông theo từng tháng, thực hiện phân bổ, điều tiết đối với từng mỏ, từng địa bàn, phù hợp với tiến độ thi công các dự án.
Khẩn trương chủ trì nghiên cứu, phối hợp với Bộ GTVT thử nghiệm nguồn cát biển; xem xét, nghiên cứu việc sử dụng vật liệu thay thế (cát nghiền từ đá, tro xỉ...) để cung ứng cho các dự án đường cao tốc và các công trình dân dụng. Trước ngày 22/4/2023, có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện thủ tục cấp phép mỏ vật liệu san lấp, nâng ngay công suất 50% ở các mỏ cát đang khai thác; cấp lại giấy phép khai thác các mỏ đã hết hạn, tạm thời đóng cửa theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trong vùng tiếp tục nhất quán phương châm việc triển khai các dự án đường cao tốc trong vùng là công trình của quốc gia, phục vụ lợi ích chung của toàn vùng, cả nước và mang lại động lực, lan tỏa, thúc đẩy thu hút đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội của toàn vùng và của từng địa phương; vì vậy, phải dành sự ưu tiên cao nhất các điều kiện về nguồn lực, vật liệu để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm trong vùng.
Đồng thời, đơn giản hoá các thủ tục cấp phép mỏ vật liệu san lấp, nâng ngay công suất 50% ở các mỏ cát đang khai thác; cấp lại giấy phép khai thác các mỏ đã hết hạn, tạm thời đóng cửa; đưa vào hoạt động các mỏ mới phục vụ riêng cho các dự án cao tốc trên cơ sở quan trắc, giám sát chặt chẽ về môi trường, nguy cơ sạt lở theo đúng quy định của pháp luật. Về hoạt động của Hội đồng điều phối liên vùng, Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh vùng ĐBSCL trao đổi, thống nhất đề xuất các dự án động lực, có sức lan tỏa trong phát triển vùng dựa trên tiềm năng, thế mạnh để Hội đồng vùng họp bàn trong tháng 4/2023 tại Cần Thơ và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc huy động các nguồn vốn để triển khai.
Mạnh Cường
Bình luận