Hotline: 0941068156
Thứ hai, 14/10/2024 14:10
Thứ bảy, 03/02/2024 07:02
TMO - Trong những năm gần đây, nhiều địa phương trên cả nước đã đẩy mạnh cơ giới hóa, đưa máy móc vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, qua đó đã góp phần giảm sức lao động, tiết giảm chi phí đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế...
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Điển hình lĩnh vực lâm nghiệp, mức độ cơ giới hóa đồng bộ đạt thấp nhất, chỉ vào khoảng 30%. Giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam là cần phải cơ giới hóa đồng bộ. Thiết bị máy động lực ở Việt Nam còn tụt hậu so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia…Các nhà sản xuất trong nước chiếm thị phần tương đối thấp, năng lực sản xuất máy móc chỉ đáp ứng khoảng 32% nhu cầu thị trường. Thị phần đáng kể trong nhu cầu thị trường được cung ứng bởi các sản phẩm nhập khẩu, chiếm khoảng 60 - 70%.
Mặc dù năm 2023 là một năm thành công đối với ngành nông nghiệp. Cụ thể, xuất siêu hơn 12 tỷ USD, tăng trưởng GDP 3,83%, đây là mức tăng kỷ lục trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, năng suất lao động còn thấp so với các nước trong khu vực, tỷ lệ cơ giới hóa trong các lĩnh vực còn thấp…là do trình độ khoa học và công nghệ còn tương đối thấp. Khả năng ứng dụng khoa học công nghệ và các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng quốc gia, quốc tế còn hạn chế.
Do vậy, Việt Nam mong muốn và đặt mục tiêu sản xuất được các mặt hàng nông sản có chất lượng cao, giá trị gia tăng tốt hơn, có khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và tạo vị thế xây dựng thương hiệu quốc gia nông nghiệp Việt Nam. Đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp… Để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, Việt Nam cam kết sẽ nghiên cứu, xem xét để đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác với quốc tế, trong đó vấn đề cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được đặc biệt quan tâm nhằm thúc đẩy việc tích tụ, tập trung đất đai, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất nông nghiệp…
Nhiều địa phương trên cả nước đã đẩy mạnh cơ giới hóa, đưa máy móc vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Việc đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp được ngành nông nghiệp cùng nông dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) trong tỉnh An Giang chú trọng đầu tư, từng bước hình thành các vùng chuyên canh theo hướng hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao. Giai đoạn 2022 - 2024, Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại ĐBSCL”.
Dự án thực hiện trên địa bàn 4 tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Long An, với mục tiêu xây dựng mô hình sản xuất lúa ứng dụng gói kỹ thuật đồng bộ từ gieo cấy đến thu hoạch, tạo sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo đó, từ năm 2022 - 2023, đã xây dựng 8 mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu với quy mô 400ha (mỗi mô hình 50ha, mỗi tỉnh 1 mô hình/năm) tại 4 tỉnh tham gia dự án. Mô hình sử dụng các giống lúa chất lượng cao, như: OM18, DSI, ST25, IR4625...
So với ruộng đối chứng ngoài mô hình thì ruộng trong mô hình hạn chế tác động đến môi trường, do bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bằng thiết bị bay không người lái; lúa cứng cây, ít bị đổ ngã, năng suất cao hơn ruộng ngoài mô hình. Cụ thể, năng suất lúa bình quân đạt 6,38 tấn/ha, lợi nhuận hơn 23,8 triệu đồng/ha. Mô hình giúp giảm chi phí sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn của DN liên kết tiêu thụ”. Việc ứng dụng cơ giới hóa giúp tiết kiệm 80% công lao động, hạn chế tác động đến môi trường. Việc xây dựng mô hình giúp cải thiện khả năng quản lý của HTX thông qua tự giám sát các thành viên tham gia dự án về quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, thương thảo hợp đồng liên kết… từng bước hình thành vùng liên kết tiêu thụ bền vững.
Tại xã Mỹ Phú Đông (huyện Thoại Sơn), việc triển khai mô hình “Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP, ứng dụng cơ giới hóa, gắn liên kết DN tiêu thụ”. Theo đó, vụ thu đông năm 2023, Trung tâm Khuyến nông triển khai thực hiện mô hình này tại HTX Nông nghiệp Tân Đông (xã Mỹ Phú Đông), với diện tích 50ha, có 12 hộ tham gia. Kết quả, chi phí sản xuất của các ruộng mô hình thấp hơn ruộng đối chứng 3 triệu đồng/ha, năng suất cao hơn từ 0,3 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn khoảng 5 triệu đồng/ha. Quá trình sản xuất đã áp dụng máy bay không người lái (drone “3 trong 1”) thực hiện gieo sạ, bón phân, phun thuốc BVTV. Các hộ nông dân thực hiện mô hình áp dụng triệt để kỹ thuật sản xuất lúa tiên tiến (1 phải, 5 giảm), nên giảm đáng kể lượng giống gieo sạ, giảm chi phí sản xuất.
Thời gian qua, huyện Thoại Sơn đã tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất, trong đó triển khai cơ chế hỗ trợ của tỉnh, của huyện để hộ nông dân đầu tư mua các loại máy móc phù hợp với điều kiện sản nông nghiệp. Tính đến nay, nông dân trên địa bàn huyện đã đầu tư mua được 470 máy gặt đập liên hợp, nâng tỷ lệ thu hoạch lúa bằng máy trên 99% diện tích sản xuất, góp phần hạ giá thành canh tác và nâng cao chất lượng lúa.
Ngoài ra, khâu phun thuốc BVTV và bón phân đã từng bước được nông dân ứng dụng các thiết bị bay nên giảm được công lao động cũng như mức độ độc hại khi tiếp xúc hóa chất cho người lao động. Đây là tiền đề để nhân rộng các thiết bị công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, góp phần giúp nông dân chủ động trong các khâu sản xuất, giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu các tác hại đến môi trường. Mối quan hệ giữa DN với HTX dần được thiết lập theo chuỗi giá trị phù hợp với xu thế phát triển.
Phương Lan
Bình luận