Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 12:01
Thứ hai, 13/03/2023 12:03
TMO - Với tỷ lệ che phủ rừng hơn 63%, tỉnh Kon Tum có nhiều hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gần rừng, gắn với rừng. Bên cạnh phát huy hiệu quả tốt trong việc bảo vệ, phát triển rừng, việc tạo sinh kế ổn định cho đồng bào yên tâm giữ rừng là điều được địa phương nỗ lực thực hiện.
Kon Tum có diện tích rừng và đất lâm nghiệp là hơn 780 nghìn ha, diện tích có rừng là hơn 610 nghìn ha, diện tích chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp gần 170 nghìn ha. Trong năm 2022, toàn tỉnh trồng mới gần 5.300ha rừng, vượt 16,91% kế hoạch; cây phân tán trồng được gần 1,6 triệu cây, vượt 163,7% kế hoạch, nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh lên 63,12%.
Kế hoạch số 350/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2023 xác định mục tiêu phát triển ngành lâm nghiệp thành ngành kinh tế - kỹ thuật hiện đại, đóng góp cao trong tổng sản phẩm của tỉnh; cải thiện sinh kế cho người dân. Theo đó, năm 2023 trồng mới được 4.000ha rừng tập trung và trồng 598,8 ngàn cây phân tán; diện tích rừng có trồng Sâm Ngọc Linh khoảng 500ha, khoanh nuôi phục hồi rừng 891ha. Độ che phủ rừng đạt trên 63,12%. Giải quyết được việc làm cho khoảng 23.000 lao động/năm; khoảng 50% số hộ miền núi, người dân tộc thiểu số sống ở vùng có rừng tham gia sản xuất lâm nghiệp; góp phần phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 3-4%/năm.
Tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu trồng mới được 4.000ha rừng tập trung trong năm 2023.
Địa phương này phấn đấu đến năm 2025 trồng thêm được 15.000 ha rừng, nâng độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh lên 64%. Tổng diện tích thực hiện kế hoạch trồng rừng của tỉnh Kon Tum giai đoạn 2022-2025 là hơn 13.800 ha, từ giai đoạn 2023-2025 sẽ trồng mới hơn 9.300 ha rừng. Để đạt được kế hoạch đề ra, tỉnh Kon Tum dự kiến nhu cầu vốn thực hiện giai đoạn 2022-2025 là hơn 285 tỷ đồng. Từ giai đoạn 2023-2025 nhu cầu vốn trồng rừng trên 192,6 tỷ đồng. UBND tỉnh Kon Tum giao Sở NN&PTNT là cơ quan đầu mối kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện kế hoạch trồng rừng; Chỉ đạo quản lý chặt chẽ chất lượng giống cây trồng theo quy định.
Cùng với mục tiêu nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, thời gian qua nhiệm vụ ổn định sinh kế cho người dân cũng được tỉnh Kon Tum chú trọng. Thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhiều hộ gia đình, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, góp phần giữ vững diện tích rừng và có thêm nguồn thu nhập bền vững từ rừng, từng bước nâng cao kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Theo đó, việc triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã đã tác động tích cực đến đời sống của người dân, nhất là cộng đồng dân cư nông thôn, người dân sống trong rừng, gần rừng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Người dân có quyền lợi, nghĩa vụ trong quản lý, bảo vệ rừng, từng bước nhận thức về tầm quan trọng của rừng trong cộng đồng. Từ đó, người dân sẽ xem rừng như là nhà và tích cực trong việc tham gia bảo vệ, phát triển rừng, tăng giá trị hưởng lợi trực tiếp từ rừng.
Tổ bảo vệ rừng tại các địa phương phối hợp với lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng. Ảnh: TK.
Đến nay, đã có 78 cơ sở phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng (Quỹ Trung ương thu, điều phối tiền của 17 cơ sở sử dụng DVMTR có lưu vực liên tỉnh; Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum trực tiếp ký 61 hợp đồng, thu tiền đối với các cơ sở sử dụng DVMTR có lưu vực nội tỉnh). Chi trả đầy đủ, kịp thời cho 31 chủ rừng là tổ chức, 76 UBND xã, thị trấn được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, 3.335 chủ rừng là hộ gia đình cá nhân và 62 chủ rừng là cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao đất, giao rừng bảo vệ với khoảng 378.272ha rừng cung ứng DVMTR trên địa bàn tỉnh (chiếm khoảng 66,32% diện tích rừng toàn tỉnh, không tính diện tích cây cao su, đặc sản).
Việc thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo ra bước đột phá về nguồn lực tài chính để bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó, góp phần phục hồi, làm giàu tài nguyên rừng và có thêm thu nhập người dân vùng sâu, vùng xa, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ tiếp tục thường xuyên, liên tục tổ chức tuyên truyền để người dân nắm rõ quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia trồng rừng; vận động, khuyến khích, hướng dẫn người dân đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp, trên đất trồng cây công nghiệp kém hiệu quả chuyển sang trồng rừng sản xuất để hưởng được nhiều lợi ích kinh tế. Qua đó, thực hiện tốt nhiệm vụ trồng rừng hàng năm, sớm đạt mục tiêu nâng tỉ lệ bao phủ rừng lên 64% như mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.
Thanh Tuyền
Bình luận