Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 12:11
Thứ bảy, 03/06/2023 13:06
TMO - Tỉnh Đồng Tháp đã cung cấp 1,9 triệu m3 cát cho công trình cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau và đang rà soát một số mỏ cát để tính toán, cung ứng đủ 5,1 triệu m3 cát còn lại.
Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Tháp cho biết, hiện tỉnh đã cấp 14 giấy phép khai thác khoáng sản, tổng trữ lượng khai thác 6 tháng đầu năm là khoảng 972.000m3, trữ lượng còn lại khoảng 25 triệu m3. Sau ngày 30/6/2023, trữ lượng cát được phê duyệt này sẽ giảm còn 21,59 triệu m3. Tổng công suất cho phép khai thác cát của 14 giấy phép là 5,655 triệu m3/năm.
Năm 2023, nhu cầu về cát của tỉnh Đồng Tháp khoảng 19,9 triệu m3 (chưa kể cung ứng cho cao tốc ngoài tỉnh). Tuy nhiên, tỉnh đang cố gắng cung cấp cát cho công trình cao tốc Cao Lãnh-An Hữu và Mỹ An-Cao Lãnh với 6,6 triệu m3 (riêng năm 2023 là 0,7 triệu m3); cao tốc Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau là 7 triệu m3 (riêng năm 2023 là 3,3 triệu m3).
Vừa qua, tỉnh Đồng Tháp đã tăng 50% công suất khu mỏ 2A, 2B và giới thiệu 2 mỏ mới trên sông Tiền và sông Hậu với tổng trữ lượng dự kiến cung cấp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khoảng 1,9 triệu m3. Như vậy, còn thiếu khoảng 5,1 triệu m3. Tỉnh đang rà soát một số mỏ cát để tính toán, cung ứng đủ nguồn cát còn lại cho cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau theo yêu cầu của Trung ương.
Tuy nhiên, Sở TN&MT tỉnh cho biết, hiện địa phương còn lúng túng trong việc áp dụng cơ chế đặc thù, do đó cần được Trung ương hướng dẫn chi tiết. Sở TN&MT kiến nghị Bộ TN&MT xem xét, cho ý kiến về 12 bước (quy trình, thủ tục) khai thác mỏ theo cơ chế đặc thù được Sở căn cứ vào Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 18 của Chính phủ, Luật Khoáng sản và hướng dẫn của Bộ TN&MT.
Tỉnh Đồng Tháp đang rà soát một số mỏ cát để tính toán, cung ứng đủ 5,1 triệu m3 cát còn lại cho công trình cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau (Ảnh: TTX).
Bộ GTVT cho biết, hiện tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau nhiều đoạn đã được bóc hữu cơ, trải vải địa kỹ thuật nhưng lại không có cát đắp nền, nên các công đoạn thi công tiếp theo bị gián đoạn. dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau nhiều đoạn đã được bóc hữu cơ, trải vải địa kỹ thuật nhưng lại không có cát đắp nền, nên các công đoạn thi công tiếp theo bị gián đoạn.
Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các cơ chế đặc thù, Bộ TN&MT cũng có hướng dẫn cụ thể theo hướng rất đơn giản về thủ tục, tạo điều kiện hết sức thuận lợi để các địa phương thực hiện. Song do đây là lần đầu áp dụng cơ chế đặc thù nên còn lúng túng, việc triển khai các thủ tục còn chưa đáp ứng tiến độ Chính phủ yêu cầu. Tuy nhiên, hiện nay theo như trình tự thủ tục mà tỉnh Đồng Tháp dự thảo để thực hiện việc khai thác thì lại mất khoảng 100 ngày, tức là khoảng hơn 3 tháng nữa mới có cát.
Mới đây, tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Tháp về tình hình quản lý và khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; việc cung ứng cát cho công trình cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đề nghị địa phương thực hiện ngay theo Nghị quyết 133 của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù để nâng 50% công suất các mỏ đang khai thác, cung cấp ngay cho dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn, đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Đối với các mỏ đã tạm dừng và hết hạn, địa phương rà soát, phân loại các mỏ để giao cho các nhà thầu của dự án hoặc cấp phép lại cho đơn vị cũ khai thác trữ lượng còn lại. Điều kiện ràng buộc là sản phẩm phải cung cấp cho các dự án giao thông trọng điểm và thời gian thực hiện các thủ tục phải ngắn nhất có thể. Đối với các mỏ mới, địa phương thực hiện thủ tục xác nhận hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác theo hướng dẫn của Bộ TN&MT. Hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác do nhà thầu nộp chỉ cần cam kết bảo vệ môi trường và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên bố trí ngay nguồn cát đắp cho các dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. Ảnh: DG.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có chỉ đạo về về việc điều phối vật liệu cát san lấp cho các dự án cao tốc khu vực ĐBSCL. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên bố trí ngay nguồn cát đắp cho các dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau (thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau), với khối lượng của năm 2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp lần thứ 5 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được xem là tuyến quan trọng nhất Đồng bằng sông Cửu Long khi kết nối nhiều tỉnh, thành. Điểm đầu dự án tại nút giao IC2 (nút giao nối vào quốc lộ 91 – Nam Sông Hậu, TP Cần Thơ), điểm cuối nối tuyến tránh TP Cà Mau. Giai đoạn 1, dự án có tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng, rộng 17 m, 4 làn, chia làm hai dự án thành phần: Cần Thơ – Hậu Giang dài 36,7 km, vốn đầu tư trên 9.700 tỷ đồng; đoạn Hậu Giang – Cà Mau dài 72,8 km, vốn gần 17.500 tỷ đồng.
Thu Giang
Bình luận